Tờ 100 nhân dân tệ của Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Hãng tin Reuters ngày 14-1 cho rằng nguyên nhân chính khiến dòng vốn FDI của Trung Quốc giảm mạnh ở 2 thị trường trên là do căng thẳng thương mại và chính trị gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington.
Reuters dẫn một báo cáo nhiên cứu của công ty luật Baker & McKenzie phối hợp cùng công ty nghiên cứu Rhodium Group thông tin rằng, về tổng thể các thỏa thuận FDI mà Trung Quốc ký kết tại khu vực Bắc Mỹ và châu Âu giảm từ 111 tỉ USD trong năm 2017 xuống còn 30 tỉ USD trong năm 2018.
Ngay cả sau khi bỏ qua ảnh hưởng của việc mua lại công ty Syngenta của Mỹ với giá 43 tỉ USD của tập đoàn Hóa chất Quốc gia Trung Quốc ChemChina hồi năm 2017, sự sụt giảm cơ bản về khối lượng các thỏa thuận FDI của Trung Quốc với các công ty nước ngoài tại 2 khu vực trên là 40%.
Bên cạnh đó, việc các nước xem xét kỹ lưỡng hơn các thỏa thuận thương mại với Trung Quốc cũng dẫn đến việc hủy bỏ 14 thỏa thuận đầu tư của Bắc Kinh tại Bắc Mỹ với tổng giá trị là 4 tỉ USD, và 7 thỏa thuận trị giá 1,5 tỉ USD ở châu Âu.
"Một số thỏa thuận vẫn đang được thực hiện bất chấp các quy định sàng lọc đầu tư mới, căng thẳng thương mại và việc kiểm soát đầu tư của Trung Quốc" - ông Michael DeFranco, đại diện công ty Baker & McKenzie, nói.
Xuất khẩu giảm kỷ lục trong 2 năm qua
Cũng theo Reuters ngày 14-1, xuất khẩu Trung Quốc giảm kỷ lục trong vòng hai năm qua tính trong tháng 12-2018, mở ra một tương lai ảm đạm cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm 2019 và sự suy giảm nhu cầu toàn cầu.
Theo đó, xuất khẩu tháng 12-2018 của Trung Quốc bất ngờ giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước khi mà nhu cầu tiêu thụ hàng hóa ở hầu hết các thị trường lớn của nước này đều giảm.
Nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm mạnh 7,6% - mức giảm lớn nhất kể từ tháng 7-2016. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm 3,5% trong khi nhập khẩu từ Washington vào Bắc Kinh giảm 35,8% trong tháng 12 - 2018.
"Tăng trưởng xuất khẩu đã giảm hơn mức trông đợi khi tăng trưởng toàn cầu chững lại và tác động tiêu cực từ việc tăng thuế quan của Mỹ. Tăng trưởng nhập khẩu cũng giảm do nhu cầu quốc nội chững lại. Chúng tôi dự đoán rằng xuất nhập khẩu của Trung Quốc vẫn giảm trong các quý tới" - Capital Economics, công ty tư vấn nghiên cứu kinh tế có trụ sở tại London (Anh), nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận