Phóng to |
Hơn 60.000m3 cát vàng “ách” lại tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng sẽ được thông quan trong vài ngày tới - Ảnh: Đ.Nam |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Giám đốc một doanh nghiệp cho biết công ty ông đã được UBND tỉnh Quảng Nam cho phép khai thác cát xây dựng để xuất khẩu. Do quá trình vận chuyển tại Quảng Nam tốn kém chi phí hơn nên việc xuất khẩu phải thông qua cảng Đà Nẵng. Chuyến hàng đầu tiên xuất khẩu hàng chục ngàn khối cát diễn ra suôn sẻ. Nhưng gần đây Đà Nẵng ngừng giải quyết thủ tục xuất khẩu cát, đồng thời có văn bản xin Chính phủ cho phép địa phương này cấm xuất cát xây dựng có nguồn gốc khai thác trên địa bàn, kể cả nguồn cát đã chế biến thông qua mua bán tại Đà Nẵng.
Giá cát sẽ tăng
Theo vị giám đốc trên, việc này gây khó khăn cho công ty do thời gian lưu kho bãi kéo dài, có nguy cơ bị phạt vì không thực hiện hợp đồng. Do vậy công ty đã có công văn xin ý kiến các bộ liên quan và đến nay lô hàng mới được giải tỏa.
Đà Nẵng: chỉ xuất khẩu thêm 15.000m3 cát vàng Quyết định của UBND TP Đà Nẵng cấm xuất khẩu cát vàng có nguồn gốc khai thác trên địa bàn TP Đà Nẵng khiến hơn 60.000m3 cát vàng của bốn doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu sang Singapore, Đài Loan bị “ách” lại tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Các doanh nghiệp đã kiến nghị TP cho phép thông quan số cát vàng tập kết tại cảng trước khi quyết định cấm xuất khẩu của TP ban hành ngày 2-7. Ngày 8-8 vừa qua, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã ký văn bản đồng ý với kiến nghị trên, trong số đó có 15.000m3 cát vàng của doanh nghiệp Bắc Khải mua trên địa bàn TP. Công văn trên cũng ghi rõ: “Không xem xét giải quyết thủ tục xuất khẩu cát vàng đối với những trường hợp phát sinh sau ngày 2-7”. |
Không chỉ Đà Nẵng mà cả Bình Định vừa qua cũng yêu cầu tạm dừng việc vận chuyển cát ra khỏi địa bàn, chỉ cho khai thác cát xây dựng phục vụ các công trình tại tỉnh. Do nhu cầu san lấp, xây dựng các công trình ngày càng tăng nên mỗi địa phương đã “qui hoạch” lại việc khai thác cát, chủ yếu phục vụ địa phương mình. “Điều này hợp lý nhưng với tình hình như vậy giá cát xây dựng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới” - một giám đốc doanh nghiệp dự báo.
Chờ họp
Thị trường xuất khẩu mà nhiều doanh nghiệp đang nhắm đến là Singapore, do cát xây dựng tại đây rất khan hiếm. Một công ty xuất khẩu cát có trụ sở tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) nói rằng việc cho xuất khẩu cát hay không cần có chủ trương thống nhất từ cấp trung ương để các địa phương thực hiện, tránh tình trạng mỗi tỉnh thành có qui định riêng như hiện nay. Trường hợp không cho xuất khẩu cát khai thác từ trong nước thì doanh nghiệp có được mua cát từ các nước khác (và thông qua VN) để xuất khẩu không?
Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) cho biết theo luật định, việc xác định mỏ cát xin xuất khẩu có thuộc qui hoạch và cân đối cho nhu cầu chế biến trong nước hay không là thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng.
Tuy nhiên, trong văn bản trả lời hai đơn vị xin xuất khẩu cát là Công ty TNHH thương mại - dịch vụ - xuất nhập khẩu Rồng Vàng (xin xuất khẩu 80.000m3 cát xây dựng của tỉnh Ninh Thuận) và Công ty TNHH luyện cán thép Hiệp Phát (xin xuất khẩu 20.000m3 của tỉnh Quảng Nam), Bộ Xây dựng cho rằng trường hợp hai công ty đã có ý kiến chấp thuận của UBND tỉnh cho phép xuất khẩu cát đủ tiêu chuẩn và việc bán cát ra ngoài không làm ảnh hưởng đến việc cung cầu cát của tỉnh hiện nay thì được phép xuất khẩu.
Theo vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Nguyễn Quang Cung, đây là vấn đề có liên quan đến nhiều ngành nên sắp tới Bộ Xây dựng sẽ làm việc với các bộ để bàn cụ thể, có giải pháp hạn chế xuất khẩu ở những tỉnh thiếu cát. Ông nói về nguyên tắc, xuất khẩu cát xây dựng nhưng cũng phải đảm bảo nhu cầu trong nước. Không vì quan tâm đến xuất khẩu mà làm giá cát trong nước tăng thêm, ảnh hưởng đến tiến độ các công trình xây dựng.
Giá cát tăng, nhiều công trình chậm Theo lãnh đạo Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5, cát xây dựng đang khan hiếm và giá tăng khiến các đơn vị thi công trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương lỗ và chậm tiến độ. Lãnh đạo Công ty BOT cầu Rạch Miễu cho biết ở dự án xây dựng cầu Rạch Miễu, giá cát đã tăng từ 100.000 đồng lên 150.000 đồng/m3 khiến các đơn vị thi công hạng mục đúc bêtông cũng chậm lại. Hiện nay, cát trong nước hiếm nên phần lớn đơn vị thi công phải mua cát nhập từ Campuchia về. Ở nhiều tỉnh phía Nam, các đơn vị đang thi công nhiều công trình giao thông đều rất lo ngại giá cát tăng cao. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận