Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn - Ảnh: XUÂN LONG |
Ông Tuấn cho biết việc bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đang đứng trước những thách thức ghê gớm.
“Ở một số địa phương, tình hình phá rừng, nhất là phá rừng lấy đất còn diễn biến phức tạp. Do vậy, chúng ta thấy rõ hơn những khó khăn phức tạp, tiếp tục phải làm đồng bộ, quyết liệt hơn” - ông Tuấn nói.
Trả lời câu hỏi của báo chí trước việc phá rừng phòng hộ làm dự án khách sạn, resort ở tỉnh Phú Yên khi chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý, giải pháp nào để không xảy ra tình trạng như vậy, ông Tuấn thừa nhận vừa qua, dư luận báo chí rất bức xúc vì ở một số nơi có việc chuyển mục đích sử dụng rừng, nhất là rừng phòng hộ trước nhu cầu phát triển kinh tế nhưng chưa theo quy định của pháp luật”.
Với vụ phá rừng cụ thể ở Phú Yên, ông Tuấn cho biết sau khi có thông tin, Bộ NN&PTNT đã kiểm tra, tổ chức đoàn thanh tra.
Theo ông Tuấn, ở Phú Yên có rất nhiều dự án lấy đất rừng. Vì vậy, sau quá trình thanh tra, kiểm tra sẽ công bố chính thức mức độ vi phạm.
“Tinh thần chúng tôi đảm bảo rằng việc kiểm tra, thanh tra sẽ xử lý nghiêm theo thẩm quyền của Bộ. Nếu thuộc thẩm quyền của địa phương sẽ đề nghị địa phương xử lý. Nếu vượt thẩm quyền sẽ báo cáo Chính phủ chỉ đạo xử lý” - ông Tuấn nói.
Trước đó, quán triệt về chỉ thị của Ban Bí thư với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, ông Nguyễn Quốc Trị, phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, Ban Bí thư đã nhận định công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, nhất là đối với rừng tự nhiên vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp. Diện tích rừng phòng hộ liên tục giảm qua các năm.
Nhiều dự án phát triển kinh tế như thủy điện, khai thác khoáng sản, dịch vụ du lịch chưa chú trọng đến bảo vệ, phát triển rừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, làm giảm chất lượng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên.
Tương tự, việc chuyển đổi rừng tự nhiên, rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, sản xuất nông nghiệp chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Theo ông Trị, trước thực trạng đó, Ban Bí thư chỉ thị phải khẩn trương rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ.
Đặc biệt, phải có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án phát triển thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch.
“Kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất với các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có vi phạm, hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân vùng dự án. Đồng thời thời xử lý nghiêm, công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm trong thẩm định, cấp phép đầu tư các dự án lấy đất rừng có vi phạm” - ông Trị nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận