25/01/2022 08:45 GMT+7

Xuân vận COVID lần 3 ở Trung Quốc

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Năm nay "xuân vận" - cuộc di cư lớn nhất thế giới diễn ra ở Trung Quốc mỗi dịp Tết Nguyên đán - đã bắt đầu hôm 17-1 và kéo dài đến 25-2. Nước này vừa tạo cơ hội cho người dân về quê ăn Tết, vừa duy trì các biện pháp chống dịch nhất định.

Xuân vận COVID lần 3 ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Robot đo thân nhiệt của hành khách tại lối vào ga đường sắt TP Hợp Phì, tỉnh An Huy (Trung Quốc) hôm 18-1 - Ảnh: Tân Hoa xã

Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc cho biết dự kiến khoảng 1,18 tỉ lượt hành khách đi lại trong đợt xuân vận kéo dài 40 ngày năm nay, tăng 35,6% so với năm 2021. Ưu tiên chính của chính quyền hiện nay là hạn chế dịch COVID-19 lây lan khi Tết Nguyên đán và Olympic Bắc Kinh cận kề.

Nơi linh hoạt, nơi cứng nhắc

Ngày 24-1, chính quyền TP Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc, cho biết tất cả khu vực tại đây đã được hạ từ nguy cơ cao/trung bình xuống nguy cơ thấp, giao thông và sản xuất trở lại bình thường, người dân đi lại tự do... sau đợt dịch tồi tệ dài kéo dài hơn 1 tháng.

Cùng ngày, TP Thượng Hải ghi nhận 1 ca nhiễm mới trong cộng đồng, là nhân viên sân bay. Một cái Tết chung, nhưng với không khí riêng ở mỗi nơi đang hiện ra.

Cuối tuần trước, người phát ngôn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) Mễ Phong cho biết trong bối cảnh người dân nước này đã bắt đầu đổ về quê ăn Tết, chính quyền các địa phương cần thực hiện các biện pháp chống dịch theo "phân loại, phân khu" tùy vào tình hình cụ thể.

Ông Mễ nói rằng chính quyền các địa phương không nên "chống dịch đơn giản" bằng cách áp dụng một chính sách chung cho tất cả các nơi, cũng như không nên áp thêm các biện pháp hạn chế quá mức.

Người phát ngôn NHC cũng nhấn mạnh các địa phương cần thực hiện tốt các biện pháp "4 sớm" (tứ tảo) gồm "phát hiện sớm, báo cáo sớm, cách ly sớm và điều trị sớm" với các ca mắc COVID-19.

Tuy nhiên, theo báo South China Morning Post, trong bối cảnh Tết Nguyên đán đến gần, sự bất mãn của công chúng đang tăng lên vì vẫn còn các địa phương áp dụng chính sách chống dịch không linh hoạt. Chẳng hạn một số nơi vẫn yêu cầu người từ khu vực nguy cơ thấp cách ly 14 ngày.

Gây chú ý những ngày qua là ông Đổng Hồng, lãnh đạo huyện Đan Thành thuộc tỉnh Hà Nam. Ông bị lên án dữ dội sau khi dọa "bất kỳ ai từ các khu vực nguy cơ cao hoặc trung bình đi về quê đều sẽ bị cách ly và sau đó bị giam". Trang Nhân Dân Nhật báo đã chỉ trích chính sách của huyện này thiếu cơ sở, và nhấn mạnh cần tôn trọng mong muốn về thăm gia đình của người dân.

Trong khi đó, một số tỉnh thành như Bắc Kinh, Thượng Hải, Chiết Giang... đã ra thông báo khuyến khích người dân địa phương ở yên tại chỗ trong dịp Tết Nguyên đán. TP Đông Quản ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, cho biết sẽ phát lì xì với tổng giá trị 500 triệu nhân dân tệ (78,88 triệu USD) cho những người dân không phải dân địa phương chọn ở lại TP này ăn Tết.

An toàn là trên hết

Theo Hãng tin Tân Hoa xã, với các đợt dịch do biến thể Delta và Omicron hiện nay, Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức to lớn trong việc duy trì đợt xuân vận an toàn và có trật tự. Một số tỉnh thành của Trung Quốc như thủ đô Bắc Kinh và tỉnh Hà Nam đã ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron và Delta trong cộng đồng.

Tuy nhiên, theo Tân Hoa xã, năm nay là đợt xuân vận thứ 3 kể từ đầu đại dịch COVID-19 và nhà chức trách Trung Quốc đã có kinh nghiệm nhiều hơn trong việc áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt ở những khu vực có lượng người qua lại cao.

Các cơ quan liên quan của Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp và sử dụng công nghệ mới để cải thiện trải nghiệm của hành khách và phòng chống COVID-19 trong đợt xuân vận năm nay.

Các "dịch vụ không tiếp xúc" được đẩy mạnh để tạo ra môi trường đi lại an toàn cho hành khách, chẳng hạn số lượng thiết bị tự phục vụ tại các nhà ga sẽ được tăng lên.

Tại ga đường sắt Bắc Kinh Nam, tất cả các nút trong thang máy đã được phủ bằng lớp bảo vệ kháng khuẩn và kháng virus, và robot sẽ làm công tác khử trùng nhà ga theo những khoảng thời gian cố định.

Trong khi đó, ga xe lửa Bắc Kinh Tây đã lắp đặt 5 máy kiểm tra "Mã sức khỏe" cho những hành khách không có điện thoại thông minh. Những chiếc máy này có thể kiểm tra tình trạng sức khỏe của hành khách thông qua nhận dạng khuôn mặt và quét chứng minh thư để đảm bảo chuyến hành trình an toàn.

Còn nhà ga Vũ Hán đã bố trí 40 máy kiểm tra mã sức khỏe di động để kiểm tra thông tin hành khách, lịch sử đi lại trong vòng 14 ngày, tình trạng tiêm chủng, kết quả xét nghiệm PCR bằng cách quét chứng minh thư của hành khách.

Ngoài ra, các cơ quan đường sắt Trung Quốc đã lên kế hoạch khẩn cấp phòng trường hợp dịch bùng phát trong xuân vận. Một số ga đường sắt và sân bay đã thiết lập các điểm xét nghiệm COVID-19 24/24 để hỗ trợ tốt hơn chuyến đi của hành khách trong dịp này.

Chuỗi cung ứng căng thẳng

Theo kênh CNBC, ngay trước Tết Nguyên đán, các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc đang gây ra tình trạng tồn đọng hàng hóa tại một số cảng lớn của nước này. Giá cước vận chuyển hàng không đã tăng đột biến (một số trường hợp tăng khoảng 50%) và một số công ty vận tải phải tạm ngưng dịch vụ.

"Mặc dù các cảng của Trung Quốc vẫn mở, nhưng các biện pháp như bắt buộc xét nghiệm và cách ly tiếp tục làm chậm quá trình vận chuyển và gây ra sự trì hoãn" - ông Atul Vashistha, người sáng lập kiêm chủ tịch công ty tư vấn chuỗi cung ứng Supply Wisdom, đánh giá.

Bill Gates chúc Tết riêng với dân Trung Quốc, khen lấy khen để Bill Gates chúc Tết riêng với dân Trung Quốc, khen lấy khen để

TTO - Trong video đăng trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, tỉ phú Mỹ Bill Gates chúc người dân Trung Quốc Tết Nguyên đán vui vẻ. Ông khen ngợi đóng góp của Trung Quốc cho thế giới trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp