Phóng to |
Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh |
Xuân Quỳnh tài hoa và xinh đẹp. Người con gái mồ côi mẹ, sống với bà nội quê ở xã La Khê, huyện Hoài Đức (Hà Tây) ấy mới 13 tuổi (năm 1955) đã được tuyển vào Đoàn Văn công trung ương và trở thành diễn viên múa chuyên nghiệp, từng đi biểu diễn ở nước ngoài và dự Đại hội Thanh niên sinh viên thế giới năm 1959 tại Vienne (Áo)... Nhưng Xuân Quỳnh không tự thỏa mãn với nghề múa, trong tâm thức chị luôn thôi thúc được viết, được trang trải những suy nghĩ dồn nén của mình ra trang giấy.
"Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ, hai gương mặt tiêu biểu nhất, một đối thoại tình yêu đẹp nhất của thế hệ chúng tôi. Những bài thơ ấy không chỉ là tiếng nói riêng của hai người mà đã trở thành tiếng nói chung của bao đôi lứa yêu nhau". "Thơ của Xuân Quỳnh tôi gom đủ cả nhưng chỉ mới phổ được 4 bài thành ca khúc: Ru (phổ năm 1963, trước lúc tôi vào chiến trường B), Thư tình cuối mùa thu (tháng 3/1980), Thuyền và biển và Sóng (3/1986). Trong đó phổ biến nhất là bài Thuyền và biển và Thư tình cuối mùa thu. Tôi đã phổ âm điệu Bắc Bộ vào hai bài hát này. Tôi thích bài Thư tình cuối mùa thu hơn bởi nó thể hiện được chất Xuân Quỳnh rất rõ, rất tiêu biểu cho tình yêu đằm thắm của người phụ nữ Á Đông" |
Tốt nghiệp Trường Bồi dưỡng viết văn khóa I (1962-1963), từ đó cho đến lúc qua đời Xuân Quỳnh gắn chặt với nghiệp cầm bút... Phàm người tài hoa thường đa cảm, truân chuyên: cuộc hôn nhân lần đầu tiên với một nghệ sĩ violon gãy đổ sau khi họ chuyển về khu nhà 96 Phố Huế (Hà Nội) - "cư xá" dành riêng cho văn nghệ sĩ. Chính ở đó Xuân Quỳnh đã gặp Lưu Quang Vũ - một cuộc gặp gỡ định mệnh!
Vũ nhỏ hơn Quỳnh 6 tuổi (1948), trước khi yêu Quỳnh đã lập gia đình với diễn viên điện ảnh T.U. Cuộc tình này đã cho Lưu Quang Vũ "biết thế nào là... đau khổ" và cả sự đắng cay, chua chát dù lúc này anh đã có chút tiếng tăm trong làng thơ.
Chính lúc ấy hai hồn thơ "láng giềng" cô đơn và đau khổ đã tìm đến nhau, vực nhau dậy và dìu nhau đi. Nói đúng hơn thì chính định mệnh đã đưa Xuân Quỳnh đến với Lưu Quang Vũ để thắp lên trong anh ngọn lửa ấm tin yêu, giúp anh vượt qua giai đoạn suy sụp tinh thần để từ đó tài năng của anh như được chắp thêm đôi cánh trong lĩnh vực nghệ thuật. Chính tình yêu của Xuân Quỳnh góp phần quan trọng nhất giúp Lưu Quang Vũ sau này trở thành một kịch tác gia sung sức và uy tín nhất trong thập niên 80.
Kể từ lúc chung sống với nhau cho đến ngày cùng chết bên nhau (tử nạn trong tai nạn giao thông cùng con trai út Lưu Quỳnh Thơ ngày 29-8-1988 tại cầu Phú Lương, thị xã Hải Dương) cả hai đều sáng tác rất sung sức, đặc biệt là Xuân Quỳnh với những bài thơ tình nổi tiếng: Sân ga chiều em đi, Tự hát, Thuyền và biển, Thư tình cuối mùa thu...
Nghe Thuyền và biển, Thư tình cuối mùa thu của Xuân Quỳnh qua giai điệu trữ tình, đằm thắm của Phan Huỳnh Điểu, lại thấy tình yêu thật đẹp, tình yêu có đủ sức mạnh vượt qua mùa bão gió, qua ngàn cơn thác lũ...Lời tự tình Chỉ còn anh và em cùng tình yêu ở lại - được nhắc đi nhắc lại nghe da diết một chút gì buồn thương, hoài cảm, ...khi đôi bạn Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh đã không còn ở lại...với chúng ta.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận