Phóng to |
Người dân bàng hoàng khi phát hiện một thi thể trẻ sơ sinh bị vứt bỏ tại phường Tân Định, quận 1 TP.HCM - Ảnh: Yến Trinh |
Trong các vụ vứt bỏ con mới sinh trên, nhiều vụ việc trẻ may mắn được cứu sống nhờ người khác vô tình phát hiện (như tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Đau lòng là có những vụ khi phát hiện được thì đứa trẻ đã tử vong (tại quận 1, TP.HCM). Về khía cạnh đạo đức, hành vi vứt bỏ con ruột của mình là không thể chấp nhận được. Về luật pháp, theo các luật sư thì đây được xem là hành vi nguy hiểm cho xã hội, được luật định nhiều chế tài nghiêm khắc.
Luật sư Trương Xuân Tám, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:
Có thể xử lý hình sự về tội “giết con mới đẻ”
Đứa trẻ sinh ra khỏi bào thai, tự thở được là một con người, cần được đảm bảo đầy đủ các quyền con người. Vì thế, người mẹ dù là người mang thai, sinh ra trẻ nhưng cũng không có quyền tước đi mạng sống của con mình. Theo quy định của pháp luật, hành vi này là nguy hiểm cho xã hội, phải được xử lý nghiêm.
Điều 94 Bộ luật hình sự quy định về “Tội giết con mới đẻ” như sau: “Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ đó dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”
Có thể nói điều luật trên đã xem xét nhiều đến hoàn cảnh, trách nhiệm của người mẹ này. Chỉ trong trường hợp người mẹ cố tình giết con (bóp mũi, chặn đường thở, chôn sống…) hoặc để mặc cho trẻ trong tình trạng nguy hiểm (có khả năng bị động vật cắn chết, chết đói, chết lạnh…) dẫn đến hậu quả là trẻ chết thì mới bị xử lý hình sự. Trước đến nay hầu như chưa có trường hợp nào người mẹ bị xử lý hình sự.Trường hợp bỏ con, vứt con nhưng đứa trẻ may mắn được người khác cứu sống (như trường hợp ở Cần Thơ) tuy cũng là hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng không cần xử lý hình sự. Dù vậy, cũng cần phải bị xử phạt nghiêm khắc theo quy định để phòng ngừa những vụ việc tương tự.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Đoàn luật sư TP.HCM:
Trẻ được cứu sống cũng cần xử phạt người mẹ
Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989. Công ước nhấn mạnh trẻ em là đối tượng được hưởng các quyền chăm sóc đặc biệt.Gần 23 năm thực hiện công ước, trẻ em Việt Nam đã được hưởng những quyền cơ bản, được chăm sóc, giáo dục và được quyền sống một cuộc sống hạnh phúc. Tuy nhiên ở đâu đó trong xã hội đôi khi vì những hoàn cảnh khách quan hay chỉ vì một phút nông nổi mà các đấng sinh thành đã nhẫn tâm vứt bỏ một phần máu thịt của mình. Đó lành hành vi đáng bị lên án và trừng phạt nghiêm khắc.
Người ta giải thích cho hành vi của mình với nhiều lý do như thiếu hiểu biết, thiếu suy nghĩ và lý do nhiều nhất được đưa ra đó là do hoàn cảnh khách quan. Có thể do người mẹ còn chưa đủ tuổi trưởng thành, có thể do hoàn cảnh gia đình khó khăn và cũng có thể em bé bị bệnh hiểm nghèo…Những hoàn cảnh ấy suy cho cùng cũng bởi chúng ta đang sống trong một xã hội phải đánh đổi giữa các giá trị kinh tế, văn hóa và đạo đức.
Về quy định của pháp luật, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Hôn nhân và gia đình đã có quy định rõ về nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục của ông, bà, cha, mẹ, người giám hộ… đối với con cái. Đối với hành vi ngược đãi, bỏ rơi trẻ thì pháp luật hành chính và hình sự đều có những chế tài nghiêm khắc, cần phải được áp dụng, xử lý triệt để. Trường hợp vứt bỏ con mới đẻ chưa đến mức bị xử lý hình sự theo điều 94 Bộ luật hình sự thì cũng có thể bị xử phạt hành chính.
Theo Nghị định 91/2011/NĐ-CP ngày 17/10/2011 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, việc người mẹ sau khi sinh bỏ con không chăm sóc thì có thể bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng. Để hạn chế được tình trạng trẻ sơ sinh bị vứt bỏ không thương tiếc, trước hết cần tác động đến lương tri của những bậc sinh thành, bên cạnh đó cũng cần xử lý nghiêm.
Mỗi trẻ em sinh ra không chỉ mang đến niềm hạnh phúc cho cha mẹ mà còn là niềm vui đối với xã hội. Do đó bên cạnh tình yêu thương giành cho trẻ chúng ta cũng cần được phổ biến các quy định của pháp luật về quyền của trẻ em và nghĩa vụ của cha mẹ. Một trong những vấn đề quan trọng nữa phải làm là hạn chế lối sống lệch lạc, các tệ nạn trong xã hội đối với trẻ vị thành niên. Người mẹ khi mang thai cần được trang bị kiến thức và được quan tâm động viên.
PGS.TS Trần Tuấn Lộ - Trưởng Bộ môn tâm lý học Đại học Văn Hiến Người mẹ trong cơn khủng hoảng cần được chia xẻ kịp thời Là người mẹ mà lại giết chết con mình là một hành động trái với qui luật và bản năng. Khi sinh con, con vật cũng có bản năng bảo vệ và nuôi đứa con của mình. Động vật còn như thế, huống chi con người. Người phụ nữ khi mang thai, sinh con không chỉ có bản năng như động vật mà còn có ý thức làm mẹ và tình cảm của người mẹ đối với con. Bà mẹ giết con sau khi sinh là trái với qui luật bản năng và qui luật tình cảm của con người. Có hai trường hợp xảy ra. Một là, người mẹ đó bị bệnh tâm thần, họ không ý thức được việc mình làm. Khi ý thức của người mẹ đó bị rối loạn, xuất hiện cơn bệnh tâm thần. Họ không tỉnh táo nên có những suy nghĩ, hành động bất thường và gây ra những hành vi đáng tiếc. Trường hợp thứ hai, người mẹ hoàn toàn bình thường nhưng trong một hoàn cảnh, tình huống đặc biệt nào đó làm cho người mẹ bị khủng hoảng tâm lý, khủng hoảng tinh thần đã đẩy họ đến sai lầm trong hành động. Một số khủng hoảng mà người mẹ thường gặp là: người mẹ cho rằng việc mình có thai và sinh ra đứa con thì bị coi là phạm tội xấu xa, xấu hổ nào đó nên họ không dám cho ai biết và muốn giấu điều đó đi. Vì hoàn cảnh, những người mẹ này không có cách nào khác để giấu mặc cảm tội lỗi và họ chết giết đứa con cũng vì khủng hoảng tinh thần và mặc cảm tội lỗi. Thứ nữa là người mẹ giết con do sai lầm về suy nghĩ, thường là để trả thù một ai đó. Người mẹ này thường có suy nghĩ nếu giết chết đứa bé ấy đi thì họ sẽ gây ra được nỗi đau đớn, thống khổ người mình muốn trả thù như là người chồng, người yêu bội bạc đã làm cho họ có thai nhưng vô trách nhiệm, không thừa nhận đứa con. Việc bị bội bạc làm cho người mẹ phẫn uất và có suy nghĩ giết chết đứa con để người yêu hay người chồng bội bạc đau khổ, dằn vặt. Trong cơn khủng hoảng tâm lý, những người mẹ thuộc dạng này sẽ có suy nghĩ và hành động sai lầm như vậy. Cũng có trường hợp khác là người mẹ rơi vào bước đường cùng, có suy nghĩ mình không thể nuôi nổi con, “thì thôi cho nó chết đi”. Có những người mẹ sống trong hoàn cảnh không chia xẻ được những suy nghĩ, tâm tư, búc xúc của mình với ai nên dễ dẫn đến những hành động tội lỗi. Nếu có người để chia xẻ, giúp họ nói ra những bức xúc, những ý nghĩ tội lỗi, có người giúp giải quyết những khúc mắc trong lòng cho người mẹ ấy tỉnh ngộ, sẽ không đi đến hành động giết con! Nếu người mẹ sống khép kín, không quan hệ với ai để bày tỏ thì những suy nghĩ sai lầm cứ nung nấu trong người ngày càng nhiều, càng sâu hơn, đến một lúc nào đó sẽ đi đến hành động. Vì thế, nếu người mẹ ấy được sống trong một cộng đồng biết quan tâm tới nhau thì sẽ có người chủ động tìm đến giúp đỡ, chia sẻ. Những người có bức xúc, suy nghĩ tiêu cực nếu được giúp đỡ kịp thời cũng sẽ ngăn chặn được những hành động tội lỗi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận