Cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt một người tiểu bậy tại Q.1, TP.HCM - Ảnh: LÊ PHAN
Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nếu văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau. Trong trường hợp này, nghị định 155 được ưu tiên áp dụng
Luật sư LÊ MINH NHỰT (Đoàn luật sư TP.HCM)
Cán bộ một phường trung tâm TP.HCM cho biết từng có trường hợp người tiểu bậy ở công viên khi được nhắc nhở, thông báo mức xử phạt 1-3 triệu đồng theo nghị định 155/2016 đã mở điện thoại tìm nghị định 167/2013 và phản ứng, cho rằng hành vi của mình chỉ bị phạt 100.000- 300.000 đồng.
"Mức phạt chênh nhau tới 10 lần. Nghị định 167 vẫn còn hiệu lực nên người ta thắc mắc là đúng. Khi đó, chúng tôi chỉ nhắc nhở để họ biết hành vi đó là sai, có thể bị xử phạt dù là theo quy định nào" - vị cán bộ này nói.
Ông Phạm Nhất Trí, đội phó đội trật tự đô thị Q.1 (TP.HCM), cho rằng công tác tuyên truyền quy định mới rất quan trọng. Các phương tiện truyền thông nói rất kỹ, có cả băngrôn treo trên đường nên người dân cũng quen với quy định mới, không thắc mắc khi bị xử phạt.
Ông Trí cho biết trước đây chủ yếu áp dụng nghị định 167, kể từ khi nghị định 155 có hiệu lực thì hầu như chỉ còn áp dụng quy định mới này.
Thực tế, nghị định 155 có quy định cụ thể nhiều trường hợp vi phạm, với mức xử phạt nghiêm khắc nên đã hạn chế được rất nhiều vi phạm.
Ông Trương Hoài Phong - chủ tịch UBND P.15, Q.10 (TP.HCM) - cho biết khu vực công viên Lê Thị Riêng trước đây là điểm nóng về vi phạm xả rác, tiểu bậy. Nhưng từ khi áp dụng nghị định 155 để xử phạt, tình hình vi phạm đã giảm hẳn.
Ông Phong cho hay phường đã cho lực lượng bắt quả tang rất nhiều trường hợp vi phạm xả rác tại khu vực công viên Lê Thị Riêng nhưng số xử phạt ít hơn. Nguyên do, theo ông Phong, là mức phạt theo nghị định 155 cao (thấp nhất cũng 1 triệu đồng) nên phường phải xử lý cho hợp lý hợp tình.
Nhiều người vi phạm xả rác chủ yếu là lượm ve chai, phân loại ve chai xong thì vứt rác ra đường. Phường chủ yếu nhắc nhở, cảnh cáo, yêu cầu họ dọn dẹp rác cho sạch sẽ. Đồng thời cũng tuyên truyền về quy định, mức phạt để họ chấp hành, không tái phạm.
Tương tự, phường cũng xử lý phù hợp với những xe bán trái cây, đồ ăn nhanh vi phạm xả rác để họ sợ, phải chấp hành chứ không xử phạt ngay.
Nhưng các trường hợp như xe ba gác chở xà bần đổ lén ở khu vực công viên Lê Thị Riêng thì xử phạt nghiêm. Các trường hợp hộ kinh doanh ăn uống tại các tuyến đường trên địa bàn mà xả rác, đổ nước ra đường bị lực lượng phát hiện trực tiếp hoặc thông qua camera thì xử phạt để răn đe.
"Phần lớn các trường hợp bị phạt theo nghị định 155 đều sợ. Đến nay tình hình vi phạm đã giảm rõ rệt..." - ông Phong nói.
Lãnh đạo một phường ở Q.Tân Bình cũng chia sẻ việc giữ gìn trật tự, vệ sinh ở cơ sở là muôn hình vạn trạng. Những vi phạm về môi trường thì áp dụng nghị định 155, nếu đậu xe lấn chiếm thì dùng nghị định 46, riêng nghị định 167 ít khi sử dụng.
"Thông thường chúng tôi phải vận động, nhắc nhở nhiều lần, nếu người dân vẫn không chấp hành mới xử phạt vi phạm hành chính để răn đe" - vị lãnh đạo này nói.
Ba văn bản cùng quy định
Hành vi xả rác nơi công cộng được quy định ở 3 nghị định khác nhau. Cụ thể, theo quy định tại điểm đ, khoản 2, điều 12 nghị định số 46/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thì phạt tiền 300.000-400.000 đồng đối với cá nhân (600.000-800.000 đồng đối với tổ chức) có hành vi "xả rác, đổ nước ra đường...".
Điểm d, khoản 1, điều 20 nghị định 155/2016 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì "Phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị".
Trong khi đó, theo điểm c, khoản 2, điều 7 nghị định số 167/2013 xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình thì phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với hành vi "đổ rác, chất thải hoặc bất cứ vật gì khác vào hố ga, hệ thống thoát nước công cộng, trên vỉa hè, lòng đường".
Hành vi đi vệ sinh không đúng nơi quy định cũng được quy định ở nghị định 155 và nghị định 167.
Điểm c, khoản 1, điều 7 nghị định 167/2013 quy định phạt tiền 100.000-300.000 đồng đối với hành vi "tiểu tiện, đại tiện ở đường phố, trên các lối đi chung ở khu công cộng và khu dân cư".
Điểm b, khoản 1, điều 20 nghị định 155/2016 quy định hành vi "vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng" bị phạt tiền 1-3 triệu đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận