07/07/2009 06:32 GMT+7

Xuất khẩu lao động ở Malaysia: Khéo co thì ấm

HỒ VĂN
HỒ VĂN

TT - Thu nhập không cao so với vài thị trường khác nhưng đi xuất khẩu lao động tại Malaysia, nếu cần cù, tiết kiệm chi tiêu, người lao động (LĐ) vẫn có thu nhập khá ổn định.

InNjPt4M.jpgPhóng to

Lao động VN làm việc tại nhà máy sản xuất găng tay cao su -Ảnh: Hồ Văn

Chúng tôi vừa đến một số nhà máy ở Malaysia để tìm hiểu thực tế công việc và thu nhập của LĐ VN sinh sống và làm việc tại đây.

Lương không cao nhưng dành dụm được

Thăm Nhà máy Renesas (bang Penang), chuyên sản xuất chip điện tử tại Malaysia do người Nhật đầu tư, chúng tôi đi dọc các hành lang quan sát các dây chuyền sản xuất.

Ngoài công nhân sở tại, Nhà máy Renesas còn tiếp nhận LĐ từ các nước Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, trong đó VN có 180 LĐ (thời điểm cao nhất có tới 300 LĐ). LĐ VN có mặt tại nhà máy này đã sáu năm, nhiều người đang làm việc năm thứ tư và sẽ gia hạn thêm vì lương và các phúc lợi khá tốt. Nhà máy có ký túc xá cho LĐ ở với phòng ngủ riêng, phòng tiếp khách có tivi, tủ lạnh và bếp nấu ăn.

Ngày nghỉ, ngày lễ hay các ngày kỷ niệm của từng nước đều tổ chức vui chơi vì trong nhà máy có khu vui chơi giải trí cho công nhân. Lê Thị Thùy Linh (quê Đồng Tháp), phiên dịch viên ba năm tại nhà máy, cho biết: “Lương bình quân của LĐ VN tại đây từ 500-800 RM (1 RM khoảng 5.000 VND), nếu tăng ca đều thu nhập có thể lên đến 1.000-1.200 RM”.

Tại các nhà máy chúng tôi đến thăm, rất vui khi các nơi này đều đánh giá LĐ VN thông minh và học nghề rất nhanh so với LĐ các nước khác.

Tuy nhiên, ngoại ngữ (tiếng Anh) là khâu mà LĐ VN yếu nhất. Đặc biệt, các đơn vị cũng đều bày tỏ quan ngại về việc LĐ VN hay uống rượu và gây gổ làm mất an ninh tại các khu ký túc xá khiến hình ảnh LĐ VN trong mắt họ mất dần uy tín.

“Nếu một số LĐ VN không bỏ được các tật xấu này, chúng tôi sẽ buộc phải giảm dần LĐ VN và ưu tiên cho LĐ các nước như Bangladesh, Indonesia...” - một cán bộ nhà máy sản xuất găng tay cao su cảnh báo.

Tại Nhà máy cơ khí Eko và nhà máy sản xuất găng tay cao su có LĐ VN làm việc, nhiều LĐ cho biết việc làm tại đây ổn định và thường xuyên dù cả trong thời kỳ khủng hoảng. Tại Nhà máy cơ khí Eko, LĐ cho biết thêm: khi ký hợp đồng tại VN lương cơ bản là 18,5-19 RM/ngày. Nhưng khi qua đây nhà máy nâng lên 20 RM/ngày và tăng theo từng năm. Nhiều người ở đây có thâm niên ba năm đạt mức 23-25 RM/ngày, thu nhập trung bình 1.200-1.500 RM/tháng tùy tay nghề, thâm niên.

Thu nhập tương đối khá của LĐ khiến chúng tôi băn khoăn với câu hỏi: Tại sao vừa qua nhiều LĐ ở đây than lương thấp, thiếu việc triền miên? Đinh Công Thi (quê An Giang), làm tại nhà máy sản xuất găng tay cao su, lý giải: “Thu nhập ở Malaysia không tệ, nếu biết tiết kiệm mỗi tháng cũng có thể gửi về cho gia đình vài ba triệu đồng.

Như tôi với bốn năm làm việc thì hai năm đầu đã gửi về cho gia đình 60 triệu đồng, hai năm còn lại tôi tiết kiệm cũng ngần ấy để phòng khi về có vốn làm ăn”.

Khi làm thủ tục tại sân bay Kuala Lumpur (Malaysia), chúng tôi chứng kiến nhiều nhóm LĐ làm thủ tục về nước với áo quần hàng hiệu, giày xịn, điện thoại di động đủ mốt...

Trò chuyện, có bạn kể chuyện tiêu tiền không kém khách du lịch: làm được khoảng 1.200 RM/tháng nhưng tiêu pha hết 1.000 RM, số dư chẳng còn bao nhiêu. Hỏi một bạn quê Hà Giang tiêu như vậy thì tiền đâu phụ giúp gia đình, anh chàng vô tư: “Thì tụi tôi cũng đã giúp gia đình trả xong nợ, còn lại cũng phải tiêu pha chút ít để người ta không bảo mình... keo cú chứ!” (!).

Cần khai thác các nhóm ngành điện tử, cơ khí

Ông Vũ Đình Toàn, trưởng Ban quản lý LĐ VN tại Malaysia, nhận định: “Đúng là các nhóm ngành nghề điện tử, cơ khí, dịch vụ... có thu nhập khá cao và việc làm rất ổn định. Các lĩnh vực như may mặc, xây dựng... thu nhập thấp hơn và thường bị ảnh hưởng nếu có khó khăn về kinh tế.

Tuy vậy, LĐ làm trong các lĩnh vực này nếu cần cù chịu khó làm việc, tiết kiệm tiêu pha thì thu nhập cũng không tệ so với mức phí đã đóng khi ra đi. Về mặt quản lý, chúng tôi luôn khuyến khích các doanh nghiệp nên tìm những đơn hàng tốt thuộc các lĩnh vực điện tử, cơ khí, dịch vụ để đưa LĐ qua làm việc”.

Phó tổng giám đốc Công ty Châu Hưng, ông Tống Thanh Tùng, cho biết thêm: “Thời kỳ khó khăn vừa qua khiến một số LĐ ngán ngại thị trường LĐ tại Malaysia. Chúng tôi tìm cách khai thác những đơn hàng chất lượng; trong đó nhóm lĩnh vực cơ khí, điện tử là nhóm ngành có mức thu nhập cao và việc làm ổn định.

Chính phủ đang chú trọng thí điểm triển khai dự án xuất khẩu LĐ cho các huyện nghèo. Malaysia là thị trường phù hợp cả về kinh tế lẫn tay nghề cho LĐ nghèo”. Theo ông Tùng, Châu Hưng đang triển khai đưa thêm LĐ vào Nhà máy Renesas, Nhà máy cơ khí Eko và Nhà máy Ajiya Safety Glass... những nhà máy nằm trong nhóm có lương cơ bản cao và công việc ổn định.

Còn theo các công ty môi giới LĐ tại Malaysia, các nhà máy lớn như Sony, Canon... đang dự tính trong thời gian không xa sẽ tuyển hàng ngàn LĐ, một cơ hội lớn cho LĐ VN.

HỒ VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp