Bệnh nhân mắc viêm não do não mô cầu được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư - Ảnh: Thúy Anh |
Khi nhập viện, bệnh nhân có các vết ban hoại tử trên da, tri giác lơ mơ, có biểu hiện viêm não... Sau điều trị, bệnh nhân đã có dấu hiệu tỉnh táo, các vết ban hoại tử đang giảm dần và hiện bệnh nhân đang được điều trị tại khu cách ly Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư), do trước khi nhập viện bệnh nhân ăn tiết canh nên những vết ban hoại tử trên da khiến bác sĩ nghi ngờ bị nhiễm liên cầu lợn, nhưng qua kiểm tra bằng nhuộm soi vi khuẩn cho thấy bệnh nhân bị viêm não do não mô cầu. Đây là bệnh dịch nguy hiểm do dễ lây qua đường hô hấp và giọt bắn nước bọt.
Ngay sau khi xác nhận bệnh nhân trên mắc viêm não do não mô cầu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư đã báo động cho hệ y tế dự phòng Hà Nội khoanh vùng để dập dịch sớm, trong đó giám sát sức khỏe những người sống gần với bệnh nhân và cho uống kháng sinh để dự phòng bệnh cho người từng chăm sóc, tiếp xúc bệnh nhân.
Cũng theo bác sĩ Cấp, viêm não do não mô cầu là bệnh khá nặng, có tỉ lệ tử vong nếu không được điều trị đúng cách lên đến 30-60% Trong đó có hai biến chứng nặng nhất của bệnh là viêm não và sốc do nhiễm trùng huyết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hồng Hà, nguyên phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết có thể tiêm ngừa bệnh viêm não do não mô cầu, trong đó mỗi mũi tiêm có hiệu quả phòng bệnh trong vòng ba năm. Thời gian gần đây, viêm não mô cầu là căn bệnh rất hiếm gặp do sớm khoanh vùng và dập dịch sau những ca bệnh đầu tiên. Ông Hà cũng cho biết có đến 20-30% người lành có vi khuẩn viêm não mô cầu ở vùng hầu họng, nhưng bệnh chỉ bùng phát khi có yếu tố thuận lợi, ví dụ như thời điểm có dịch. Việc có một bệnh nhân như kể trên được coi là một ổ dịch nhỏ.
6 trẻ tử vong do biến chứng của bệnh sởi * Đà Nẵng: trẻ tiêm văcxin phòng bệnh sởi tăng cao Theo Bệnh viện Nhi T.Ư, tính đến ngày 12-2, riêng bệnh viện này đã có tổng số năm bé tử vong do biến chứng của sốt phát ban nghi bệnh sởi. Tính từ 30-1 đến nay đã có sáu ca tử vong do biến chứng của sốt phát ban nghi bệnh sởi. Theo ông Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), các ca mắc sởi mới tiếp tục xuất hiện rải rác ở các địa phương, tuy là bệnh lành tính nhưng sởi gây suy giảm miễn dịch rất nhanh nên bệnh nhân sởi dễ mắc thêm các bệnh như viêm phổi, tiêu chảy cấp và thậm chí tử vong do những biến chứng này. * Ngày 12-2, bác sĩ Tôn Thất Thạnh, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng, cho biết tuần qua số trẻ đến trung tâm tiêm văcxin ngừa bệnh sởi tăng cao. Trung bình mỗi ngày tại trung tâm có gần 50 trẻ đến tiêm văcxin “ba trong một” phòng các bệnh quai bị, sởi, rubella, tăng hơn 100% so với trước đó. Theo bác sĩ Thạnh, những năm qua tỉ lệ tiêm ngừa sởi miễn phí trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia ở Đà Nẵng luôn ở mức 98% trở lên, tuy nhiên sau thông tin dịch sởi bùng phát ở các địa phương thì nhiều phụ huynh chọn tiêm loại văcxin “ba trong một” vì tiện lợi. Bác sĩ Thạnh cho biết thêm hơn năm năm qua tại Đà Nẵng chưa ghi nhận ca mắc bệnh sởi, tuy nhiên ông khuyến cáo phụ huynh cho con em tiêm sởi đúng lịch và đúng liều (liều đầu tiên cho trẻ từ 9 đến 11 tháng tuổi và nhắc lại từ 18 tháng tuổi trở lên). LAN ANH - TRƯỜNG TRUNG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận