Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Ảnh: V.V.TUÂN
Đó là chia sẻ đầy trăn trở của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, giám đốc nhà xuất bản Hội nhà văn, với Tuổi Trẻ Online bên lề hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản 2017 diễn ra sáng 17-1 tại Hà Nội.
Điều rất mừng là ngày càng nhiều hơn các nhà văn Việt ở hải ngoại mong muốn xuất hiện trong nước, cho dù họ gặp phải rất nhiều rào cản. Rào cản đầu tiên đến từ chính cộng đồng họ đang sống gây áp lực. Người Việt trên thế giới vẫn bị chia rẽ bởi tư duy này. Rào cản nữa từ quan niệm trong nước cho rằng các tác giả đang sinh sống ở nước ngoài là những người từng một thời bỏ đi hay đã từng có những tiếng nói đứng về phía khác, có tư tưởng khác. Cả hai luồng quan điểm từ ngoài biên giới và trong lãnh thổ như vậy đều là rào cản rất lớn cho con đường hoà hợp dân tộc.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
* Thời gian gần đây, các tác phẩm văn học sáng tác về đề tài lịch sử xuất hiện ngày càng nhiều. Hiện vẫn còn những quan điểm khác nhau về thể loại văn học sử. Còn quan điểm của ông ra sao?
- Những năm gần đây, nhiều thể loại như điện ảnh, sân khấu, văn chương... dùng những sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử để sáng tạo. Có người dựng lại không khí một thời kỳ lịch sử, nhưng có người chỉ lấy bối cảnh lịch sử để gửi gắm một điều khác.
Hoặc có tác giả lấy bối cảnh một triều đại, dựng nhân vật để nói rằng dù đi qua mọi thăng biến của triều chính, nhưng con người Việt Nam vẫn giữ được cốt cách, hồn cốt và văn hoá.
Có tác giả chỉ mượn lịch sử để nói đến vấn đề khác hoặc chiếu rọi lại lịch sử bằng một góc nhìn khác. Có thể đó là giả thiết giá như hồi đó lịch sử không như thế, thì dân tộc sẽ thay đổi.
Những góc nhìn đó rất đang dạng chứ không phải tác giả nào cũng chỉ mô tả lại sự kiện lịch sử.
Đã đến lúc Hội nhà văn và Hội khoa học lịch sử Việt Nam cần có hội thảo nghiên cứu kỹ lưỡng về văn học sáng tạo từ những sự kiện lịch sử, giai đoạn lịch sử, nhân vật lịch sử...
Phải định nghĩa và hiểu được tính đa dạng của thể loại đó thì khi đọc một tác phẩm văn học viết về đề tài lịch sử độc giả mới tìm được thông điệp để không dẫn đến sự quy chụp rằng các tác giả đã phản bội lịch sử.
* Ngày càng có nhiều tác giả Việt Nam ở hải ngoại, trong đó có những tác giả thuộc thế hệ sống tại Sài Gòn trước 1975 gửi tác phẩm về xuất bản ở trong nước. Ông nhìn nhận như thế nào về câu chuyện này?
- Tôi quan niệm tất cả người Việt Nam dù đang sinh sống ở nước ngoài hoặc không còn mang quốc tịch Việt Nam nữa, có viết bằng tiếng Việt hay không viết bằng tiếng Việt, nhưng họ mang dòng máu Việt thì vẫn là người Việt Nam, thuộc về tinh thần Việt Nam.
Tất nhiên có những người không phải vì không yêu nước, không phải vì chống lại chế độ, nhưng họ sống trong môi trường văn hoá khác, cơ chế chính trị và điều kiện dân chủ khác, thì tư duy của họ sẽ rộng mở.
Điều quan trọng nhất là chúng tôi đang mở rộng và kêu gọi cũng như tìm kiếm các tác giả người Việt ở nước ngoài xuất bản tác phẩm của họ ở Việt Nam. Đây là hành động tốt nhất, cụ thể nhất, có hiệu quả nhất thúc đẩy tiến trình hoà hợp, hoà giải dân tộc qua con đường văn chương.
Hoà hợp không chỉ được nói trên các văn bản mà cần được hiện thực hoá bằng cách là tác phẩm của các tác giả hải ngoại phải được hiện diện ở Việt Nam. Bởi khi tác phẩm của họ được xuất bản cũng là con người họ hiện diện ở Việt Nam.
Một dân tộc biết hoà hợp tất cả công dân của mình từ nhiều nền văn hoá khác nhau trên thế giới sẽ tạo ra sức mạnh nội tại của đất nước.
Mới đây, tập truyện ngắn Người tị nạn của tác giả Viet Thanh Nguyen - nhà văn gốc Việt đầu tiên đoạt giải Pulitzer đã được xuất bản ở trong nước. Tôi nghĩ giới văn chương và bạn đọc Việt Nam hẳn đều rất tự hào về ông. Nhưng khi đưa sách của ông về xuất bản tại Việt Nam thì có những người còn chần chừ.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
Tập truyện ngắn Người tị nạn của nhà văn Viet Thanh Nguyen vừa được xuất bản trong nước
* Nhà xuất bản Hội nhà văn ứng xử ra sao với những bản thảo của các tác giả người Việt ở hải ngoại?
- Trước hết, chúng tôi phải dựa trên toàn bộ bản thảo mà các tác giả muốn in ở trong nước. Nhà xuất bản Hội nhà văn luôn mở rộng chào đón họ. Điều kiện tiếp theo là tác phẩm đó phải phù hợp với văn hoá và luật pháp của đất nước.
Để xuất bản được các tác phẩm hải ngoại thì cả hai bên (tác giả - nhà xuất bản) cần phải bỏ đi những phần riêng nhất định để phù hợp với luật pháp và văn hoá quốc gia.
Điều đáng mừng là tác giả và nhà xuất bản đang tiến lại gần nhau hơn. Những nhà văn hải ngoại có nguyện vọng in tác phẩm ở trong nước nhiều hơn và các nhà xuất bản trong nước cũng mong muốn in được nhiều tác phẩm của họ hơn.
* Câu chuyện cơ quan quản lý xuất bản ứng xử ra sao với sách văn học là điều đáng bàn, bởi đã có không ít tác phẩm đã xuất bản nhưng vẫn bị thu hồi?
- Việc quản lý của nhà nước là điều cần thiết. Ở đâu cũng có sự kiểm duyệt nếu tác phẩm có nguy cơ ảnh hưởng đến lợi ích của dân tộc và cộng đồng.
Nhưng với sách văn học thì những người quản lý cần mở rộng cánh cửa từ bên trong chính họ. Văn học là tác phẩm đa văn bản. Nếu mặc định chỉ nhìn theo góc của người quản lý thì sẽ cản trở những tác phẩm chất lượng đến với độc giả.
Văn học có tính dự báo và cảnh báo nhưng đôi khi không cẩn thận sẽ bị cho là bóp méo sự thật, đẩy sự thật lên quá.
Hiện thực có thể có những quan chức cấp cao bị bắt, phải ra toà. Nhưng nếu tiểu thuyết viết như vậy thì có được cơ quan quản lý chấp nhận hay không? Các nhà quản lý cần mở rộng hơn, có cái nhìn khác hơn và biết rằng văn học luôn đi trước thời đại một bước chân. Phải đón nhận nó như vậy thì chúng ta mới có những tác phẩm lớn. Còn nếu chỉ bắt các nhà văn trong cái khuôn nào đó thì sẽ xuất hiện những tác phẩm kém thuyết phục.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận