04/07/2011 08:42 GMT+7

Xử lý tai nạn giao thông - Kỳ 1: Cố ý làm sai quy trình

HOÀNG KHƯƠNG (còn tiếp)
HOÀNG KHƯƠNG (còn tiếp)

TT - Theo điều tra, nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng vừa mới xảy ra, chưa giải quyết về vấn đề dân sự (bồi thường) đã thấy xe gây tai nạn được phóng thích. Trong khi đó chủ xe, tài xế biến mất dạng, để lại hậu quả đè nặng lên gia đình và bản thân người bị nạn.

Toyx7uCT.jpgPhóng to
Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do tài xế xe ben 61H-8603 gây ra ngày 9-6 tại trạm thu phí số 1 (tỉnh lộ 741, Phú Giáo, Bình Dương) nhưng đến nay chưa được xử lý, phía bị hại chưa được bồi thường Ảnh: H.K.
Ozzf6AKA.jpgPhóng to
Ông Phan Thân bị xe khách tông làm chấn thương sọ não, liệt nửa người nhưng vụ việc vẫn chưa được cơ quan công an xử lý Ảnh: H.K.

Theo quy trình điều tra, giải quyết TNGT, khi xảy ra TNGT dù va quẹt nhẹ hay có chết người, cảnh sát giao thông (CSGT) phải tiến hành các thủ tục: khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện, tạm giữ phương tiện và người điều khiển có liên quan, ghi nhận dấu vết trên thân thể người bị nạn, dựng lại hiện trường, ghi lời khai, giám định chuyên môn, đánh giá tỉ lệ thương tật người bị nạn, xem xét kết quả điều tra và quyết định việc giải quyết vụ TNGT để chuyển cơ quan điều tra xử lý (nếu có dấu hiệu tội phạm) hoặc xử lý hành chính.

Tuy nhiên, một số đơn vị xử lý TNGT đã cố tình bỏ qua quy trình này hoặc ngâm hồ sơ để vòi tiền bồi dưỡng, thậm chí còn “nhiệt tình” vận động các bên liên quan “tự xử” để nhẹ việc.

Đòi tiền bồi dưỡng

Khoảng 23g ngày 26-3, anh Trương Hữu Nghĩa (37 tuổi) đi xe máy trên đường Tân Hòa Đông, hướng từ chợ Phú Lâm đi hương lộ 2 (Q.Bình Tân, TP.HCM). Một số nhân chứng có mặt tại hiện trường cho biết khi đến trước số nhà 433 Tân Hòa Đông (P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân), anh Nghĩa đang lưu thông trên phần đường bên phải thì bị xe ben do tài xế La Văn Đang điều khiển quẹt ngã. Do bị chấn thương sọ não nặng nên anh Nghĩa tử vong ngay sau đó.

Ông Trương Trung Tiên (cha anh Nghĩa) kể: “Sáng 27-3, tôi đến Công an Q.Bình Tân nhờ cơ quan điều tra đến nhà xác Bệnh viện Chợ Rẫy làm thủ tục nhận thi thể con. Trong lúc chờ đợi, một người mặc thường phục đi cùng một điều tra viên kéo tôi ra nói nhỏ “lát nữa gửi 4 triệu đồng bồi dưỡng để giải quyết nhanh”. Đang lúc đau đớn cùng cực, vả lại nhà nghèo nên tôi không đưa tiền”.

Ngày 18-4, điều tra viên Hùng (đội điều tra tổng hợp Công an Q.Bình Tân) gọi điện hẹn ông Tiên đến giải quyết. Theo ông Tiên, tại buổi làm việc, ông không hề nghe thông báo về vụ TNGT mà chỉ dàn xếp bồi thường, bãi nại giữa đôi bên. Do phía chủ xe đưa ra mức bồi thường không hợp lý nên cuộc thương lượng bất thành.

Cũng tại buổi làm việc, ông Tiên thắc mắc tại sao tài xế không có mặt thì được trả lời “có mời nhưng không đến”.

Ngày 26-5, ông Hùng mời ông Tiên và chủ xe đến cơ quan điều tra thương lượng lần hai. Tại đây, ông Tiên đưa ra mức bồi thường toàn bộ tiền chi phí đám tang, tiền cấp dưỡng nuôi con anh Nghĩa... gần 290 triệu đồng. Trong khi đó, chủ xe chỉ đồng ý bồi thường 80 triệu đồng. Một lần nữa thương lượng bất thành.

Kể từ đó đến nay chủ xe, tài xế lặn mất tăm, không một lời thăm hỏi. Phía cơ quan điều tra cũng không hề thông báo gì cho gia đình về việc giải quyết vụ TNGT.

Ngày 29-6, chúng tôi đến Cơ quan điều tra Công an Q.Bình Tân liên hệ gặp ông Hùng để tìm hiểu diễn tiến xử lý vụ TNGT. Bộ phận tiếp dân giữ lại giấy giới thiệu và cho số điện thoại một người tên Tuấn để liên lạc.

Đến chiều 1-7, trao đổi qua điện thoại, ông Tuấn (đội tham mưu tổng hợp) cho biết “vụ việc có thể không xử lý hình sự”. Hỏi lý do, ông Tuấn không trả lời.

Ngâm hồ sơ

Trưa 9-6, tại trạm thu phí số 1, tỉnh lộ 741 (Phú Giáo, Bình Dương), chúng tôi tận mắt chứng kiến một vụ TNGT kinh hoàng. Một xe ben của Becamex phóng như bay từ hướng Phú Giáo về Bến Cát, đến trạm thu phí thì mất thắng, đâm xéo sang bên kia đường. Sau khi “cắt” gọn một cabin thu phí, “hung thần” tông trực diện vào đầu một xe tải đang xếp hàng chờ mua vé qua trạm và chỉ chịu dừng khi đâm vào trụ bêtông bảo vệ an toàn.

Tai nạn khiến phụ xế xe tải gãy chân phải khá nặng. Về thiệt hại tài sản, phía trạm thu phí cho biết toàn bộ máy móc thiết bị chuyên dùng trị giá hơn 200 triệu đồng bị phá hủy. Gần một tháng trôi qua, trạm thu phí phải đóng cửa một làn, đồng thời gửi công văn đến Becamex, Công an Phú Giáo yêu cầu giải quyết vụ TNGT, giám định và bồi thường thiệt hại nhưng chưa thấy trả lời.

Tương tự, một vụ việc khác, theo tài liệu, khoảng 11g ngày 11-5, ông Phan Thân (ngụ Định Quán, Đồng Nai) đi xe đạp từ rẫy ra quốc lộ 20 (đoạn thuộc ấp 2/97, La Ngà, Định Quán) thì gặp nạn. Trong lúc ông Thân dắt xe đạp (phần đường bên phải) định băng qua đường, bất ngờ bị xe khách lưu thông từ hướng Đà Lạt về TP.HCM va quẹt té ngã xuống đường làm chấn thương sọ não, hôn mê.

Nạn nhân được chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy mổ cấp cứu. Sau mổ, ông Thân bị liệt nửa người, lúc tỉnh lúc mê. Cầm cự gần một tháng, gia đình buộc lòng phải chuyển ông Thân về Bệnh viện Thống Nhất (Đồng Nai) điều trị.

Chị Dương (con ông Thân) cho biết sau khi gây tai nạn, tài xế tên Thanh có tạt qua bệnh viện một hai lần rồi biệt tăm. Phía chủ xe hỗ trợ nhỏ giọt, không thấm vào đâu so với chi phí điều trị. Để chạy chữa cho ông Thân, vợ con ông phải bán sạch đồ đạc trong nhà (nhà ông Thân là diện nghèo ở địa phương), vay nóng.

Theo chị Dương, điều khiến gia đình bức xúc là từ khi xảy ra tai nạn đến nay, phía công an chưa một lần làm việc với gia đình về vụ TNGT cũng như tiến hành các thủ tục thương lượng, bồi thường. Trong khi đó theo tìm hiểu, chiếc xe gây tai nạn đã được Công an huyện Định Quán thả ra ngay sau đó.

“Tự xử”

11g45 ngày 23-6, trên quốc lộ 1A đoạn gần ngã tư Gò Dưa (Q.Thủ Đức, TP.HCM) xảy ra vụ TNGT giữa một xe ben và một xe tải. Tài xế xe tải gọi vào số máy của tổ xử lý TNGT đội CSGT Thủ Đức báo tin tai nạn. Đầu dây bên kia hỏi: “Hai bên tự thương lượng được không?”, tài xế nói tài xế xe ben bị thương nặng, đang đưa đi cấp cứu.

Một giờ trôi qua nhưng vẫn không thấy bóng dáng CSGT. Tài xế tiếp tục gọi vào số máy trên. Người trực điện thoại lại hỏi: “Người có bị sao không?”, tài xế thuật lại sơ bộ vụ việc và đề nghị CSGT ra xử lý vì có nguy cơ bị ùn tắc giao thông. Đầu dây bên kia cúp máy. Gần hai giờ sau khi xảy ra tai nạn, hai CSGT mới xuất hiện.

Sau khi hỏi qua loa vài câu, hai CSGT lên xe phóng đi (bỏ qua toàn bộ quy trình điều tra, xử lý TNGT). Ngay sau đó, hai bên liên quan đứng ra “tự xử”, giải quyết hậu quả, dọn dẹp hiện trường rồi đường ai nấy đi.

Anh H., chủ đoàn xe khách tuyến TP.HCM - Đà Lạt, cho biết khi TNGT xảy ra, chủ xe chủ động báo cho người quen ở đơn vị xử lý TNGT. Câu đầu tiên CSGT hỏi là: “Nặng hay nhẹ, tự thỏa thuận được không”?. Dù người bị nạn nặng đang thoi thóp nhưng chủ xe vẫn nói bừa chỉ bị trầy tí da, đã thương lượng xong. Sau khi được “bật đèn xanh”, chủ xe chỉ đạo người nhà, tài xế đưa người bị nạn đi cấp cứu rồi biến nhanh.

Khi hiện trường không còn thì việc xử lý hậu quả cũng nhẹ nhàng hơn. Nếu người bị nạn làm căng, chủ xe giở mặt “có ngon thì đi thưa”, không chịu bồi thường hoặc bồi thường theo kiểu bố thí.

Ông Tú, chủ xe khách chạy tuyến TP.HCM - Đà Nẵng, cũng cho biết khi TNGT xảy ra không ai muốn dính tới pháp luật, chỉ lo làm sao giải quyết hậu quả cho nhanh. Theo tính toán của ông Tú, nếu bị lập hồ sơ xử lý thì mức phạt đối với lỗi trực tiếp gây TNGT nhẹ nhất là 2,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 60 ngày, tiền “binh” giấy học luật (2-3 triệu đồng), đó là chưa kể tiền giữ xe (50.000-200.000 đồng/ngày), bồi dưỡng cán bộ xử lý... Nếu “tự xử”, chủ xe không phải mất các khoản tiền này.

Theo điều tra của Tuổi Trẻ, một số cán bộ xử lý TNGT có dấu hiệu bỏ qua nhiều quy trình xử lý, giải quyết vụ TNGT theo hướng nhanh, gọn và “nhiều bên cùng có lợi”. Nhiều vụ TNGT có dấu hiệu tội phạm (tỉ lệ thương tật trên 31%, thiệt hại tài sản trên 50 triệu đồng hoặc các dấu hiệu hình sự khác) đúng ra phải chuyển cơ quan điều tra thụ lý, nhưng sau đó chỉ xử lý hành chính vì người bị nạn từ chối giám định thương tật hoặc tự thương lượng, bồi thường.

Ép nạn nhân bãi nại

Thịnh, một “chuyên gia” giải quyết hậu quả TNGT của một doanh nghiệp xe khách, cho biết khi tiếp xúc gia đình người bị nạn, “chiêu” đầu tiên là than khóc, kể khổ và... năn nỉ viết giấy bãi nại, từ chối giám định thương tật.

Khi người bị nạn quyết “làm đến nơi đến chốn”, chủ xe chuyển sang phương án khác là “bỏ nhỏ” cán bộ xử lý nhờ tác động giúp. Nếu vẫn bất thành, cán bộ xử lý dùng “biện pháp nghiệp vụ” dọa nạt, vạch lỗi người bị nạn. Tiếp đó, chủ xe giở giọng bất cần “nếu thích thì ra tòa, mai mốt vào tù mà đòi tiền tài xế”.

Trước “viễn cảnh” mịt mờ đó, phía bị nạn đành đặt bút ký giấy bãi nại để nhận món tiền chẳng là bao so với sinh mạng, thương tật mà họ phải gánh chịu.

HOÀNG KHƯƠNG (còn tiếp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp