Nông dân Bến Tre đang thu hoạch lúa - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Đó là ý kiến của Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cùng các doanh nghiệp ngành lúa gạo tại buổi làm việc với Bộ Công thương vào chiều 26-3.
Trong khi đó, ghi nhận của Tuổi Trẻ tại ĐBSCL cũng cho thấy giá lúa đã chững lại sau khi có thông tin tạm ngừng xuất khẩu gạo. Nhiều địa phương đề nghị sớm xem xét cho xuất khẩu gạo trở lại để hạn chế gây thiệt hại cho nông dân trồng lúa.
Thấp thỏm với giá lúa
Anh Hồ Văn Tiến, thương lái mua lúa ở huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), cho biết giá lúa đã bắt đầu chững lại sau thông tin tạm dừng xuất khẩu gạo.
Theo đó, lúa IR50404 được thương lái mua vào với mức giá 5.900-6.000 đồng/kg, lúa chất lượng như Đài Thơm và Nàng Hoa dao động ở mức giá 6.000 - 6.200 đồng/kg.
"Hai ngày nay giá lúa không tăng nữa, doanh nghiệp không gọi báo giá lúa, chứ 10 bữa trước giá lên vùn vụt, bữa nào doanh nghiệp cũng gọi báo giá tăng thêm", anh Tiến chia sẻ.
Nông dân đang thu hoạch lúa ở xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp cũng cho biết giá lúa đang bình bình, không tăng cũng không giảm.
Trong khi đó, ông Phan Văn Bé (xã Đại Hải, huyện Kế Sách, Sóc Trăng) cho biết trong khoảng 10 ngày tới gia đình ông sẽ thu hoạch 7 công lúa nhưng đang rất hồi hộp vì chẳng biết giá lúa có duy trì ở mức cao như thời gian qua, hay lại quay đầu giảm sau thông tin tạm dừng xuất khẩu.
Theo ông Bé, các chi phí đầu vào của hạt lúa như phân bón, thuốc trừ sâu, tiền công làm đất, thuê máy thu hoạch... đều tăng không dưới 10% mỗi năm. Trong khi đó, giá lúa lại bấp bênh, có năm còn sụt giảm.
"Chỉ có vụ này giá lúa tăng mạnh, bà con rất phấn khởi nhưng sắp tới không biết thế nào. Tụi tui rất lo!", ông Bé nói.
Bà Nguyễn Thị Hằng (xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng) cũng cho biết đang rầu sau khi nghe thông tin tạm dừng xuất khẩu gạo bởi nguy cơ cao giá lúa sẽ giảm. Do đó, nếu tổ chức mua tạm trữ, Nhà nước nên đưa ra giá sàn, đảm bảo cho bà con có lời, bám trụ mà sống được.
"Việc trợ giá lúa vì mục đích mua tạm trữ do dịch bệnh COVID-19 cần được thực hiện sớm và tới tay nông dân. Chứ nếu chậm triển khai, khi nông dân bán hết lúa ngoài đồng, việc trợ giá lúa sẽ rơi vào tay doanh nghiệp chứ nông dân chẳng hưởng lợi gì", bà Hằng đề xuất.
Nông dân huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp chuyển lúa về nhà - Ảnh: NGỌC TÀI
Không lo thiếu gạo cho tiêu thụ nội địa?
Ông Lương Minh Quyết - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng - cho biết trong vụ đông xuân năm nay, toàn vùng ngọt của Sóc Trăng vừa trúng năng suất vừa bán được giá cao. So với nhiều năm, giá lúa các loại giống đều cao hơn cùng kỳ từ 500 - 1.500 đồng/kg.
Tuy nhiên, đến nay địa phương này còn khoảng 40.000ha lúa đông xuân sắp thu hoạch, ước sản lượng 250.000-300.000 tấn.
Theo ông Quyết, giá lúa và xuất khẩu như hình với bóng. Năm nào xuất khẩu gạo sáng sủa, giá lúa trong nước nhảy tăng theo, thu nhập của nông dân trồng lúa khá hơn.
Do đó, sau khi mua tạm trữ đảm bảo an ninh lương thực, cần tính đến việc mở cửa xuất khẩu phần lúa, gạo còn lại.
"Nông dân trồng lúa rất cơ cực, mọi sinh hoạt đều trông vào cánh đồng. Do vậy phải hài hòa, đảm bảo cho nông dân có lợi nhuận, bà con mới gắn bó với cây lúa bền vững", ông Quyết nói.
Theo số liệu thống kê từ UBND tỉnh Đồng Tháp, trong 3 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp trên địa bàn đã xuất khẩu hơn 50.000 tấn gạo, tồn kho trên 120.000 tấn, hợp đồng đã ký khoảng 40.000 tấn.
Vụ hè thu sẽ thu hoạch trong tháng 4-2020 vào khoảng 750.000 tấn gạo. Do đó, theo ông Phạm Thiện Nghĩa - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, việc ngưng xuất khẩu gạo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá lúa gạo, tức sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nông dân Đồng Tháp và ĐBSCL.
"Về góc độ vĩ mô, Chính phủ muốn đảm bảo an ninh lương thực là cần thiết. Tuy nhiên, các ngành cần đánh giá, cân đối chính xác hơn về sản lượng lúa gạo hiện có và sắp thu hoạch.
Có thể tính toán lại các hợp đồng mới, khống chế sản lượng xuất khẩu và kéo giãn thời gian xuất khẩu. Thời điểm này cũng là cơ hội để gạo Việt Nam phát huy giá trị, nếu chúng ta kéo giảm sản lượng xuất khẩu, nông dân sẽ được hưởng lợi", ông Thiện Nghĩa chia sẻ.
Kiến nghị Chính phủ cho xuất khẩu gạo trở lại
Nhiều nông dân Bến Tre đang thấp thỏm với giá lúa, sau khi nghe thông tin tạm ngừng xuất khẩu gạo - Ảnh:MẬU TRƯỜNG
Đó là ý kiến được Hiệp hội Lương thực VN (VFA), các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn và đại diện các tỉnh ĐBSCL nêu ra trong buổi làm việc với Bộ Công thương vào chiều 26-3, nhằm đánh giá tình hình sản xuất và xuất khẩu gạo của VN theo chỉ đạo của Chính phủ.
Ông Đỗ Hà Nam, phó chủ tịch VFA, cho biết tại buổi làm việc, các doanh nghiệp khẳng định lượng gạo tồn kho cũng như lúa trong dân là khá lớn, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu bình thường.
Do đó, doanh nghiệp và hiệp hội kiến nghị Bộ Công thương đề nghị Chính phủ sớm mở cửa trở lại cho xuất khẩu gạo.
"Tất nhiên trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, việc ký mới hợp đồng cũng cần có những kiểm soát chặt chẽ hơn để vừa đảm bảo xuất khẩu được gạo nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực trong nước", ông Nam nói.
Ông Nguyễn Thái Bình, tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp cao Trung An (Cần Thơ), cũng cho rằng lượng lúa gạo hiện nay là dồi dào và VN không hề thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước cũng như đảm bảo các hợp đồng đã ký với đối tác nước ngoài.
Vì vậy, các doanh nghiệp đã đề xuất sớm cho xuất khẩu trở lại để tiêu thụ lượng lúa hàng hóa vụ đông xuân cho nông dân và thực hiện những hợp đồng đã ký.
Tuy nhiên, kết quả như thế nào vẫn phải đợi Bộ Công thương báo cáo với Chính phủ vào ngày 28-3 tới.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Thanh Tùng, phó cục trưởng Cục Trồng trọt, cho hay cơ quan này vẫn giữ quan điểm của Bộ NN&PTNT trong các báo cáo gửi Thủ tướng về tình hình sản xuất và khả năng xuất khẩu gạo của VN năm 2020.
Theo đó, năm nay VN đủ khả năng xuất khẩu 6,5-6,7 triệu tấn gạo các loại. "Bộ căn cứ vào tình hình sản xuất thực tế, đánh giá tác động của hạn mặn đến sản xuất để ra con số nói trên. Vì vậy, đề xuất của các doanh nghiệp cho xuất khẩu trở lại là hợp lý", ông Tùng cho hay.
Theo các doanh nghiệp khác, nếu kéo dài thời hạn tạm ngưng xuất khẩu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của các doanh nghiệp VN.
Chưa kể với những mặt hàng như gạo nếp, gạo hữu cơ có lượng xuất khẩu ít với giá trị cao, không ảnh hưởng nhiều đến an ninh lương thực cũng bị đưa chung vào việc hạn chế làm mất cơ hội xuất khẩu của doanh nghiệp.
PGS.TS VŨ TRỌNG KHẢI (chuyên gia nông nghiệp):
An ninh lương thực không chỉ là lúa gạo
VN trải dài trên nhiều vĩ độ nên lúc nào cũng có lúa thu hoạch, cây lúa chỉ cần 100 ngày là được một vụ. Nếu quá lo lắng về an ninh lương thực chỉ cần dự trữ trong 100 ngày là đủ, còn lại để doanh nghiệp xuất khẩu khi được giá.
An ninh lương thực không phải là an ninh lúa gạo, đúng ra phải là an ninh thực phẩm (food) hay là an ninh dinh dưỡng. Đó là tập hợp các đầu vào làm thực phẩm cho con người, mà gạo là một phần trong đó.
Xã hội càng phát triển, người tiêu dùng gạo càng ít đi, người ta ăn rau, trái cây nhiều hơn, thịt cá nhiều hơn. Phải tính cả các mặt hàng này vào an ninh lương thực mới cho bức tranh đúng, giảm gánh nặng đè lên vai nông dân trồng lúa.
Đặt hết gánh nặng an ninh lương thực lên người trồng lúa là không hợp lý, thậm chí dẫn tới những chính sách phát triển nông nghiệp sai lệch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận