29/12/2016 21:04 GMT+7

Ảnh Xuân về trong cơn lũ Hội An bị phản ứng  mạnh

QUANG THI
QUANG THI

TTO - Trong lúc Hội An khốn khổ bởi lũ lụt, bức ảnh chụp chiếc thuyền chở hoa đi giữa phố cổ này bị dư luận lên án là sắp đặt phi thực tế, phản cảm…

Bức ảnh dự thi bị phản ứng khi chưa đổi tên trên trang web của cuộc thi

Phản ứng quanh bức ảnh Xuân về trong cơn lũ khiến các nhà quản lý nhiếp ảnh Việt Nam lên tiếng rằng đã đến lúc nhiếp ảnh sắp đặt cần được “chăm sóc riêng”.

Ở cuộc thi ảnh Mùa xuân Đinh Dậu năm 2017 chủ đề Xuân quê hương do Hội Nhiếp ảnh TP.HCM tổ chức đang diễn ra (chấm giải ngày 7-1-2017), bức ảnh Xuân về trong cơn lũ đã gây phản ứng bởi công chúng và giới nhiếp ảnh.

Trong lúc Hội An khốn khổ bởi lũ lụt, bức ảnh chụp chiếc thuyền chở hoa đi giữa phố cổ này bị dư luận lên án là sắp đặt phi thực tế, phản cảm…

Trước dư luận như vậy, giờ đây bức ảnh trên trang web cuộc thi đã được đổi tên là Hội An mùa lũ. Ông Hoàng Thạch Vân - trưởng ban tổ chức cuộc thi - cho biết: “Tác giả đã đề nghị ban tổ chức đổi tên. Điều này cũng thường xảy ra trong các cuộc thi nhiếp ảnh nghệ thuật mà thôi. Có những bức ảnh tốt về nội dung, nhưng tên gọi chưa ổn thì tác giả vẫn có thể tiếp thu ý kiến công luận để đổi tên…”.

Tại sao thi quốc tế đoạt giải, ở Việt Nam thì… buồn cười?

Tuy nhiên, ngay cả ban tổ chức và tác giả có sự đồng lòng về sự đổi tên này, thì sự việc chỉ đáng nực cười hơn chứ không thể thay đổi bản chất của nó.

Bởi vì, có ai lại gửi một bức ảnh lũ lụt để đi tham dự một cuộc thi ảnh chủ đề... mùa xuân?

Theo nhiếp ảnh gia Duy Anh (Tiền Giang), điều này vẫn không thay đổi được sự “phản cảm” của bức ảnh.

Anh nhận xét: “Những bức ảnh sắp đặt sai thực tế như vậy là không hợp lý, không phù hợp. Họ có thể gửi đi thi quốc tế, ban giám khảo thấy lạ và đẹp thì có thể cho giải. Nhưng ngay tại Việt Nam thì những bức ảnh như vậy là phản cảm. Tác giả không nhạy cảm được với sự khốn khổ của bà con bị ngập lụt ở Hội An”.

Bức ảnh trên trang web cuộc thi sau khi đã đổi tên

Như đúng thời điểm, giờ đây những người làm nhiếp ảnh ở Việt Nam phải đặt ra câu hỏi: Tại sao những bức ảnh phi thực tế, đèm đẹp… như vậy khi đi thi các cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế có thể được giải, nhưng ngay chính tại Việt Nam nó lại là… những câu chuyện hài hước?

Ông Vũ Quốc Khánh (Hà Nội) - chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam - cho biết: “Nhiều người cũng đặt ra cho tôi câu hỏi rằng: Tại sao họ đi thi những cuộc thi của FIAP (Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật thế giới) thì đoạt giải, trong khi ở Việt Nam thì bị lên án?

Thực ra nhiếp ảnh thế giới có hai dòng chính là nhiếp ảnh hiện thực và nhiếp ảnh đồ họa. Nhiếp ảnh hiện thực chú trọng khoảnh khắc thực của cuộc sống, nhiếp ảnh đồ họa thì có thể dùng kỹ thuật để thể hiện những ý tưởng. Những người theo nhiếp ảnh hiện thực thì không bao giờ “đụng” tới nhiếp ảnh đồ họa, ngược lại người theo nhiếp ảnh đồ họa sẽ không “đụng” đến nhiếp ảnh hiện thực.

Trong khi ở ta thì các nhiếp ảnh gia cứ lung tung lên, không phân biệt thể loại. Họ thấy những bức ảnh Việt Nam đèm đẹp cả về nội dung, ý tưởng thì trao giải vì nghĩ rằng ta cũng như họ. Trong khi họ không bao giờ kiểm tra file gốc để biết rằng các nhiếp ảnh gia ở ta cũng lung tung cả lên…”.

Còn đây là hình ảnh hiện thực một đám tang ở Hội An vất vả trong lũ lụt - Ảnh: PNVN

Từ góc độ các cuộc thi ảnh quốc tế của FIAP, nhiếp ảnh gia Hữu Thành (Phan Thiết) nêu quan điểm rằng các cuộc thi FIAP thường nghiêng về xu hướng sắp đặt.

Anh giải thích rằng sở dĩ một bức ảnh sắp đặt sai thực tế như bức ảnh Hội An mùa lũ này được chấm vào vòng triển lãm là vì các thành viên ban giám khảo cuộc thi phần nhiều tham gia các cuộc thi của FIAP. Nên khi chấm ảnh hiện thực, họ đã bị “lẫn lộn”.

Ảnh sắp đặt cần được “chăm sóc riêng”

Nói về nhiếp ảnh dàn dựng, Hữu Thành cho biết: “Nhiếp ảnh dàn dựng thiên về ý niệm. Nó không mang khoảnh khắc cuộc sống, và nó cũng không phải là dòng nhiếp ảnh có thể đại diện cho một quốc gia nào hết!”.

Quả thật, trong thời đại Internet thì sức quảng bá hình ảnh quốc gia qua nhiếp ảnh là rất lớn. Ngày càng nhiều đoàn nhiếp ảnh nước ngoài vào Việt Nam du lịch chụp ảnh đã nói lên điều đó.

Nhưng những bức ảnh sai lệch thực tế sẽ khiến người nước ngoài có những nhầm lẫn tai hại. Việc những bức ảnh của tác giả Malaysia Danny Yenb Sing Won chụp các cô gái mặc áo dài trắng trên đồi cát Mũi Né ở một cuộc thi ảnh quốc tế hồi tháng 11 vừa qua đã khiến dư luận nhiếp ảnh nhận ra sự “nguy hiểm” đó.

Bức ảnh của Danny Yen Sing Won (Malaysia) tham dự cuộc thi ảnh quốc tế ISF hồi tháng 11 từng bị nhiếp ảnh gia Việt Nam phản ứng là phi thực tế

Cho nên, để nhiếp ảnh Việt Nam không còn những bức ảnh sắp đặt ngây ngô, phi thực tế như vậy, ông Vũ Quốc Khánh cho biết: “Lâu nay ảnh sắp đặt đã quen tay, nếu bỏ ngay thì không được. Như vậy anh em sẽ nói là hội bóp nghẹt sức sáng tạo của anh em.

Tuy nhiên, từ năm 2017 chúng tôi thống nhất rằng ở các cuộc thi ảnh của hội cấp khu vực trở lên, nhiếp ảnh sắp đặt sẽ được sắp xếp thi riêng, chấm riêng. Chỉ cần một, hai cuộc thi mà những bức ảnh như vậy bị loại, với những nhận định chuyên môn rõ ràng của ban giám khảo, kiểm tra file gốc gắt gao… thì anh em sẽ tự khắc hiểu!”.

QUANG THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp