Chúng tôi sợ nhất cảnh chồng đi xe về nhà trong tình trạng dắt xe không vững. Bao lần các anh đã nói không biết mình đã về được nhà sau cuộc nhậu, chỉ khi người và xe đều vào nhà mới hiểu rằng mình đang say quá say, mệt quá mệt! Kỳ nghỉ này, nhiều anh chỉ ở nhà với vợ con hoặc về quê cũng chỉ ở nhà với ba má.
Thật ra, ai cũng ngán bị phạt nặng khi lái xe có hơi men. Nhưng đáng mừng là các anh cũng nhắc nhau thôi đừng uống, có uống thì tính cách để người khác chở về. Đó là một sự thay đổi đáng mừng từ thực tế.
Cùng với việc lực lượng chức năng ra quân xử phạt, các cơ quan công sở có văn bản nhắc nhở cán bộ, công nhân viên, tôi thấy có sự tự giác, tự thay đổi ở nhiều đồng nghiệp và người thân của mình.
Pháp luật không cấm uống rượu bia. Nhưng không phải uống mọi lúc mọi nơi và uống tới mức mơ màng, liêu xiêu người và xe trên đường về thì nên từ giã. Khi các anh uống đến quá 11h đêm mới về nhà và uống vào bất cứ tối nào trong tuần, liệu sáng ngày mai có đủ tươi tắn khỏe khoắn để đi làm đúng giờ hoặc tốt hơn nữa là đưa con trẻ tới trường?
Cho nên, không cứ vì sợ bị phạt, giảm say sưa mà là vì chính mình, cha mẹ vợ con mình.
Bữa giờ các anh tranh luận nhau chuyện uống buổi tối, sáng mai nồng độ cồn còn bao nhiêu? Xin các anh hãy hỏi chính lá gan của mình xem gan có còn khả năng thải độc ngon lành sau bao năm không say không về?
Vậy thì tìm cách cải thiện sức khỏe gan, giảm bia rượu, vợ con biết ơn các anh hơn là thấy các anh vẫn còn tranh cãi về nồng độ cồn bao nhiêu.
Lỡ say kiếm người chở về và lo tính cách giải độc khi cơ thể thấm men rượu. Xử phạt nồng độ cồn đâu phải để cấm lái xe khi say. Đây là cách giảm tai nạn giao thông, giảm bạo hành gia đình, tăng năng suất làm việc.
Đây cũng là cách góp phần giảm chuyện tiểu bậy ngoài đường, đánh nhau trong quán và giảm bệnh do bia rượu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận