Bùn thải thu gom từ cống rãnh được đem về đổ ô lưu chứa, chờ xử lý bên trong Công ty Sài Gòn Xanh - Ảnh: Đ.PHÚ
Suốt hơn 3 năm qua, TP.HCM đã chi ra hàng trăm tỉ đồng để xử lý bùn thải.
Chi hàng trăm tỉ đồng
Công ty Sài Gòn Xanh cho biết từ năm 2014 đến nay, đơn vị này đã tiếp nhận hơn 705.000 tấn bùn thải được nạo vét từ các cống rãnh trên toàn địa bàn đưa đi xử lý, trong đó có khoảng 350.000 tấn không qua xử lý mà dùng để san lấp mặt bằng.
Như vậy với đơn giá tạm tính đã được UBND TP.HCM phê duyệt là 1,3 triệu đồng/tấn, số tiền mà ngân sách TP phải chi ra để xử lý bùn thải gần 4 năm qua là hơn 460 tỉ đồng.
Tuy nhiên, do đơn giá tạm tính nên tạm thời ngân sách chi trả khoảng 70% chi phí xử lý nói trên.
Trước thời điểm 2013, việc xử lý bùn thải được giao cho Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TP.HCM và từ năm 2014 trở đi giao lại cho Công ty Sài Gòn Xanh.
Theo quy hoạch đến năm 2025, TP.HCM có tới 12 nhà máy xử lý nước thải, nhưng hiện chỉ có 2 nhà máy xử lý nước thải là Bình Hưng và Bình Hưng Hòa phát sinh bùn thải 30-40 tấn/ngày.
Nếu tính cả 12 nhà máy nước thải, dự kiến lượng bùn phát sinh lên đến hàng trăm tấn/ngày. Đó là chưa kể số lượng bùn thải phát sinh từ công tác duy tu nạo vét cống rãnh, bùn nạo vét các dự án chống ngập, cải thiện môi trường...
Quy trình sàng lọc đất sạch - một công đoạn tái chế bùn thải tại Công ty Sài Gòn Xanh - Ảnh: Q.KHẢI
Không phải lỗi công ty
Văn bản của Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM đề xuất với UBND TP.HCM đơn giá xử lý bùn không vượt quá 1,3 triệu đồng/tấn, nhưng sau đó UBND TP.HCM có văn bản (do phó chủ tịch UBND TP lúc bấy giờ là ông Nguyễn Hữu Tín ký) lại đồng ý đơn giá xử lý bùn tạm tính là 1,3 triệu đồng/tấn, cao hơn mức giá đề xuất của Công ty Sài Gòn Xanh 50.000 đồng/tấn và mức giá tạm tính này được giữ nguyên trong nhiều năm qua.
Xác nhận vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thảo - tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Xanh - cho biết ngay từ đầu doanh nghiệp chỉ đề xuất giá 1,25 triệu đồng, nhưng sau đó lại được duyệt 1,3 triệu. "Vấn đề này không phải lỗi ở công ty" - ông Thảo nói.
Ông Thảo nhìn nhận: tùy theo tính chất của từng loại bùn mà có những đơn giá khác nhau "sẽ hợp lý hơn".
Ví dụ như bùn nạo vét từ kênh rạch không ô nhiễm, không cần xử lý nhiều, có thể dùng để san lấp thì giá xử lý có thể ở mức 180.000 đồng/tấn, thay vì "tất cả bùn thải quy về một giá như hiện nay".
Cũng theo ông Thảo, đơn vị đã xây dựng đơn giá mới dựa trên các yếu tố như: quy trình công nghệ đang sử dụng, tính chất từng loại bùn cộng với nguồn thu từ việc bán các sản phẩm tái chế.
Do vậy, theo ông Thảo, xu hướng là giá xử lý bùn sẽ giảm hơn so với trước đây. "Hiện đề xuất đơn giá mới đã được trình các sở ban ngành TP thẩm định, hi vọng giá mới sẽ có trong năm nay để doanh nghiệp yên tâm" - ông Thảo cho biết.
Đại diện Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TP cho biết đơn vị này đang lập một dự án xử lý bùn thải với công suất lên đến 50.000 tấn/năm bằng công nghệ đốt plasma.
Sản phẩm thu được là tro, cát khô... dùng san lấp, sản xuất gạch không nung, bó vỉa... với đơn giá đề xuất xử lý 1,2 triệu đồng/tấn bùn.
Giá xử lý bùn thải quá cao
Theo TS Phạm Viết Thuận - viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường, việc áp dụng đơn giá xử lý bùn tạm tính trong một thời gian dài là không phù hợp với Luật ngân sách.
"Việc lập đơn giá tạm tính không được kéo dài quá một năm, nếu sau một năm vẫn chưa có đơn giá chính thức thì buộc phải làm lại đơn giá tạm tính mới".
Cũng theo ông Thuận, quy trình xử lý bùn thải, rác sinh hoạt thành phân compost cơ bản giống nhau. Thậm chí quy trình xử lý rác thành phân còn phức tạp hơn xử lý bùn.
Hiện đơn giá áp dụng cho xử lý rác thành phân compost chỉ tầm 20 USD/tấn (khoảng 450.000 đồng/tấn), trong khi đơn giá áp dụng cho xử lý bùn thải tới 1,3 triệu đồng, gấp 3 lần, như thế là quá cao.
Đó là chưa kể đơn giá này chưa tính đến sản phẩm phụ thu rất lớn từ quá trình xử lý bùn thành phân, đất sạch...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận