Có vậy mới mong giảm những chiếc xe quá khổ lù lù trên đường, có thể gây họa bất cứ lúc nào.
Chị đồng nghiệp tôi đi xe máy, từng bị xe máy khác chở thùng hàng chiều ngang 1,4m lôi đi một đoạn khoảng 5m. Xe ngã, chị đập người xuống đường. Cú ngã khiến chị bị gãy xương ở vai và chấn thương ở chân. Rất lâu sau, chị vẫn bị ám ảnh khi nhớ lúc mình bị hất ra khỏi xe trước khi nằm "đo đường". May không có ô tô phía sau chạy tới. Gần một năm sau vẫn chưa dám tự lái xe máy ra đường.
Đã có bao nhiêu vụ người đi đường bị thương khi bị va quẹt vào xe những tấm tôn, sắt quá dài. Ai cũng bực mình khi gặp những chiếc xe chở quá khổ chắn trước tầm mắt. Chuyện này tồn tại hàng chục năm. Người vi phạm hầu hết là những người chở thuê.
Bây giờ không khó gặp trên đường những người giao hàng (shipper) chở hàng cồng kềnh quá khổ, quá nguy hiểm. Có khi nhiều món hàng quá khổ xếp chồng, cột chùm vào nhau phía sau. Xe máy giao hàng thường là xe cũ, nhiều chiếc rất cũ.
Tôi nhớ về những bức ảnh từng lan truyền trên mạng chụp cảnh những anh mặc đồng phục xe công nghệ trên đường giao 3-4 thùng đựng rác lớn nhỏ, có cái cao quá đầu người, phía trước treo nào chổi, nào cây lau nhà... Anh shipper bé nhỏ ở giữa đang mướt mồ hôi, bối rối hỏi thăm đường đi giữa khung cảnh thôn quê, tỉnh xa.
Thời mua bán trực tuyến, món gì cũng có thể mua qua mạng và chờ giao hàng tận nơi. Một chuyến hàng như vậy, shipper có thể có vài mươi ngàn đồng nhưng mối nguy hiểm chực chờ, nếu lỡ va quẹt trên đường, thiệt hại gấp hàng chục, hàng trăm lần tiền công, có khi còn là tính mạng.
Người chở hàng có thể từ chối chở hàng quá tải, quá khổ không? Có lẽ rất khó. Không chỉ vì vài mươi ngàn tiền công mà còn vì công ăn việc làm lâu dài. Điều này là có thật. Khi việc mua hàng qua mạng càng phát triển, càng phát sinh nhiều chuyến xe chở hàng quá khổ.
Bởi vì bên bán muốn tiết kiệm chi phí vận chuyển, bên mua muốn giảm giá cho món hàng. Shipper phải chở cùng lúc nhiều món, giao nhiều nơi. Mối nguy hiểm vì thế vẫn nhan nhản trên đường.
Việc xử phạt tiền là một giải pháp răn đe nhắc nhở. Nhưng thực tế phạt người này lại có nhiều người khác vi phạm, bị phạt hôm nay ngày mai cũng có thể tái phạm. Ai cũng nói vì mưu sinh nhưng nghĩ sâu xa do người người không biết hoặc bất chấp các quy định về việc chở hàng, chở người trên xe thô sơ. Lý lẽ nào cũng là cách biện minh cho lỗi vi phạm và sau đó, nhiều người vẫn sẵn sàng... chở liều.
Tương tự như việc siết xử lý học sinh vi phạm Luật Giao thông, việc lái xe chở hàng quá khổ trên đường cũng cần xử phạt nghiêm. Cũng không chỉ ở Hà Nội hay các TP lớn. Đừng vin lý do tiết kiệm chi phí chở hàng mà bất chấp tai nạn có thể xảy đến với chính người chở hàng và bao người khác.
Chúng ta đã du di không phạt, đã thông cảm cho những người chở thuê bao nhiêu năm rồi? Kết quả là gì? Đường phố đông người và xe lại thêm nguy hiểm vì những xe chở hàng cồng kềnh.
Thay đổi thực trạng này không chỉ phạt người vi phạm. Đó là xử lý chuyện trước mắt. Về lâu dài cần có thêm những giải pháp khác. Để tài xế không mắc lỗi chở hàng quá khổ, việc giao hàng cồng kềnh cần tính đến phương tiện phù hợp thay vì chọn xe nhỏ giá rẻ.
Những người kinh doanh qua mạng phải có trách nhiệm hơn trong chuyện này. Người mua hàng online cũng cần chia sẻ khi (có thể) chi thêm chi phí cho việc vận chuyển an toàn hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận