Để phần nào giải tỏa bức xúc đó, Quốc hội đã đưa vào Bộ luật lao động năm 2012 (BLLĐ), có hiệu lực từ ngày 1-5-2013 bốn điều có nội dung là: cấm quấy rối tình dục tại nơi làm việc (điều 8), người lao động bị quấy rối tình dục có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (điều 37), cấm người sử dụng lao động quấy rối tình dục đối với lao động là người giúp việc gia đình (điều 183) và người lao động giúp việc gia đình có nghĩa vụ tố cáo với cơ quan có thẩm quyền nếu người sử dụng lao động có hành vi quấy rối tình dục (điều 182). Thế nhưng thế nào là quấy rối tình dục; loại lời nói, hành động hay không hành động, cử chỉ nào bị xem là quấy rối tình dục thì pháp luật chưa quy định. Vì vậy nhiều cá nhân, tổ chức hiểu, phản ứng về việc này bất nhất, dẫn đến những tranh cãi triền miên và việc xử lý trở nên rối.
Có người dựa vào sự giải thích của từ điển tiếng Việt đại để cho rằng quấy rối tình dục là bất cứ lời nói, cử chỉ, hành động hay không hành động nào của người này mà khiến người khác phải nghĩ đến chuyện “dê”, “dâm”, “dục” hoặc nghĩ đến các bộ phận nhạy cảm của cơ thể người không đúng lúc, không đúng nơi, không đúng với hoàn cảnh... Có người lại cho rằng quấy rối tình dục là việc người này “sàm sỡ” người khác ở nơi làm việc nhưng không bao gồm hành vi hiếp dâm, cưỡng dâm... Cũng có những người hiểu quấy rối tình dục là “sàm sỡ” và cả hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô đối với trẻ em, giao cấu với trẻ em... Với cách hiểu đó thì tùy theo tính chất và mức độ quấy rối tình dục mà áp dụng các quy định pháp luật tương ứng nói trên của BLLĐ hoặc các điều từ 111-116 Bộ luật hình sự...
Với mong muốn những quy định mới mẻ nói trên của BLLĐ đi vào cuộc sống, đầu năm 2013 cơ quan dự thảo nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động đã đưa ra mức phạt 50-75 triệu đồng đối với hành vi quấy rối tình dục người lao động tại nơi làm việc và 5-10 triệu đồng đối với hành vi quấy rối tình dục lao động là người giúp việc gia đình. Tuy nhiên, do dự thảo này vẫn không đưa ra được định nghĩa thế nào là quấy rối tình dục nên dư luận rất băn khoăn, đề nghị khắc phục sự thiếu sót này. Ngày 22-8-2013, Chính phủ ban hành nghị định số 95/2013/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 10-10-2013) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội... nhưng vẫn không đề cập gì đến quấy rối tình dục. Thế là tuy BLLĐ đã cấm quấy rối tình dục nhưng khó có thể xử lý. Điều quan trọng nữa là người lao động nếu bị quấy rối tình dục cũng khó có thể được bảo vệ quyền lợi trước pháp luật.
Trước mắt, khi chưa có quy định pháp luật cụ thể hướng dẫn thực hiện các quy định nói trên của BLLĐ, để nâng cao vị thế, uy tín, tính kỷ luật của đơn vị mình, người sử dụng lao động và người lao động nên có sự thỏa thuận thống nhất, đưa ra quy định về loại lời nói, loại cử chỉ, loại hành động nào thì bị xem là quấy rối tình dục và bị cấm ở nơi làm việc. Nếu người lao động là nạn nhân thì có quyền dựa vào quy định đó để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nếu người lao động là thủ phạm thì bị kỷ luật theo nội quy lao động.
Về lâu dài, thiết nghĩ các điều luật nói trên của BLLĐ đã sinh ra thì phải được “quyền sống” và việc quấy rối tình dục phải được nghiêm trị. Vì thế đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm ban hành các quy định pháp luật cơ bản, cần thiết về vấn đề này. Đó cũng là cách thức hữu hiệu để các nạn nhân, cộng đồng nhận thức rõ ràng, xử sự đúng đắn, thực hiện được các quyền, nghĩa vụ luật định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận