Ông Trần Thanh Thành - nhân vật trong bài viết "Đòi 15.000 USD mới có giấy phép" bên khung xưởng chuẩn bị thành lập công ty - Ảnh: Thanh Tùng |
Liên quan đến bài viết Đòi 15.000 USD mới có giấy phép đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 26-10 phản ánh cụ thể trường hợp ông Peng Jung Min, người Đài Loan, xin cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng lại bị đòi chung chi, nhũng nhiễu, chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân vừa có văn bản gửi giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) TP.
Xử lý nghiêm cá nhân có sai phạm
Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở KH-ĐT khẩn trương kiểm tra nội dung mà bài báo Tuổi Trẻ phản ánh.
“Nếu có đủ chứng cứ, cơ sở thì phải xử lý nghiêm những cá nhân sai phạm, không để ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, chính sách thu hút đầu tư TP.HCM”, văn bản nêu ý kiến chỉ đạo của ông Lê Hoàng Quân.
Ông Lê Hoàng Quân cũng yêu cầu lãnh đạo Sở KH-ĐT TP nghiêm túc thực hiện chỉ đạo trước đó về giải quyết đơn đề nghị của ông Trần Thanh Thành (nhân vật trong bài viết trên - PV), khẩn trương trả lời bức xúc, vướng mắc cho nhà đầu tư theo quy định.
Toàn bộ yêu cầu này phải được thực hiện và báo cáo kết quả xử lý trước ngày 5-11.
Trước đó ngày 2-10, chủ tịch UBND TP.HCM đã có ý kiến chỉ đạo Sở KH-ĐT TP chủ trì làm việc với các cơ quan liên quan giải quyết theo quy định, trả lời cho ông Thành và yêu cầu báo cáo UBND TP trước ngày 15-10.
Tuy nhiên, cho đến khi bài báo trên được đăng vào ngày 26-10, ông Thành vẫn chưa nhận được câu trả lời của Sở KH-ĐT TP.
Tiêu cực do pháp luật không rõ ràng
Về việc Công ty KST International Holdings Ltd liên quan đến bài viết trên được thành lập tại quần đảo Virgin thuộc Anh (British Virgin Island - BVI) xin phép để hoạt động thuộc lĩnh vực thương mại, ông Nguyễn Xuân Thủy - cộng sự cao cấp của Công ty luật TNHH LNT & thành viên cho biết tiêu cực phát sinh do quy định pháp luật không rõ ràng.
Cụ thể, công ty này hoạt động lĩnh vực xuất nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam, hiện đang là một trong các lĩnh vực có sức hút mạnh mẽ đối với những nhà đầu tư nước ngoài.
Theo nghị định 23/2007/NĐ-CP, chỉ có các nhà đầu tư đến từ những quốc gia là thành viên WTO mới được cấp phép cho các hoạt động này.
Tuy nhiên, BVI chỉ là vùng lãnh thổ thì được điều chỉnh bởi nghị định 108/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật đầu tư 2005. Theo đó, tùy trường hợp cụ thể mà việc xem xét cấp phép được lãnh đạo Bộ Công thương có quyền đồng ý hoặc không.
Hiện tại để được Bộ Công thương chấp thuận cho các hồ sơ mà nhà đầu tư đến từ vùng lãnh thổ không là thành viên WTO thì các tiêu chí sau (luật không quy định) sẽ được xem xét:
khả năng tài chính của nhà đầu tư (chứng minh bằng báo cáo tài chính, xác nhận ngân hàng); kinh nghiệm của nhà đầu tư (chứng minh bằng các hợp đồng xuất nhập khẩu, mua bán quốc tế mà nhà đầu tư có, các dự án hiện hữu tại Việt Nam hoặc kinh nghiệm từ cổ đông của nhà đầu tư hoặc người điều hành của công ty sẽ được lập);
Tính hiệu quả của dự án theo báo cáo khả thi của dự án; nhu cầu thị trường đối với sản phẩm sẽ kinh doanh; sản phẩm kinh doanh có thuộc mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu theo quy định hay không, có thuộc diện quản lý chuyên ngành hay không.
Điều đáng nói là do luật không quy định tiêu chí nào để đồng ý hay không nên có thể tạo ra cơ chế xin cho - phát sinh tiêu cực.
Hiện dự thảo thay thế nghị định 108/2006/NĐ-CP được xem xét sẽ sửa đổi theo hướng “Nhà đầu tư nước ngoài thuộc vùng lãnh thổ không phải là thành viên WTO thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam được áp dụng điều kiện đầu tư như quy định đối với nhà đầu tư thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên WTO.
Trừ trường hợp pháp luật và điều ước quốc tế giữa Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ đó có quy định khác”.
Nếu như quy định mới được sửa đổi như thế thì các điều kiện hồ sơ cấp phép với các doanh nghiệp FDI thuộc vùng lãnh thổ không phải là thành viên WTO như BVI vẫn được đối xử bình đẳng, rõ ràng như các doanh nghiệp khác, không còn tình trạng xin cho có thể phát sinh tiêu cực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận