11/10/2022 08:39 GMT+7

Xuất khẩu thủy sản lập kỳ tích nhờ nuôi trồng

KHẮC TÂM - CHÍ TUỆ - ĐÔNG HÀ
KHẮC TÂM - CHÍ TUỆ - ĐÔNG HÀ

TTO - Năm 2022, dự kiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 10 tỉ USD, trong đó đóng góp lớn nhất là hai mặt hàng thủy sản nuôi là tôm và cá tra với hơn 6 tỉ USD.

Xuất khẩu thủy sản lập kỳ tích nhờ nuôi trồng - Ảnh 1.

Anh Huỳnh Nhang Thiện Trúc - ngụ xã Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn, An Giang - đang cho cá tra ăn - Ảnh: BỬU ĐẤU

Theo các chuyên gia, Việt Nam có tiếp tục duy trì được tốc độ xuất khẩu và vươn lên tốp đầu thế giới hay không là nhờ vào ngành nuôi trồng thủy sản trong những năm tới.

Đánh biển khó, nuôi trồng thắng lớn

Với 45 năm trong nghề thu mua và chế biến hải sản, ông Trần Văn Dũng, tổng giám đốc Công ty CP chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu (Baseafood), là người chứng kiến rõ mức độ cạn kiệt ngày càng nghiêm trọng của nguồn lợi thủy sản.

Theo ông Dũng, những năm 2000 về trước biển vẫn còn nhiều cá nên ngành chế biến surumi rất thuận tiện và đem lại lợi nhuận cao. Thời ấy, mỗi năm Baseafood xuất khẩu vài ngàn tấn surumi.

Thế nhưng, đến nay do cá thịt trắng (dùng để chế biến surumi) đã cạn kiệt nên doanh nghiệp bỏ luôn mảng này. Và nhiều năm trở lại đây, để có nguyên liệu chế biến, doanh nghiệp phải đi thu mua khắp cả nước và nhập khẩu từ nước ngoài. "Bây giờ phải tranh nhau mua nguyên liệu đầu vào", ông Dũng cho biết.

Trong khi đó, nhờ đầu tư vào hệ thống ao nuôi tôm mà Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) đã tự chủ được 30% nguyên liệu chế biến, xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước.

Tiến sĩ Hồ Quốc Lực - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Sao Ta - nhớ lại năm 2012 đến xã ven biển Vĩnh Tân nuôi tôm. Qua hơn 10 năm qua, trại tôm của công ty đã phát triển từ 60ha đến nay là 322ha và kể từ năm 2023 sẽ tăng lên 525ha với gần 640 ao nuôi...

Dù có nhiều biến động về thời tiết, môi trường và dịch bệnh nhưng trại tôm này chưa một lần thất bại. Chỉ riêng năm 2021, sản lượng thu hoạch của 270ha nuôi đạt trên 8.000 tấn, chủ động 30% nguyên liệu cho công ty.

Để có được thành công này là nhờ công ty chủ động "sáng chế" ra vi sinh có lợi khắc chế vi sinh bất lợi trong quá trình nuôi, tỉ lệ thành công trong nuôi tôm đạt trên 80% góp phần làm giá thành sản phẩm cuối cùng giảm, tăng sức cạnh tranh.

"Năm 2023, công ty sẽ đưa thêm trên 200ha vào nuôi mới, chuẩn bị mở rộng thêm nhà máy chế biến, tạo nền tảng vững chắc cho bước đi hai chân kiềng của mình", ông Lực cho biết.

Thủy sản "bay" trên đôi cánh nuôi trồng

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 9 tháng đầu năm nay xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 8,5 tỉ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm mang về gần 3,4 tỉ USD, tăng 23%, và cá tra mang về gần 2 tỉ USD, tăng 82% so với cùng kỳ năm 2021. Hai mặt hàng nuôi trồng chính này chiếm hơn 63% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Ông Như Văn Cẩn, vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), cho biết nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng thủy sản phục vụ chế biến xuất khẩu chiếm 70%, trong đó chủ yếu là tôm nước lợ và cá tra.

Từ năm 2018, Thủ tướng đã quyết định đưa tôm nước lợ và cá tra là hai đối tượng thủy sản nuôi chủ lực. Do đó, Nhà nước đã ưu tiên đầu tư nghiên cứu, phát triển sản xuất, chọn tạo giống, xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường cho sản phẩm.

Đến năm 2021, sản lượng tôm nước lợ của nước ta đạt 930.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,88 tỉ USD, chiếm 43,6% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thủy sản. Sản lượng cá tra nước ta đạt 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,62 tỉ USD chiếm 18,2% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

"Chỉ tính riêng kim ngạch xuất khẩu tôm (3,88 tỉ USD) và cá tra (1,62 tỉ USD) đã đạt 5,5 tỉ USD, chiếm gần 62% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thủy sản" - ông Cẩn nói.

Theo ông Cẩn, phát triển nuôi trồng thủy sản, giảm khai thác là xu thế tất yếu trong bối cảnh nhu cầu thực phẩm gia tăng và nguồn lợi thủy sản tự nhiên hữu hạn. Nước ta có tiềm năng tự nhiên như mặt nước sông ngòi, ao đầm, vùng ven biển... để phát triển nuôi trồng thủy sản.

Do đó, định hướng mục tiêu chính của ngành trong giai đoạn 2021 - 2030 là phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nuôi trồng thủy sản, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến năm 2030, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 7 triệu tấn/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 12 tỉ USD/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị nuôi trồng thủy sản đạt trung bình trên 4,5%/năm.

Trọng tâm ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 là phát triển các đối tượng nuôi chủ lực bao gồm nuôi tôm nước lợ, cá tra và phát triển nuôi biển.

Sóc Trăng có vùng lúa tôm lớn nhất cả nước

Theo ông Trần Văn Lâu - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, đến nay diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh tại Sóc Trăng chiếm đến 93,7%, trong đó có 30% nuôi tôm công nghệ cao.

Sóc Trăng có thể tự hào là vùng nguyên liệu tôm nuôi lớn và có nhiều nhà máy chế biến thủy sản của ĐBSCL. Các nhà máy được đầu tư chiều sâu với trang thiết bị hiện đại, trình độ chế biến thủy sản được đầu tư chiều sâu. Hiện hàng thủy sản của Sóc Trăng đã có mặt tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Sóc Trăng hiện có 22 nhà máy chế biến, xuất khẩu thủy sản.

Trong những năm tới, Sóc Trăng tiếp tục phát huy tiềm năng, điều kiện tự nhiên về nuôi tôm nước lợ và năng lực chế biến thủy sản phát triển ngành tôm theo hướng bền vững, sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.

KHẮC TÂM

Hướng tới khai thác bền vững

Ông Nguyễn Văn Trung, vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản), cho biết Thủ tướng đã ban hành Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030.

Theo đó, đến năm 2025 sẽ phải giảm khoảng 10% hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản trên toàn vùng biển so với năm 2020. Toàn bộ 28 tỉnh, thành phố ven biển cũng phải xác định hạn ngạch tàu cá khai thác vùng biển ven bờ, vùng lộng thuộc phạm vi mà địa phương quản lý.

"Trong giai đoạn tới cũng sẽ tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các tàu cá "3 không" - không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm. Xử lý nghiêm các vi phạm khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), đánh bắt sai vùng, sai nghề.

Đồng thời, rà soát và bổ sung các quy định về cấm khai thác, tạm ngừng khai thác có thời hạn, vùng cấm khai thác, cấm theo nghề tại một số vùng biển, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản" - ông Trung nói.

CHÍ TUỆ

Chất lượng con giống còn thấp

d2246bdb15c4d29a8bd5 1(Read-Only)

Nâng cao chất lượng con giống sẽ giúp con tôm Việt Nam tăng sức cạnh tranh khi xuất khẩu - Ảnh: K.TÂM

Theo tiến sĩ Hồ Quốc Lực - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh nuôi thủy sản, nông dân miền Tây có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Một điểm yếu của ngành tôm Việt là giá thành tôm nuôi còn cao so các cường quốc nuôi tôm còn lại mà nhất là Ecuador, Ấn Độ. Nguyên nhân là tỉ lệ thành công chưa cao.

Ông Lực dẫn chứng năm 2021 cung ứng nuôi 100 tỉ con tôm post thẻ chân trắng và sản lượng tôm này trong năm 2021 khoảng 660.000 tấn. Nếu lấy trung bình tôm thu thương phẩm là 60 con/kg, cho thấy tỉ lệ thu hồi chạm mức 40%, tức tỉ lệ thành công chỉ khoảng 40%. Theo thông tin từ Hội nghị tôm toàn cầu 2021 thì tỉ lệ này của Thái Lan là 55%, của Ấn Độ là 47 - 48%.

"Trong nuôi tôm, con giống và môi trường là hai yếu tố quyết định thành công vụ nuôi, trong đó cơ bản là nguồn nước. Nói chung lại, nút thắt ngành nuôi tôm ở miền Tây là chất lượng con giống và nguồn nước sạch", ông Lực cho biết.

Để gỡ nút thắt này, theo tiến sĩ Lực, cần kiểm soát tốt hơn các cơ sở sản xuất và cung ứng con giống. Thực tế số cơ sở này quá nhiều, trên 2.000, trong khi bộ máy quản lý mỏng, vì vậy con giống kém chất lượng sẽ có đất sống. "Có nên chăng sản xuất con giống là ngành hoạt động có điều kiện như quy mô vốn, quy mô cơ sở vật chất, quy mô sản xuất, quy định con giống bố mẹ có thể sinh sản...", ông Lực đề xuất.

KHẮC TÂM

Diễn đàn Diễn đàn 'Phát triển ngành công nghiệp thủy sản': Khai thác mãi, biển cạn cá

TTO - Nghề khai thác biển của Việt Nam ngày càng bấp bênh do nguồn lợi thủy sản giảm sút, giá dầu tăng quá cao. Hàng loạt tàu cá nằm bờ, số còn lại ra khơi đầy may rủi và cầm cự được nhờ tiền dầu Nhà nước hỗ trợ.

KHẮC TÂM - CHÍ TUỆ - ĐÔNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp