Nguyên liệu chính để sản xuất các đơn hàng dệt may xuất khẩu phần lớn đều được các nhà đặt hàng chỉ định nơi nhập khẩu do nguồn cung trong nước chưa thể đáp ứng được - Ảnh:T.V.N
Phát biểu tại buổi họp báo triển lãm quốc tế về ngành công nghiệp dệt và may, thiết bị - nguyên phụ liệu 2019 do Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và CP Exhibition (Hong Kong) tổ chức chiều 3-4, bà Phạm Minh Hương, giám đốc điều hành Vinatex, cho biết xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ về Việt Nam đầu tư vào các khâu sợi, dệt nhằm tận dụng được các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam sắp đi vào thực thi ngày càng nhiều.
Với Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (FTA VN-EU), việc các sản phẩm may mặc từ Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất xứ nguồn nguyên liệu từ sợi, hay từ vải trở đi, nhằm hưởng được mức thuế quan tốt nhất, cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tận dụng.
Không chỉ tăng đầu tư sản xuất vào khâu phụ liệu dệt may, các doanh nghiệp FDI còn mở rộng sản xuất nguồn nguyên liệu thượng nguồn, như sợi, hoặc gia tăng năng lực sản xuất khâu may.
Tuy nhiên, việc tăng tốc đầu tư của các doanh nghiệp FDI vẫn chưa thể rút ngắn khoảng cách tình trạng nhà đặt hàng vẫn chỉ định nơi nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may cho các đơn hàng xuất khẩu, dẫn đến mức lợi nhuận thực hưởng của ngành vẫn ở mức khiêm tốn so với kim ngạch xuất khẩu thu về hàng năm.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), lại cho rằng khó khăn lớn nhất của ngành dệt may trong nước là vẫn chưa thể tháo được nút thắt cho khâu đầu tư dệt - nhuộm - hoàn tất.
Bế tắc trong việc không thể triển khai được các dự án nhuộm hoàn tất do phần lớn các địa phương từ chối do e ngại ảnh hưởng môi trường, nên ngành dệt may Việt Nam hiện vẫn phải nhập khẩu hầu hết nguồn nguyên liệu, từ bông, vải cho đến một số phụ liệu chuyên biệt phục vụ sản xuất trong ngành.
Theo bà Mai, năm 2018, ngành dệt may tăng trưởng khá đột biến, tăng đến 16,2% so với năm 2017, kim ngạch xuất khẩu vượt dự kiến hơn 2 tỉ USD, đạt mức 36,2 tỉ USD.
"Có thể ngành dệt may sẽ đạt được kim ngạch xuất khẩu 40 tỉ USD trong năm 2019, dù điều này sẽ rất khó khăn. Nhưng với một số yếu tố thuận lợi, trong đó nếu FTA VN-EU được thông qua thì khả năng tăng trưởng xuất khẩu là hoàn toàn có thể".
Năm 2018, kim ngạch nhập khẩu vải của ngành dệt may Việt Nam lên đến 12,77 tỉ USD, còn mặt hàng bông và xơ sợi dệt các loại xấp xỉ 5,5 tỉ USD và luôn duy trì tình huống năm sau luôn nhập nhiều hơn năm trước đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận