Ngày 1-10, Phòng Y tế quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng cho biết đã có tờ rơi gởi về các khu dân cư hướng dẫn các biện pháp phòng tránh kiến ba khoang.
Trước đó, tại nhiều nhà dân trên địa bàn quận xuất hiện dày đặc kiến ba khoang gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Đơn vị đã cùng lực lượng y tế phun hóa chất diện rộng tại nhiều khu dân cư có kiến.
Theo Phòng Y tế quận Cẩm Lệ, hiện đang vào mùa sinh sản, kiến thường bay ra khỏi nơi trú ẩn và tụ tập quanh ánh đèn vào ban đêm. Vì thế nhiều nhà dân trong khu vực, nhất là những nơi gần các khu vực canh tác nông nghiệp xuất hiện nhiều kiến ba khoang.
Theo khuyến cáo, kiến ba khoang không cắn hoặc đốt, chích khi tiếp xúc với người. Tuy nhiên trong cơ thể kiến có chứa chất Pederin, một loại chất độc gây rộp, phỏng da. Dù lượng tiếp xúc rất nhỏ nhưng vẫn để lại tổn thương lớn do độc tố cao.
Chất Pederin không được kiến chủ động tiết ra, mà nó chỉ tồn tại trong cơ thể kiến. Khi cơ thể bị nghiền nát, chất này mới được giải phóng ra môi trường.
"Khi chất Pederin dính vào vùng da con người, nhất là vùng da non, vùng da nhạy cảm, các vùng da chỗ này sẽ bị phồng rộp, bỏng, đau rát. Thậm chí gây viêm da nếu không chăm sóc tốt vết thương và có thể gây nhiễm trùng, tình trạng vết thương trở nặng hơn" - đại diện Phòng Y tế quận Cẩm Lệ khuyến cáo.
Trước đó như Tuổi Trẻ Online phản ánh, tại phường Hòa Thọ Đông kiến ba khoang xuất hiện rải rác ở nhiều khu chung cư như 2A, CT03, CT04, CT05, CT07… và một số khu dân cư xung quanh.
Nhiều người dân bị phồng rộp da vì có tiếp xúc với kiến, hoặc vật dụng có độc tố của kiến.
Che ánh sáng lọt ra ngoài thu hút kiến ba khoang
Phòng Y tế quận Cẩm Lệ khuyến cáo trường hợp phát hiện kiến rơi hoặc bò lên da không nên dùng tay giết, mà nên thổi cho kiến bay đi tránh để dịch tiết dính vào da.
Do kiến thường bị thu hút bởi ánh sáng, nên khi sinh hoạt hoặc làm việc dưới ánh đèn cần phải đóng cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở các khu vực cửa sổ có lỗ thoát khí. Đồng thời buông rèm che ánh sáng lọt ra ngoài thu hút kiến ba khoang.
Nếu phát hiện vừa tiếp xúc với dịch tiết của kiến, nhanh chóng rửa chỗ tiếp xúc dưới vòi nước. Khi thấy da đau rát cần dùng dung dịch dịu da, sát khuẩn nhẹ như dung dịch Jarish, mỡ kháng sinh rồi đến các cơ sở y tế để được chỉ định điều trị thêm.
Đối với khu nhà ở chật hẹp như ký túc xá hoặc khu nhà ở của công nhân gần các khu công nghiệp, ở gần nơi có nhiều cây cỏ, bụi rậm, đồng ruộng vừa mới gặt xong cần vệ sinh môi trường, gom xác cây mục, cỏ khô đem đốt để xua đuổi côn trùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận