Vừa nhậu vừa hát karaoke với loa công suất lớn trên đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nghị định 45/2022 của Chính phủ quy định như trên. Vậy với mức phạt cao này, liệu vấn nạn tiếng ồn có được xử lý triệt để, từ karaoke loa kẹo kéo, nhạc sống đến tiếng ồn sản xuất gây bức xúc trong người dân? UBND TP.HCM đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, thậm chí giao trách nhiệm về cho người đứng đầu địa phương...
Xử phạt bốn lần nhưng không hết ồn
Đó là sự việc xảy ra nhiều năm nay ở phường Tân Quy, quận 7 (TP.HCM). Một công ty sản xuất nước đá dù bị xử phạt đến bốn lần vì gây ra tiếng ồn vượt mức quy chuẩn nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh suốt thời gian dài.
Ông Nguyễn Thanh Nhàn (người dân sống cạnh cơ sở nước đá) cho biết gia đình ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tiếng ồn và độ rung gây ra từ hoạt động sản xuất nước đá của Công ty TNHH sản xuất thương mại lắp đặt Trường Thủy (Công ty Trường Thủy) kế bên.
Bức tường nhà ông Nhàn luôn trong tình trạng bị rung lắc, kèm theo tiếng máy nổ âm ĩ cả ngày lẫn đêm, thỉnh thoảng lại tăng cường độ "đinh tai nhức óc". Tám năm qua, không một đêm nào gia đình ông được ngủ một giấc trọn vẹn.
Theo ông, trước đó vì "tình làng nghĩa xóm" nên ông luôn cố gắng nhắc nhở nhưng tiếng ồn không những không giảm mà còn tăng. Do đó, năm 2020 ông đã gửi đơn phản ánh vụ việc này lên UBND phường Tân Quy và UBND quận 7.
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 7, từ tháng 10-2020 đến tháng 4-2021, đơn vị đã kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính ba lần đối với Công ty Trường Thủy do vi phạm quy chuẩn tiếng ồn.
Mới đây, Phòng cảnh sát môi trường Công an TP.HCM phối hợp cùng Công an phường Tân Quy tiếp tục kiểm tra, kết quả tiếng ồn tại đây vẫn vượt quy chuẩn kỹ thuật (từ 5 - 10 dBA). Do đó, Phòng cảnh sát môi trường Công an TP.HCM ban hành quyết định xử phạt 25 triệu đồng đối với Công ty Trường Thủy, buộc công ty này phải có biện pháp giảm tiếng ồn.
Tuy nhiên, ông Nhàn cho biết hiện tại tình trạng vẫn chưa thuyên giảm. "Không chịu được, vợ và con nhỏ của tôi phải chuyển đi nơi khác ở", ông Nhàn nói.
Bản thân ông rất bức xúc với việc công ty này chấp nhận đóng tiền phạt nhưng không chịu khắc phục để giảm ồn. Mới đây, HĐND TP.HCM và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội đã chuyển đơn phản ánh vụ việc này đến UBND quận 7 để xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.
Không chỉ từ hoạt động sản xuất, mà tiếng ồn từ karaoke, loa thùng ở một số khu dân cư, tuyến đường đông đúc tại TP Thủ Đức, quận Gò Vấp... cũng diễn ra phức tạp, bất chấp.
Nhiều năm qua, ở "đại lộ bia" Phạm Văn Đồng, người dân vẫn thường xuyên phản ánh và chính quyền địa phương cũng ra tay xử lý, nhưng tiếng ồn vẫn xuất hiện.
Mặc kệ giờ khuya, các quán bia trên đường này vẫn xập xình những âm thanh chát chúa. Ghi nhận chập tối 27-8, trên tuyến đường này một số quán đã mở nhạc ầm ĩ, chiếu đèn nhấp nháy như vũ trường. Dần về khuya, cường độ âm thanh càng lớn hơn.
Trong khi đó, đi dọc các tuyến đường như Phan Xích Long, Miếu Nổi, Hoa Hồng... (quận Phú Nhuận) tình trạng ô nhiễm tiếng ồn tại các quán nhậu, bia vỉa hè cũng rất phổ biến.
Chị Võ Mẫn (sinh sống tại chung cư Miếu Nổi) cho biết: "Có hôm, đã hơn 2h sáng, những câu hát từ bài Xin lỗi tình yêu của một người đàn ông nào đó với chất giọng say xỉn vẫn liên tục quấy rầy giấc ngủ của mọi người. Điều đáng nói, khi người dân gọi điện góp ý, có trường hợp còn bất chấp mở nhạc âm lượng lớn hơn, hết công suất".
Những loa “kẹo kéo” mở hết công suất gây tiềng ồn đang hiện diện khắp địa bàn TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Khi mình xuống đo thì chủ nguồn gây ồn họ vặn nhỏ âm thanh lại, thế là kết quả lại nằm ngoài khung xử phạt. Quận hiện cũng chưa được trang bị thiết bị đo tiếng ồn...
Ông Phạm Bảo Toàn (trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Phú Nhuận)
Cần thêm phương tiện đo, nhân lực mật phục
Đầu năm nay, UBND TP.HCM đã có văn bản yêu cầu tăng cường công tác xử lý vi phạm tiếng ồn. Theo đó, địa phương để xảy ra vi phạm tiếng ồn do buông lỏng quản lý, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự thì UBND TP.HCM sẽ xử lý người đứng đầu.
Khi nghị định 45 ra đời, đã có thêm biện pháp để xử lý vi phạm tiếng ồn. Tuy nhiên nhiều địa phương, nhiều quận huyện, phường xã cho rằng chừng đó vẫn chưa đủ mà cần trang bị thêm thiết bị đo tiếng ồn chuẩn, tập huấn cách đo và cử nhân lực mật phục.
Theo ông Phạm Bảo Toàn - trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Phú Nhuận, trước nay quận chủ yếu xử phạt tiếng ồn theo dạng vi phạm an ninh trật tự chứ chưa tiến hành đo cường độ để xử phạt được.
"Muốn đo chính xác thì phải nhờ tới đơn vị chuyên nghiệp để đo. Còn trường hợp được trang bị máy đo đi nữa thì cũng phải đo đúng cách chứ không mình còn bị người dân phản ứng ngược. Ví dụ phải đo ở vị trí nào. Nếu mình đo tại cái loa thì chắc chắn âm thanh phải lớn nhưng quy định thì phải đo ngay vị trí ảnh hưởng.
Ngoài ra khi mình xuống đo thì chủ nguồn gây ồn họ vặn nhỏ âm thanh lại thế là kết quả lại nằm ngoài khung xử phạt. Ở quận hiện nay có xử phạt đối với các hành vi gây ồn ngoài nơi công cộng chứ trong nhà dân mà gây ồn thì khó xử. Quận hiện cũng chưa được trang bị thiết bị đo tiếng ồn, hiện nay điện thoại cũng có thể đo nhưng cái đó thì không được công nhận là dụng cụ đo để xử phạt", ông Toàn chia sẻ.
Ông Toàn cũng đề xuất thêm nếu có quy định cụ thể về hành vi như để loa ra đường mở nhạc hát là phạt, hát sau 22h là phạt... thì địa phương dễ xử lý hơn là phương pháp đo cường độ. Phương pháp đo cường độ chỉ thích hợp áp dụng với các cơ sở, các đơn vị kinh doanh có sử dụng âm thanh lớn hoặc hoạt động sản xuất gây ồn thường xuyên.
Còn ông Tạ Thanh Khiêm, chủ tịch UBND phường 13, quận Bình Thạnh, cho biết thời gian qua, để quản lý, giảm các trường hợp gây ồn ở khu vực, phường đã thường xuyên tuần tra, nhắc nhở. Còn muốn mạnh tay xử lý vi phạm theo pháp luật thì phường cũng gặp khó.
Vì phạt là phải có bằng chứng. Cần có lực lượng chuyên môn và máy đo cường độ âm thanh vượt quy chuẩn hay không mới tiến hành xử lý vi phạm. Để làm được điều đó, phường sẽ báo cáo, liên hệ với UBND quận Bình Thạnh để tổ chức ra quân liên ngành, trong đó có Phòng Tài nguyên và Môi trường.
Còn đại diện UBND phường 5, quận 5 cho biết cũng rất khó để cấp phường xử lý tiếng ồn bằng cách đo cường độ. Phường cũng xử phạt nhiều trường hợp vi phạm ở hành vi gây mất trật tự chứ chưa có trường hợp nào đo cường độ tiếng ồn rồi xử phạt theo khung. Ở cấp quận có các tổ liên ngành kiểm tra xử phạt nhưng cũng xử phạt chung về vi phạm an ninh trật tự.
*Ông Tạ Thanh Khiêm (chủ tịch UBND phường 13, quận Bình Thạnh):
Cần phối hợp liên ngành giữa các địa phương
Xây dựng một lực lượng ở mỗi phường có trang bị máy đo cường độ âm thanh là điều không khả thi. Trước nay, việc này vẫn phải thực hiện theo đúng thẩm quyền. Đồng thời, nhân lực để làm cần phải qua quá trình đào tạo có chuyên môn, máy móc chuyên dụng và được kiểm định định kỳ. Hiện lực lượng của phường mỏng, chưa qua đào tạo nên việc đo tiếng ồn (ở môi trường phức tạp nhiều tạp âm...) rất khó.
Với mức xử phạt cao của nghị định 45 sẽ góp phần lớn trong việc giải quyết tình trạng vi phạm tiếng ồn diễn ra lâu nay. Song cần sự quản lý chặt chẽ, phối hợp liên ngành giữa các địa phương để thực hiện nghị định này một cách hiệu quả nhất. Theo tôi, các địa phương cần tổ chức lực lượng mật phục ngay tại các địa điểm nhà hàng, quán nhậu... hay bị phản ánh vi phạm tiếng ồn, để thu thập bằng chứng. Tránh trường hợp các điểm này có người cảnh giới, sẽ dùng nhiều biện pháp đối phó nếu phát hiện xe của lực lượng chức năng đang tuần tra.
Đề xuất tịch thu phương tiện gây ồn
Một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Thạnh (TP.HCM) chia sẻ tại các hàng quán hay vi phạm, quận rất muốn tạm giữ phương tiện vi phạm là hệ thống loa nhưng điều đó thì nghị định, quy định chưa cho phép.
Đường Phạm Văn Đồng (TP.HCM) “nổi tiếng” với những quán bia bật nhạc xập xình đến tận khuya gây ô nhiễm tiếng ồn - Ảnh: LÊ PHAN
Không thể để dây dưa mãi
Xử lý xong họ lại gây ồn. Đây là một trong những khó khăn, cho nên theo cán bộ trên, quận đang kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo TP kiến nghị lên Chính phủ điều chỉnh các nghị định có liên quan. "Cứ vi phạm thì thu luôn phương tiện gây ồn thì mới răn đe được những người vi phạm. Phạt tiền ở mức vi phạm nhẹ còn ít nên chỉ có thể "gãi ngứa" cho họ", vị này đề xuất.
Cũng theo vị này, một số hàng quán còn có hình thức đối phó, khi lực lượng chức năng đi kiểm tra thì người ta rút điện hoặc mở nhỏ. Do đó, quận cũng có giải pháp nữa là TP nên giao cho lực lượng cảnh sát môi trường, cử trinh sát, phương tiện chuyên dụng để xử lý nóng.
Cần tăng mức xử phạt tiền với hành vi vi phạm quy định về tiếng ồn của các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong trường hợp có hành vi tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần.
Luật sư Võ Đan Mạch
Áp dụng hình phạt bổ sung
Luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP.HCM) nhấn mạnh dù nghị định 45 có quy định tùy theo mức độ vi phạm mà người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 2 triệu đến 160 triệu đồng. Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như bị đình chỉ hoạt động từ 3 - 6 tháng nếu gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 30 dBA; bị đình chỉ hoạt động từ 6 - 12 tháng nếu gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 30 dBA đến dưới 40 dBA. Ngoài ra, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, tình trạng gây ô nhiễm tiếng ồn nói chung, gây ô nhiễm tiếng ồn tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nói riêng vẫn diễn ra khá phổ biến. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như nhận thức, ý thức về hành vi vi phạm, hậu quả gây ra của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh; công tác phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng.
Luật sư Mạch cho rằng mức xử phạt hành chính như hiện tại là còn quá "nhẹ nhàng" và các cơ sở sản xuất, kinh doanh như trường hợp nêu trên có thể chấp nhận chịu phạt. Cạnh đó, hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ được áp dụng trong trường hợp ngưỡng vượt quy chuẩn kỹ thuật tiếng ồn từ 10 dBA trở lên. Do đó, nếu dưới 10 dBA, cho dù tái phạm hay vi phạm nhiều lần sẽ không bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung này.
Để hạn chế tình trạng "nhờn luật", luật sư Mạch kiến nghị cần tăng mức xử phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về tiếng ồn của các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong trường hợp có hành vi tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần. Đồng thời, bổ sung hình thức xử phạt là đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở từ 1 - 3 tháng nếu gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2 dBA đến dưới 10 dBA, nếu cơ sở tái phạm, vi phạm nhiều lần thì đình chỉ hoạt động từ 6 - 12 tháng.
Ngoài mức phạt theo nghị định 45/2022 của Chính phủ, các địa phương cũng đề xuất thêm cách tịch thu phương tiện gây ồn để tăng thêm tính hiệu quả khi xử lý vấn nạn tiếng ồn.
T.MAI - L.PHAN - C.TUẤN
Vi phạm tiếng ồn phạt ra sao?
Đồ họa: N.KH.
Tùy theo hành vi vi phạm hành chính, mức độ vi phạm hành chính mà người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính như chủ tịch UBND cấp xã, chủ tịch UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp tỉnh, chánh thanh tra sở, trưởng công an cấp xã, cấp huyện, giám đốc công an tỉnh... sẽ có quyền xử phạt theo quy định tương ứng.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn; buộc chi trả chi phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường.
Quy định đa dạng công cụ đo tiếng ồn để xử phạt
Nhiều ý kiến đề nghị rà soát, công bố các app có thể đo độ ồn để đa dạng công cụ phát hiện, xử lý tiếng ồn - Ảnh: LÊ PHAN
Theo luật sư Nguyễn Quốc Cường (Đoàn luật sư TP.HCM), tiếng ồn là một trong những nguồn có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm giảm chất lượng cuộc sống.
Hiện nay, việc xử phạt vi phạm hành chính theo nghị định 45 khó khăn ở chỗ chưa có thiết bị đo tiếng ồn đủ chuẩn để xử phạt, việc đo đạc tiếng ồn phải được thực hiện bởi đơn vị có chức năng. Chưa kể, các thiết bị đo tiếng ồn rất khó xác định mức độ tiếng ồn vi phạm khi nguồn vi phạm ở trong cộng đồng.
Vì vậy cần sửa đổi bổ sung quy định theo hướng cho phép sử dụng phương tiện đo tiếng ồn như phần mềm điện thoại di động (app) hoặc các phương tiện cầm tay hợp chuẩn do sở khoa học và công nghệ tỉnh, thành phố công bố.
Đồng thời giao trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm trong công tác tuyên truyền vận động, xử lý vi phạm hành chính về tiếng ồn; tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn một cách triệt để nhằm giữ trật tự kỷ cương xã hội cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống.
T.MAI
Nhiều nước phạt nặng, thậm chí bỏ tù vi phạm tiếng ồn
Biển báo giới hạn tiếng ồn và đo tiếng ồn trên đường phố ở Edmonton, Canada - Ảnh: GLOBAL NEWS
Tại New York, Mỹ, luật về giấc ngủ năm 2022 đã nâng mức phạt tiền từ 150 USD lên 1.000 USD cho hành vi thay đổi hệ thống âm thanh và ống xả của ô tô, xe máy - nhằm làm các phương tiện này "tạo ra âm thanh lớn hơn".
Không chỉ người chủ xe bị phạt mà cửa hàng thực hiện dịch vụ hoặc bán thiết bị để tăng âm cũng bị phạt. Theo đó, cửa hàng sẽ bị rút giấy phép hoạt động hoặc chứng nhận đủ điều kiện giám định xe nếu vi phạm ba lần trong 18 tháng.
Tại Pháp, tháng 2-2022, bảy thành phố lớn trong đó có Paris đã thí điểm lắp radar âm thanh để phát hiện và chụp ảnh phương tiện (chủ yếu là xe máy) tạo ra tiếng ồn quá mức. Sau thời gian thí điểm, ở Paris, chính quyền thành phố dự kiến sẽ đưa ra mức phạt 130 euro (khoảng 3 triệu đồng) với các phương tiện vi phạm. Tuy nhiên, các biện pháp khác để hạn chế tiếng ồn cũng được đưa ra gồm hạn chế tốc độ của phương tiện và trồng thêm cây xanh.
Tại Toronto, Canada, nếu cá nhân hay tổ chức gây ra tiếng ồn vi phạm quy định, họ sẽ bị phạt hoặc tống đạt giấy hầu ra tòa. Các mức phạt phổ biến ở mức từ 500 - 700 đô la Canada. Nếu để ra tòa, mức phạt sẽ lên đến 100.000 đô la Canada hoặc 10.000 đô la Canada cho mỗi ngày tiếp diễn vi phạm.
Tại Thái Lan, quy định về tiếng ồn là không vượt quá 70dB. Mức phạt tối đa nếu vi phạm là 10.000 baht (khoảng 6,5 triệu đồng) và hoặc một tháng tù.
HỒNG VÂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận