Dù các doanh nghiệp có nhiều nỗ lực duy trì đơn hàng nhưng dệt may và da giày đã xuất hiện nhiều chỉ dấu bất ổn từ quý 2-2019 - Ảnh: TRẦN VŨ NGHI
Số liệu ghi nhận mới nhất từ Hiệp hội Dệt may VN (Vitas) cho thấy kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 10-2019 chỉ đạt 2,6 tỉ USD, tiếp tục giảm 5,6% so với tháng trước, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay khoảng 27,2 tỉ USD.
Nếu so với mục tiêu xuất bán 40 tỉ USD sản phẩm dệt may các loại của năm 2019 được đặt ra, ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, xác nhận "không thể làm được".
Dù các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc... đều ghi nhận có sự tăng trưởng, lần lượt tăng 7,9%, 5%, 4,1% và 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên tỉ lệ tăng này không tương xứng với kỳ vọng được đặt ra cho từng thị trường khi quy đổi mục tiêu xuất khẩu cả năm 2019 là 40 tỉ USD.
Tương tự, ngành da giày cũng chỉ mới đạt 14,8 tỉ USD, phải cần đến 6,6 tỉ USD trong hai tháng cuối năm mới hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 21,5 tỉ USD. Trong khi đó, bình quân xuất khẩu hiện nay của ngành da giày không vượt quá 2,5 tỉ USD/tháng, nên khả năng ngành da giày làm được "kỳ tích" như năm ngoái là rất khó.
Theo các chuyên gia trong ngành, việc ngành dệt may và da giày khó đạt được tăng trưởng cao như kỳ vọng, ngoài lý do thương chiến Mỹ - Trung, còn có nguyên nhân khác là các doanh nghiệp chưa thể tận dụng được các lợi ích từ chính sách thuế mang lại sau khi các hiệp định thương mại được thông qua trong thời gian gần đây.
"Điểm nghẽn lớn nhất là không tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu, chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi để tận dụng được ưu đãi thuế, chẳng hạn với EVFTA, các doanh nghiệp phải sử dụng nguồn nguyên liệu từ các nước trong khối EU. Tỉ lệ sử dụng này hiện vẫn còn khá thấp", ông Hồng thông tin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận