24/05/2005 16:15 GMT+7

Xử trí chảy máu khi chuyển dạ và khi sinh

BS TRẦN NGỌC ANH, Sức khỏe và Đời sống
BS TRẦN NGỌC ANH, Sức khỏe và Đời sống

Chảy máu khi chuyển dạ và khi sinh là một biến chứng thường gặp, rất nguy hiểm, có thể dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng nếu không kịp thời xử lý và hồi sức tốt, sản phụ có thể chết rất nhanh.

vqjfinAG.jpgPhóng to
Chảy máu khi chuyển dạ và khi sinh là một biến chứng thường gặp, rất nguy hiểm, có thể dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng nếu không kịp thời xử lý và hồi sức tốt, sản phụ có thể chết rất nhanh.

Nguyên nhân

Do rau bám thấp (rau tiền đạo): Bình thường rau bám ở thân và đáy tử cung, nhưng cũng có trường hợp rau bám thấp xuống đoạn dưới tử cung, có khi che lấp cả lỗ tử cung (gọi là rau tiền đạo), gây ra chảy máu từng đợt vào các tháng cuối của thời kỳ thai nghén, đến khi chuyển dạ, đoạn dưới tử cung căng giãn ra (do cơn co tử cung đẩy thai xuống phía dưới) làm cho diện rau bám bị trượt và bong ra, gây chảy máu trầm trọng, sản phụ bị tử vong nhanh chóng.

Do tử cung: Thông thường sau khi sinh, cơ tử cung co lại, ép các mạch máu nằm trong cơ, có tác dụng cầm máu, gọi là hiện tượng “cầm máu sinh lý”. Nếu sau sinh, cơn co tử cung mất hoặc kém sẽ làm mất tác dụng cầm máu sinh lý và gây ra chảy máu.

Tử cung không co được (đờ tử cung) là do cơ tử cung bị căng giãn quá mức trong thời kỳ có thai hoặc trong khi chuyển dạ, thường xảy ra trong các trường hợp sau:

- Chuyển dạ quá lâu (trên 12 giờ đối với con rạ, hoặc trên 16 giờ đối với con so).

- Tử cung căng giãn quá mức trong thai sinh đôi, sinh ba, đa ối, thai quá to.

- Tử cung bị nhẽo do đẻ nhiều lần.

Do rau bong sớm hoặc bong dở dang: Sau khi sinh tử cung co lại làm rau bong và đẩy ra ngoài; nếu rau bong sớm khi thai chưa ra hoặc bong dở dang sau sinh làm cho các mạch máu ở diện rau bong không được ép lại sẽ gây ra chảy máu.

Do vỡ tử cung: Tai biến vỡ tử cung làm đứt các mạch máu ở chỗ bị vỡ gây chảy máu ra ngoài âm hộ hay vào trong ổ bụng.

Do rách cổ tử cung, rách âm đạo, âm hộ: Khi sinh, cơn co tử cung đẩy thai xuống làm cho cổ tử cung mở ra, âm đạo, âm hộ và các cơ ở vùng âm đạo cũng giãn dần để chuẩn bị cho thai lọt qua. Nếu thời gian chuyển dạ quá nhanh, người mẹ rặn mạnh và quá sớm khi cổ tử cung chưa mở hết hoặc các cơ vùng âm đạo, âm hộ chưa giãn đủ mức, sẽ gây rách các bộ phận này. Tổn thương rách có thể nông, sâu, làm cho máu chảy nhiều hoặc rỉ ít một và kéo dài hàng giờ, nếu không phát hiện được, sản phụ sẽ bị tử vong.

Do một số bệnh lý về máu như bệnh “chảy máu kéo dài”, bệnh “chảy máu lâu đông”, hoặc rối loạn đông máu: hay gặp ở các sản phụ bị nhiễm độc thai nghén và sản giật. Nếu không phát hiện trước để điều trị sẽ gây ra chảy máu trầm trọng.

Triệu chứng

Các triệu chứng chảy máu phụ thuộc vào mức độ chảy máu nhiều hay ít. Nếu chảy máu ít sản phụ hơi xanh, mạch nhanh hơn bình thường (90-95 lần trong một phút), sản phụ hơi mệt nhưng vẫn đi lại được.

Nếu chảy máu nhiều, sản phụ sẽ có dấu hiệu sốc như: mạch nhanh nhỏ (100-140 lần/phút), huyết áp tụt, da nhợt nhạt, toàn thân mỏi mệt, vẻ mặt hốt hoảng. Nếu không cứu chữa kịp thời sản phụ bị tử vong nhanh chóng.

Làm thế nào để phát hiện được sản phụ bị chảy máu bất thường?

Trước khi chuyển dạ, nếu bị chảy máu thì sản phụ tự mình có thể phát hiện được và tới bệnh viện để khám, nhưng khi sinh hoặc sau khi sinh do sản phụ quá mệt mỏi, ngủ thiếp đi (giấc ngủ sinh lý sau đẻ), nên không thể tự phát hiện được, do vậy cần phải theo dõi hết sức cẩn thận trong thời gian từ 3 đến 6 giờ sau sinh mới phát hiện và xử trí được kịp thời.

Khi theo dõi cần lưu ý những điểm sau đây:

- Cứ 10 đến 15 phút (sau, trong lúc sinh) quan sát thể trạng sản phụ, kiểm tra mạch và huyết áp một lần.

- Quan sát vùng âm hộ (khi sinh hoặc sau khi làm các thủ thuật) để phát hiện chảy máu, quan sát khố sản phụ (sau khi sinh) để phát hiện máu thấm ướt khố.

Việc phát hiện chảy máu thường dễ dàng nếu sản phụ được theo dõi sát và liên tục trong khi sinh và sau sinh từ 3 đến 5 giờ.

Phòng bệnh

Vì tai biến chảy máu thường xảy ra nhanh chóng ngay sau sinh do những nguyên nhân đã nêu trên, nên để đề phòng tai biến này, sản phụ cần thực hiện các việc sau đây:

- Khám thai thường xuyên theo lời hẹn của thầy thuốc để phát hiện các bệnh về máu, các trường hợp thai bất thường khác.

- Đến điều trị trước sinh tại các cơ sở y tế đối với các trường hợp có bệnh về máu, bệnh có liên quan đến rối loạn đông máu, có sẹo mổ cũ, thai to, thai sinh đôi, sinh ba, thai đa ối, rau tiền đạo.

- Lúc chuyển dạ sinh sản phụ cần phải yên tâm, tin tưởng, lắng nghe theo lời chỉ dẫn của thầy thuốc.

- Có khố sạch đầy đủ để sử dụng nhằm tránh nhiễm khuẩn và theo dõi máu chảy sau khi sinh.

- Tại các cơ sở y tế cần có sự phân công chăm sóc chu đáo, theo dõi sát sản phụ sau sinh từ 3 đến 6 giờ. Có đủ các phương tiện cấp cứu khi sản phụ bị chảy máu như: máu dự trữ, dung dịch mặn, ngọt đẳng trương và các thuốc cấp cứu cần thiết khác.

BS TRẦN NGỌC ANH, Sức khỏe và Đời sống
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp