Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh - Ảnh: B.D.
"Lãnh đạo, cán bộ có chức trách trong ngành là những người có quyền hành chỉ đạo cho ai được ra nước ngoài, ai không được đi. Những người này một khi đã chỉ đạo thì cấp dưới phải thừa hành như một số vụ án xuất cảnh trái phép bị truy nã vừa qua.
Tôi đề nghị cần bổ sung vào quy định loại hành vi lợi dụng trách nhiệm quyền hạn để cho phép làm giả giấy tờ, cho phép xuất cảnh, nhập cảnh trái quy định của pháp luật" - nữ đại biểu Hà Nội nói trong buổi thảo luận sáng 12-6.
Cấm xuất cảnh sai thì phải bồi thường
Trong khi đó, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần phải xử lý nghiêm hành vi lạm dụng để ra quyết định cấm, hoãn trái phép gây thiệt hại cho công dân, doanh nghiệp.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng quyền xuất nhập cảnh là quyền con người, việc hạn chế xuất nhập cảnh cũng phải tùy hoàn cảnh nếu không sẽ thành lạm dụng.
Bởi vậy trong các quy định việc hạn chế xuất nhập cảnh cần cụ thể hóa, trường hợp nào được hoãn, hạn chế, trường hợp nào được cho đi chứ không phải nhập chung dân sự lẫn hình sự như dự thảo.
"Tôi đề nghị phải có biện pháp chế tài, xử lý nghiêm cơ quan tổ chức lạm dụng việc hoãn xuất nhập cảnh gây ảnh hưởng tới công dân, việc hạn chế đó gây thiệt hại và được xác định là sai thì phải bồi thường" - luật sư Nghĩa nói.
"Cấm, hoãn xuất cảnh sai gây thiệt hại thì phải bồi thường" - đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cùng một số đại biểu khác cũng cho rằng cần xem xét lại quy định trong dự thảo về việc hoãn, cấm xuất cảnh đối với người đang nợ thuế.
Theo các đại biểu, thực tế hiện có nhiều trường hợp người nộp thuế không ý thức được mình vi phạm luật thuế, số tiền nợ cũng chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng đến khi làm thủ tục xuất cảnh mới được thông báo.
Dự thảo luật phải quy định "thoáng hơn", có các mức xác định nợ thuế để người dân không bị hoãn khi xuất cảnh một cách đáng tiếc.
"Bên cạnh đó, nội dung hoãn xuất cảnh với lý do quốc phòng an ninh như quy định trong dự thảo luật rất chung chung, cần xác định rõ hoặc bỏ nội dung này để bảo đảm quyền công dân, quyền con người" - đại biểu Tuấn nói.
Xử lý nghiêm người ra nước ngoài gây hình ảnh phản cảm
Nhiều đại biểu cũng tập trung phân tích các quy định liên quan đến việc cấp hộ chiếu ngoại giao, công vụ nêu ở chương 3 dự thảo luật.
Đại biểu Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng) cho rằng ở các nước đại biểu Quốc hội được coi là chính trị gia, mà chính trị gia thì được cấp hộ chiếu ngoại giao, khi có việc gì xảy ra người được cấp hộ chiếu ngoại giao sẽ được quyền ưu tiên miễn trừ.
Dự thảo luật có nêu quy định sẽ cấp hộ chiếu ngoại giao cho đại biểu Quốc hội vì thế là hợp lý nhưng cũng cần ghi rõ việc sử dụng hộ chiếu đó như thế nào, mục đích gì. Khi phát sinh sự cố mà có vi phạm đại biểu cũng phải chịu trách nhiệm như người bình thường.
Nêu hiện tượng công dân Việt Nam khi ra nước ngoài vi phạm luật pháp, vi phạm phong tục, tập quán của nước sở tại, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) cho rằng cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật, chấn chỉnh công tác quản lý, điều hành và trách nhiệm của công dân Việt Nam khi đi ra nước ngoài.
"Khi công dân ra nước ngoài, trong luật phải nói rõ việc tuân thủ luật pháp nước sở tại. Phải giữ gìn hình ảnh, bản sắc văn hóa của Việt Nam, mỗi một công dân Việt Nam phải là một đại sứ du lịch, có trách nhiệm quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa con người Việt Nam" - ông Hưng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận