05/10/2010 12:25 GMT+7

Xử lý khi hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu

huy vu (hongxiem_chin300@... )
huy vu (hongxiem_chin300@... )

TTO - * Gia đình tôi (gồm 5 người: bố, mẹ, bà nội, chị gái tôi và tôi) được quyền sử dụng diện tích 800m2 đất, sổ đỏ hộ gia đình cấp năm 2000. Năm 2003 bố tôi và bà nội tôi ký tên vào hợp đồng chuyển nhượng, theo đó, chuyển nhượng cho ông A. một phần diện tích 350m2.

Khi đó, mẹ, chị tôi và tôi không biết cũng không ký vào hợp đồng. Sau khi nhận chuyển nhượng, ông A. tiến hành sang tên và được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 350m2. Ông A. đã xây nhà kiên cố, xây tường bao, cổng và trồng cây.

Nay, mẹ, chị tôi và tôi khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng này. Xin hỏi, hợp đồng này có vô hiệu không? Nếu vô hiệu thì do vi phạm về hình thức hay lừa dối?

Về phần tài sản ông A. đã tạo lập trên đất thì mẹ, chị tôi và tôi có phải thanh toán cho ông A. không? Liệu có cách nào để chứng minh lỗi của ông A., bố tôi và bà tôi? Nếu chứng minh được thì sẽ xử lý tài sản này thế nào?

Xin cảm ơn luật sư.

- Luật sư Nguyễn Văn Hậu trả lời:

Theo Điều 109 Bộ luật dân sự, các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ gia đình theo phương thức thỏa thuận. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý.

Theo đó, nếu quyền sử dụng đất trên là tài sản chung của hộ gia đình (gồm bà nội, bố, mẹ, chị của bạn và bạn) và khi xác lập hợp đồng chuyển nhượng một phần diện tích đất thuộc QSDĐ chung của hộ gia đình nêu trên, chỉ có bà nội và ba của bạn thực hiện mà không được sự đồng ý của các thành viên từ đủ 15 tuổi còn lại thì hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ trên sẽ không có giá trị.

Sau khi vụ việc đã được hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất, các thành viên còn lại của hộ gia đình bạn có quyền gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất để yêu cầu Tòa án tuyên Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ nêu trên vô hiệu do không tuân thủ quy định tại Điều 109 Bộ luật dân sự.

Tùy theo các bằng chứng của hai bên cung cấp và tình hình thực tế, Tòa án sẽ tuyên hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ nêu trên vô hiệu, vô hiệu một phần hoặc không bị vô hiệu.

Bạn cần lưu ý là hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ nêu trên chỉ bị vô hiệu về mặt hình thức nếu không tuân thủ quy định của pháp luật khi xác lập giữa hai bên (phải được chứng thực tại UBND cấp xã hoặc công chứng tại Phòng công chứng).

Việc yêu cầu Tòa án tuyên hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ trên vô hiệu do lừa dối phải do một trong hai bên giao dịch yêu cầu vì “lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó”.

Theo Điều 137 Bộ luật dân sự, giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập; các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật.

Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề nhà đất, thủ tục giấy tờ liên quan đến sổ đỏ, sổ hồng... hoặc bài vở cộng tác, bạn đọc gửi về mục "Tư vấn nhà đất" hoặc "Địa ốc" tại địa chỉ: [email protected].

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

Địa ốc Tuổi Trẻ Online

huy vu (hongxiem_chin300@... )
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp