Xuất khẩu sản phẩm dệt may sang các nước CPTPP và EU tăng mạnh trong thời gian qua - Ảnh: N.Q.P.
Những con số tích cực trên được Bộ Công thương đưa ra trong báo cáo kết quả triển khai Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), vừa gửi tới Thủ tướng.
Bộ Công thương cho biết trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát năm 2020, xuất khẩu sang thị trường châu Âu và thị trường các nước tham gia CPTPP vẫn đạt kết quả tích cực.
Theo đó, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đạt 55,4 tỉ USD, giảm 1,8% so với năm 2019. Cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu sang EU đạt 40,1 tỉ USD, trong khi nhập khẩu từ EU khoảng 15,3 tỉ USD. Việt Nam xuất siêu sang EU khoảng 24,8 tỉ USD trong năm 2020.
Các nước EU có giá trị nhập khẩu hàng hóa Việt Nam lớn là Bỉ (2,3 tỉ USD), Đức (6,6 tỉ USD), Hà Lan (6,9 tỉ USD), Pháp (gần 3,3 tỉ USD), Ý (3,1 tỉ USD).
Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu sang châu Âu lớn là giày dép, nhựa và các sản phẩm từ nhựa, gạo, dệt may, rau quả.
Bộ Công thương đánh giá trong năm 2020, nhiều doanh nghiệp Việt Nam bước đầu tận dụng được các lợi thế từ EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang EU.
Cũng theo Bộ Công thương trong năm 2020, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước thành viên CPTPP đạt 79 tỉ USD, tăng 1,9% so với năm 2019.
Trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam sang các nước CPTPP đạt khoảng 38,7 tỉ USD, nhập khẩu từ các nước này đạt 40,3 tỉ USD. Việt Nam nhập siêu từ các nước CPTPP khoảng 1,6 tỉ USD.
Nếu tính riêng 5 nước đã thực thi hiệp định CPTPP là Mexico, Canada, Nhật Bản, Singapore, Úc thì giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 33,9 tỉ USD, Việt Nam xuất siêu khoảng 3,5 tỉ USD. Đặc biệt các thị trường Mexico, Canada, giá trị xuất khẩu của Việt Nam tăng lần lượt là 11,8% và 12,1%.
Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn sang các nước CPTPP là thủy sản, giày dép, dệt may, hạt tiêu, gỗ và các sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực từ xuất khẩu, việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới như EVFTA, CPTPP đã thu hút mạnh dòng vốn đầu tư FDI.
Năm 2020, vốn đầu tư FDI từ các nước thành viên CPTPP vào Việt Nam đạt 11,6 tỉ USD, tăng 23,4% so với năm 2019. Trong khi vốn đầu tư của các doanh nghiệp EU vào Việt Nam đạt 1,4 tỉ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước.
Dù hiệu quả tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại CPTPP và EVFTA của các doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện nhiều nhưng theo khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam thì mới chỉ có 29% doanh nghiệp có giao dịch xuất khẩu với các nước thành viên CPTPP có lô hàng được hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định.
Đối với hiệp định EVFTA, hiện mới có 38/63 tỉnh, thành phố có doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu với các nước EU.
Như vậy tiềm năng thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với các nước tham gia CPTPP và các nước EU còn rất lớn, các doanh nghiệp trong nước cần nỗ lực hơn nữa để khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại thế hệ mới này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận