Những ngày cao điểm đợt hoạt động này trùng thời khắc cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của 55 năm trước. Các bạn trẻ đã tìm về gia đình các cô chú từng có mặt trong sự kiện này ngày đó, được nghe lại những câu chuyện lịch sử một thời.
Xuân tình nguyện - Bài học thực tế
Các bạn ngồi vây quanh ông Lê Minh Dũng - đại đội trưởng đội đặc công tham gia trận đánh tại Biên Hòa hồi Xuân Mậu Thân 1968 - nghe kể chuyện.
"Rạng sáng, tôi hỏi một đồng đội khác mọi người đâu hết rồi? Ảnh bảo chết hết rồi!", ông Dũng nhớ lại. Câu chuyện gần cả trăm đồng đội của ông tham gia trận đánh ấy chỉ còn hai người may mắn trở về làm các bạn không khỏi bùi ngùi.
Huỳnh Thị Bích Thảo (Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng) nhớ mãi hình ảnh ông Nguyễn Văn Tại rưng rưng khi kể về đồng đội đã hy sinh khi tham gia trận chiến Đồng Dù (huyện Củ Chi).
"Nỗi đau mất đồng đội, những người vào sinh ra tử với mình suốt những năm tháng chiến tranh có lẽ vẫn chưa thể nguôi ngoai và chắc sẽ còn được nhắc mãi", Thảo nói.
Và cô bạn nói về trách nhiệm của người trẻ, tự dặn chính mình phải sống và làm những điều xứng đáng với bao hy sinh của thế hệ cha anh, càng phải tiến lên.
Còn Dương Phan Đăng Trí - học cùng trường với Bích Thảo - nói dù từng đọc nhiều sách, xem phim và học lịch sử đã biết đến chiến tranh nhưng vẫn không thể nào cảm nhận rõ được như mỗi lần có dịp gặp gỡ các nhân chứng một thời hào hùng.
"Chiến tranh qua lời kể của những cựu chiến binh chính là bài học sinh động, thực tế nhất để tụi mình hiểu và trân trọng quá khứ, giá trị của hòa bình. Mỗi lần như thế mình đều ra về với cảm xúc vẹn nguyên", Trí nói.
Gieo mơ ước và yêu thương
Xuân tình nguyện không chỉ được nhắc đến với những việc có ích cho cộng đồng mà còn cho chính mỗi chiến sĩ tham gia.
Lê Minh Vũ (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) nói bản thân đã thay đổi nhiều, từ một người ít giao tiếp, ngại nói trước đám đông nhưng chỉ một năm tham gia chiến dịch đã tiến bộ hơn nhiều. Đến nay đã là mùa chiến dịch thứ ba và bạn hiện làm phó chủ tịch Hội sinh viên trường.
Với Đăng Trí, bạn từng là một "cánh én" của Xuân tình nguyện từ hồi lớp 10. Chính chuyến thăm nhà một cựu chiến binh ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) giúp Trí tìm được đam mê. Thời điểm đó, Trí rất muốn trở thành bí thư Đoàn trường nhưng lại hoài nghi năng lực của bản thân.
Cuộc trò chuyện hôm ấy giúp Trí nhận ra hãy cứ dấn thân, dám làm, dám học hỏi. "Mình như được truyền lửa vậy, đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ, tự tin hơn", Trí khoe.
Trong khi đó, Xuân tình nguyện cũng là điểm khởi đầu cho những hạt mầm yêu thương mà Bích Thảo cùng những người bạn gieo trồng. Lần đầu tham gia chiến dịch, Thảo tự tay trao quà cho người vô gia cư trên một vài con đường ở quận 5.
Về quê nghỉ Tết mà bạn không thôi nghĩ về những người đã gặp. Đem suy nghĩ chia sẻ cùng chị gái tìm cách giúp cho những người kém may mắn ngoài kia chứ không chỉ đợi tới chiến dịch này kia mới làm.
Ngay khi trở lại sau kỳ nghỉ Tết năm đó, suy nghĩ của Thảo được bạn bè cùng chỗ làm thêm và cả phòng trọ ủng hộ. Các bạn đã lập một quỹ nhỏ, mỗi tháng dành dụm chút tiền làm thêm cùng đóng góp tùy khả năng rồi mua quà tặng người vô gia cư.
"Bớt phung phí một chút tụi mình mua thêm được món này món kia gửi tặng người có hoàn cảnh khó khăn. Trừ lúc thi cử, tháng nào cả nhóm cũng chuẩn bị chừng 100 phần thức ăn, sữa hoặc bánh để đi phát", Thảo kể.
Biết ơn Xuân tình nguyện
Mỗi bạn nhắc theo cách của mình song khi được hỏi đều nói biết ơn Xuân tình nguyện vì đã học thêm nhiều điều mới, như cột mốc thay đổi ở mỗi người, trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
Anh Phan Tấn Anh - chỉ huy trưởng Xuân tình nguyện năm 2023 - nói năm nay Tết đến sớm nên các hoạt động cũng chạy nước rút, ai cũng phải chủ động đem niềm vui đến với bất cứ người thụ hưởng nào cũng trọn vẹn.
"Hành trình tuổi 15 của Xuân tình nguyện sẽ viết tiếp bằng những câu chuyện nghĩa tình của sinh viên TP.HCM. Để mỗi chiến dịch đi qua lại lan tỏa giá trị nhân văn, dệt nên mùa xuân đầy ý nghĩa và hạnh phúc cho cộng đồng", anh Tấn Anh chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận