Phóng to |
Xuất khẩu thủy sản VN đang gặp khó do bị kiện chống bán phá giá tại Mỹ và sự kiểm soát chặt chẽ hơn về dư lượng kháng sinh tại Nhật và Hàn Quốc - Ảnh: H.T.Vân |
Đó là thông tin được Bộ Công thương đưa ra tại hội nghị giao ban xuất khẩu quý 1-2013 ở TP.HCM ngày 12-4. Trong quý 1, xuất khẩu của VN đạt xấp xỉ 29,7 tỉ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2012.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỉ trọng 68,7% xuất khẩu của VN cũng là nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong quý 1 khi đạt kim ngạch 20,4 tỉ USD, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2012. Theo ông Trần Tuấn Anh - thứ trưởng Bộ Công thương, sự gia tăng tỉ trọng cũng như tốc độ tăng trưởng của ngành này chủ yếu nhờ khối doanh nghiệp FDI.
Xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, thách thức đối với doanh nghiệp thời gian tới là các thị trường xuất khẩu trọng điểm của VN đều phải đối mặt với những vấn đề nội tại của họ. Cụ thể, khả năng phục hồi kinh tế Mỹ chưa sáng sủa, khu vực EU vẫn đang trong cuộc khủng hoảng nợ công, tốc độ tăng trưởng của nhiều quốc gia chậm lại. “Điều này sẽ gây ra khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của VN trong việc phát triển thị trường, tìm đầu ra cho xuất khẩu” - ông Trần Tuấn Anh thừa nhận. |
Cụ thể, các doanh nghiệp FDI chiếm 100% mặt hàng máy ảnh và máy quay phim, 98% điện thoại và linh kiện, 96,5% máy tính và linh kiện, 93% phương tiện vận tải và phụ tùng... Đặc biệt, với sự tham gia xuất khẩu của Samsung, lần đầu tiên mặt hàng điện thoại và linh kiện đã vươn lên trở thành mặt hàng xuất lớn nhất VN với tổng kim ngạch đạt 4,49 tỉ USD, tăng 90% so với cùng kỳ 2012.
Trong khi đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của VN như nông sản, khoáng sản, nhiên liệu... lại tăng trưởng chậm và tỉ trọng trong xuất khẩu chung giảm đi, trong đó tỉ trọng xuất khẩu ngành nông nghiệp chỉ còn 15,9% tổng xuất khẩu, giảm mạnh 3,2%.
Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản VN, cho biết xuất khẩu thủy sản quý 1 giảm 7% so với cùng kỳ 2012, đạt khoảng 1,2 tỉ USD. Nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của VN như cá tra, tôm đông lạnh thời gian qua gặp nhiều khó khăn tại các thị trường chính. Trong đó, cá tra bị áp thuế cao tại Mỹ, tôm bị kiểm soát chặt dư lượng chất kháng sinh tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, theo nhiều hiệp hội ngành hàng nông nghiệp, do giá xuất khẩu thời gian qua đã “chạm đáy” nên trong thời gian tới tình hình xuất khẩu sẽ khả quan hơn. Ông Dương Ngọc Minh, tổng giám đốc Công ty CP Hùng Vương, cho biết hiện xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đang tăng do người mua đã hết hàng dự trữ. “Dự kiến trong tháng 4 xuất khẩu cá tra sang Mỹ sẽ tăng 20% về lượng và 15% về giá so với tháng 3” - ông Minh nói.
Ông Trương Thanh Phong, chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN, cũng cho rằng những tháng đầu năm hầu hết các nhà nhập khẩu gạo chính của VN đều chưa có nhu cầu trong khi lượng gạo hàng hóa vụ đông xuân rất lớn, nên giá gạo xuất khẩu cũng như giá lúa trong nước xuống thấp. Mới đây, VN đã ký được hợp đồng tập trung bán cho Philippines 187.000 tấn gạo 25% tấm với giá khá cao. Dù chưa tác động đáng kể đến giá gạo xuất khẩu, nhưng từ tháng 6 trở đi nhiều thị trường lớn sẽ có nhu cầu trở lại, VN sẽ có nhiều cơ hội bán gạo với giá cao hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận