11/04/2019 12:10 GMT+7

Xử lý người 'mua điểm' để có câu trả lời minh bạch cho công luận

N.V.HẢI
N.V.HẢI

TTO - Sau khi công bố một số trường hợp nâng điểm trong vụ án gian lận thi cử tại tỉnh Sơn La, Tuổi Trẻ Online nhận được hàng trăm ý kiến của bạn đọc cả nước bày tỏ bức xúc và thắc mắc bên 'mua điểm' sẽ bị xử lý thế nào.

Xử lý người mua điểm để có câu trả lời minh bạch cho công luận - Ảnh 1.

Công bố quyết định khởi tố đối với bà Nguyễn Thanh Nhàn (áo trắng bên phải), Phó trưởng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La - Ảnh: Công an tỉnh Sơn La

Trước hết, nói đến bên "" là liên quan đến hai đối tượng: người thụ hưởng - thí sinh và người thực hiện - các phụ huynh đã chi tiền, tác động để sửa điểm.

Đối với thí sinh được sửa nâng điểm, việc xử lý thực hiện theo Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT (năm 2018). Quy chế này tại Khoản 6, Điều 49 - Xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi, nêu rõ "hủy kết quả thi và lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét và xử lý theo quy định của pháp luật đối với những thí sinh vi phạm".

Quy chế năm 2018 từng được giới chuyên môn đánh giá là "mạnh mẽ, quyết liệt hơn" so với Quy chế năm 2017. Tuy nhiên, Quy chế năm 2017 đưa chế tài là "tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi trong hai năm tiếp theo đối với những thí sinh vi phạm" (Điều 49, khoản 6) thì đến Quy chế 2018, điều này lại "biến mất".

Còn đối với nhóm người lớn thực hiện hành vi "mua điểm" - có thể là "mua" bằng tiền hoặc sử dụng các mối quan hệ gia đình, họ hàng để "gây ảnh hưởng" tới người có chức vụ, quyền hạn để thực hiện việc sửa điểm.

Với trường hợp này, về mặt pháp lý, có thể xem xét xử lý về hành vi "đưa hối lộ" hoặc "lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi". Trục lợi ở đây là việc cải thiện điểm số thi THPT quốc gia cho con em họ nhằm tốt nghiệp THPT và trúng tuyển trường đại học, cao đẳng.

Trở lại hai vụ án gian lận thi cử tại Sơn La, Hà Giang, với diễn tiến hai vụ án tới nay, có thể phân ra các nhóm tác động sửa nâng điểm như sau.

Thứ nhất là nhóm trực tiếp tham gia sửa nâng điểm để hưởng lợi (có thể lợi ích bằng tiền, vật chất hoặc hứa hẹn cơ hội đề bạt, thăng tiến…). Đây hầu hết là số bị can trong bộ phậm chấm thi, bảo quản bài thi đã bị công an khởi tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Thứ hai là nhóm lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Trong vụ án gian lận thi cử tại Hà Giang, bà Triệu Thị Chính - Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh này, bị khởi tố về tội danh trên.

Bà Chính được xác định là người đưa danh sách 13 thí sinh được "nhờ vả" sửa điểm (hầu hết là con em lãnh đạo các sở ngành ở tỉnh) cho cán bộ Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng của Sở để xử lý, và sau đó đã 3 trường hợp đã được sửa nâng điểm.

Thứ ba là nhóm lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi, mà trường hợp ông Phạm Văn Khuông - Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, bị khởi tố điều tra là một ví dụ.

Ông Khuông có con dự thi năm 2018 và con ông nằm trong danh sách thí sinh được sửa nâng điểm của tỉnh Hà Giang. Hiện cơ quan công an đang làm rõ sự tác động của ông này đối với nhóm cán bộ chấm thi tại Sở GD-ĐT Hà Giang.

Trong vụ án gian lận thi cử tại Sơn La, được biết cơ quan điều tra đã xác định một danh sách dài những người liên quan tương ứng với nhóm thứ hai và nhóm thứ ba.

Ngày 11-4, Tuổi Trẻ Online đã công bố danh sách 12 thí sinh "dính" gian lận điểm thi là con em các cán bộ công tác trong ngành GD-ĐT tỉnh Sơn La (trong tổng số 44 trường hợp thí sinh gian lận thi cử của Sơn La).

Trong đó, có trường hợp con một phó giám đốc Sở GD-ĐT, em này điểm thi hai môn Sử - Địa là 9,5 và 9,5, nhưng khi chấm thẩm định thì điểm thực là 7,75 và 8,25, tổng điểm chênh lệch là 3.

Trường hợp khác là con chánh thanh tra Sở GD-ĐT, điểm thi ba môn Toán - Lý - Hóa là 9 - 9 - 9, nhưng điểm thực sau chấm thẩm định chỉ là 6,8 - 7 - 5,75, tổng điểm chênh lệch là 7,45.

Rồi một thí sinh là con của trưởng Phòng Giáo dục trung học của Sở GD-ĐT có điểm thi Toán - Ngoại ngữ là 9,6 - 9,6, nhưng điểm thực sau chấm thẩm định là 7 - 7,4, tổng chênh lệch 4,8 điểm…

Những trường hợp ông bố, bà mẹ trên liên quan đến việc sửa nâng điểm của con em mình như thế nào?

Thiết nghĩ, giống như trường hợp Hà Giang đã và đang làm, tỉnh Sơn La cũng cần phải chỉ đạo khởi tố điều tra tới cùng để xem những ông bố, bà mẹ "có máu mặt" tại địa phương đã chi tiền hoặc gây ảnh hưởng như thế nào đến việc sửa điểm thi của con em mình.

Qua đó, có một câu trả lời minh bạch cho công luận và sĩ tử cả nước trước mùa thi và tuyển sinh 2019.

Hai phó giám đốc Sở GD-ĐT bị khởi tố

TTO - Trong hai phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang vừa bị khởi tố, một người có con được sửa điểm thi, một người thì chuyển danh sách 13 thí sinh có sự 'nhờ vả' cho Phòng khảo thí xử lý.

N.V.HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp