Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 10/2016 ước đạt 368 nghìn tấn với giá trị đạt 164 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay ước đạt 4,2 triệu tấn, thu về 1,9 tỷ USD.
Như vậy, xuất khẩu gạo đã có sự sụt giảm 21,2% về khối lượng và giảm 16,9% về giá trị xuất khẩu gạo so với cùng kỳ năm 2015, tuy nhiên tính bình quân giá gạo xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2016 đạt 449 USD/tấn thì giá trị vẫn tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong 9 tháng đầu năm, một số thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam đạt tăng trưởng khá.
Ghana, thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam (chiếm 11% thị phần) trong 9 tháng qua đã nhập 387.700 tấn gạo, đạt kim ngạch 189,6 triệu USD, tăng 41,8% về khối lượng và tăng 36,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Đáng chú ý là thị trường Indonesia, thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 4 của Việt Nam (8,2%), trong 9 tháng đầu năm nhập khẩu 359.4000 tấn và 142,5 triệu USD, tăng gấp 21,5 lần về khối lượng và gấp 22,5 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2015; thị trường Angola tăng gấp 4,4 lần về khối lượng và gấp 3,5 lần về giá trị.
Tuy nhiên, một số thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam đang có sự sụt giảm mạnh. Điển hình là Trung Quốc, thị trường lớn nhất nhập gạo Việt Nam (35,4% thị phần), trong 9 tháng đầu năm 2016 xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 1,35 triệu tấn và 613,8 triệu USD, giảm 23% về khối lượng và giảm 13,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Các thị trường có giá trị giảm mạnh là Philippines (47,8%), Malaysia (47,4%), Singapore (34,6%), Hoa Kỳ (32%), Bờ Biển Ngà (25,2%) và Hongkong (Trung Quốc) giảm 11,4%.
Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), các doanh nghiệp Philippines đã được cơ quan lương thực nước này cho phép nhập khẩu 293.100 tấn gạo từ Việt Nam để đảm bảo nhu cầu lương thực cho mùa giáp hạt năm 2017. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước thúc đẩy tình hình tiêu thụ lúa gạo đang khó khăn hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận