25/09/2019 10:38 GMT+7

'Xưa phát túi nilon dọn gọn rác, nay lại phải truyền thông hạn chế dùng'

KIM ANH
KIM ANH

TTO - 30 năm, Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP.HCM đã ra đời với nhiều hoạt động, mô hình gắn liền với nhịp thở của thành phố.

Xưa phát túi nilon dọn gọn rác, nay lại phải truyền thông hạn chế dùng - Ảnh 1.

Mô hình “Tiếp sức người bệnh” nhằm hỗ trợ bệnh nhân tại một số bệnh viện lớn, đông bệnh nhân - Ảnh: K.ANH

Trung tâm triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ những cơ sở xã hội bằng nhiều hình thức, đồng hành cùng các bạn trẻ khó khăn, giúp các bạn học nghề, giới thiệu việc làm ổn định cuộc sống; là nơi kết nối các đội nhóm thiện nguyện để các hoạt động chuyên nghiệp hơn.

Anh DƯƠNG NGỌC TUẤN (giám đốc Trung tâm CTXH thanh niên TP.HCM)

Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP là đơn vị đã ba lần được Thành đoàn TP.HCM trao giải thưởng Hồ Hảo Hớn cho các mô hình, giải pháp hay, thu hút đông đảo thanh niên tham gia và có sức lan tỏa rộng rãi.

Kết tập bạn trẻ từ hoạt động xã hội

Năm 1989, Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP ra đời có lẽ là mô hình đầu tiên trong cả nước. Anh Vũ Văn Hòa khi đó được Thành đoàn TP.HCM phân công làm giám đốc.

"Những ngày đầu, việc ra đời trung tâm với mong muốn kết tập các bạn trẻ yêu thích hoạt động xã hội cùng góp sức hỗ trợ những vùng quê còn khó khăn. Đây cũng là cách mà chúng tôi từng thực hiện khi còn tham gia các phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên trước giải phóng" - anh Hòa cho biết.

Những năm 1990, trung tâm là nơi kết nối nhiều nguồn lực xã hội để kịp thời giúp đỡ bà con vùng thiên tai bão lũ.

"Lúc bấy giờ các bạn trẻ tình nguyện cứu trợ bão lũ rất nhiệt tình. Bà con cũng mang nhiều quần áo, lương thực, thực phẩm đến trung tâm nhờ gửi tận tay bà con bị thiệt hại do thiên tai, và chúng tôi đã đến bản làng heo hút giúp đỡ bà con" - chị Nguyễn Thị Ngọc Hồng (Lục Di), giám đốc trung tâm từ năm 1990-2000, cho hay.

Rồi trung tâm hình thành những đội nhóm truyền thông phòng chống ma túy, HIV/AIDS khi mà tệ nạn này xảy ra trầm trọng khoảng những năm 1990. "Chúng tôi đi truyền thông phòng chống ma túy, AIDS nhưng cũng phải nói để bà con không kỳ thị những bệnh nhân này" - chị Lục Di nói.

Có sức sống bền nhất là mô hình Chủ nhật xanh. Ra đời từ năm 1993 mãi đến tận bây giờ, Chủ nhật xanh vẫn được nhiều bạn trẻ tham gia và đi vào từng cơ sở Đoàn.

"Lúc đầu mình mang túi nilông phát cho bà con nói bỏ rác vào đây, đừng xả rác bừa bãi. Nhưng bây giờ mình lại phải truyền thông bà con hạn chế sử dụng túi nilông vì gây ảnh hưởng đến môi trường.

Mới đầu, anh em trong trung tâm cũng đặt mục tiêu Chủ nhật xanh lần 1, rồi lần 2, nghĩ là đến số 100 lần thôi (vì mỗi quý tổ chức một lần), nhưng bây giờ đã là lần thứ 133 rồi mà vẫn thấy vấn đề môi trường còn nhức nhối lắm" - chị Bùi Thị Kim Chi, cán bộ Trung tâm, cho hay.

Cũng khởi động từ hoạt động do trung tâm gợi mở mà chương trình Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ đã lan tỏa thành phong trào của cả nước dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ 27-7.

Khởi động từ tháng 7-2007, chương trình do trung tâm vận động đoàn viên thanh niên TP tham gia ủng hộ nến để thực hiện Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ, chỉnh trang phần mộ liệt sĩ (quét vôi, tổng vệ sinh, phát quang, làm mới các phần mộ) tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn TP.

Chương trình được tổ chức định kỳ vào các dịp lễ như 30-4, 27-7, Tết Nguyên đán... đã huy động hàng triệu lượt bạn trẻ và người dân tham gia. Năm 2008, Thành đoàn còn phối hợp với tám tỉnh thành tổ chức lễ thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

Từ năm 2009 đến nay, Trung ương Đoàn đã phát động toàn hệ thống Đoàn cùng thực hiện chương trình đồng loạt vào đêm 26-7, nhân kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ.

"Chục năm qua, khắp cả nước đã thực hiện việc thắp nến tri ân anh hùng liệt sĩ như một cách bày tỏ lòng biết ơn về sự hi sinh của bao thế hệ cha anh đã ngã xuống cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Hoạt động đã trở thành nội dung góp phần giáo dục niềm tự hào dân tộc và lòng biết ơn, uống nước nhớ nguồn trong mỗi bạn trẻ" - anh Trần Bá Cường (giám đốc trung tâm từ năm 2004-2016) cho biết.

Thắp lửa yêu thương

Chương trình Thanh niên tình nguyện hỗ trợ bệnh nhân tại bệnh viện (thường gọi Tiếp sức người bệnh) ngay khi ra đời năm 2013 mới chỉ là những hoạt động tình nguyện giúp đỡ bệnh nhân khám và điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

"Thực tế khi mình vào Bệnh viện Chợ Rẫy, có quá nhiều khu và bệnh nhân cũng như người nhà của họ, đôi lúc lúng túng khi tìm kiếm khoa, phòng cần đến. Mình đưa câu chuyện này ra, mọi người trong trung tâm cùng bàn và chương trình Tiếp sức người bệnh ra đời là vậy" - chị Kim Chi chia sẻ.

Dần dần chương trình lan tỏa ra nhiều bệnh viện hơn và trở thành chất men nhóm lên những ngọn lửa yêu thương, không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ hướng dẫn bệnh nhân mà các bạn còn vận động nhiều nguồn lực chia sẻ khó khăn với bệnh nhân có hoàn cảnh ngặt nghèo. Đấy còn là việc gầy dựng những phòng công tác xã hội ngay tại các bệnh viện.

Anh Trần Bá Cường cho hay: "Từ chương trình ban đầu, chúng tôi đã thực hiện đề án Thanh niên tình nguyện tham gia giúp đỡ bệnh nhân và phòng công tác xã hội tại Bệnh viện Q.2 đã được thành lập, từ đó nhiều bệnh viện cũng hoạt động xã hội mạnh hơn.

Các sinh viên chuyên ngành công tác xã hội, tâm lý, y dược... cũng có thêm môi trường để góp sức trẻ tình nguyện và rèn thêm những kiến thức từ thực tế".

Anh Huỳnh Hữu Hải Bình là người tham gia các hoạt động của trung tâm ngay từ lúc mới 16 tuổi. "Từ những ngày tham gia hoạt động xã hội, mình đam mê và theo học ngành xã hội học khi vào đại học. Mình mong muốn góp một phần nhỏ vào sự phát triển chung của xã hội, để cho hoạt động công tác xã hội thật sự chuyên nghiệp hơn, góp phần phát triển xã hội tốt đẹp hơn" - anh Bình chia sẻ.

Hiện nay, anh đã lập doanh nghiệp xã hội với nhiều hoạt động triển khai trong cộng đồng nhằm vận động mọi người cùng tham gia phân loại rác thải, bảo vệ môi trường.

"Chúng tôi xây dựng những mô hình để mọi người chung tay tham gia giảm thiểu sự ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, mọi gia đình đều phân loại rác đúng cách và quy trình xử lý rác thải đúng nữa thì sẽ tốt hơn cho môi trường sống của chính chúng ta" - anh Bình cho hay.

Ba lần nhận giải thưởng Hồ Hảo Hớn

Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP.HCM được Thành đoàn TP.HCM trao tặng giải thưởng Hồ Hảo Hớn ba lần với những mô hình hay, có sức lan tỏa trong cộng đồng.

ql-cn xanh2 2(read-only)

Mô hình “Chủ nhật xanh” có sức sống bền bỉ, ra đời từ năm 1993 đến nay - Ảnh: Q.LINH

Đó là mô hình "Chủ nhật xanh" được trao giải thưởng Hồ Hảo Hớn năm 2004, mô hình "Thắp nến tri ân" nhận giải thưởng Hồ Hảo Hớn năm 2011 và chương trình "Thanh niên tình nguyện hỗ trợ bệnh nhân tại bệnh viện" (Tiếp sức người bệnh) được trao giải thưởng Hồ Hảo Hớn năm 2016.

Những người thầy Những người thầy 'gùi chữ' vượt sông

TTO - Dòng sông Rinh đoạn qua xã Sơn Bao (huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) chẳng mấy khi hiền hòa, nhưng bên kia sông vẫn có lũ học trò nhỏ cần con chữ vào đời. Và thế là những người thầy gánh vác trọng trách 'gùi chữ' vượt sông.

KIM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp