Một bị cáo bị xét xử trong vụ án dâm ô trẻ em tại TP Vũng Tàu - Ảnh tư liệu
Có những vụ án mà do sơ sót của khâu điều tra dẫn đến sai sót về tố tụng nhưng bản chất vụ án không thay đổi.
Ông Lê Minh Đức (kiểm sát viên Viện KSND TP.HCM)
"Trẻ em thì không ý thức được vấn đề nghiêm trọng của sự việc, lại bị đe dọa, uy hiếp nên đưa ra lời khai có thể chưa đúng. Bởi vậy, việc xử lý án xâm hại tình dục trẻ em cần các điều tra viên giỏi kỹ năng và có tâm" - bà Việt nói trong buổi hội thảo góp ý cho 2 cuốn sổ tay điều tra viên và sổ tay kiểm sát viên trong việc xử lý án xâm hại tình dục trẻ em, vừa diễn ra tại TP.HCM.
Chuyện một công an viên có tâm
Bà Việt kể: Cha mẹ của bé thuê nhà trọ ở quận Thủ Đức. Ba đi làm, còn mẹ ở nhà trông bé chị 2 tuổi và bé em mới vài tháng. Bữa đó, mẹ đang đút cơm cho bé chị ở ngoài. Khi đang ăn cơm thì bé em trong nhà khóc nên mẹ đặt tô cơm xuống cạnh bé chị rồi chạy vào dỗ bé em. Lúc sau quay ra thì chỉ thấy tô cơm mà không thấy con đâu nên bà hớt hải chạy đi tìm và báo công an.
Người công an trực ban tên Tuấn Anh, sau khi tiếp nhận thông tin đã lập tức cùng nhiều người khác đi tìm. Sau đó, mọi người bắt gặp một thanh niên đang bế em bé máu chảy nhiều, hỏi thì người này trả lời đang bế bé về trả cho mẹ.
Sau đó, thanh niên bị giữ lại, còn anh Tuấn Anh lấy xe máy chở bé và mẹ vào bệnh viện. Biết hoàn cảnh cha mẹ em bé khó khăn, Tuấn Anh gọi điện thoại cho vợ mang 6 triệu đồng đến bệnh viện để tạm đóng án phí cho bé. Sau đó, vụ án đã được tòa đưa ra xét xử với hình phạt thích đáng đối với hung thủ hiếp dâm.
"Tôi còn nhớ cậu ấy tên là Tuấn Anh, nếu tất cả những người xử lý tin báo tố giác tội phạm đều có trách nhiệm và tận tâm như cậu ấy thì sẽ không có những vụ việc kéo dài thời hạn điều tra hoặc không xử lý được vì bị mất chứng cứ" - bà Việt nói.
Bà Việt cho rằng người tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm và hướng dẫn người dân viết đơn tố cáo phải hết sức thận trọng và lưu ý từng chi tiết nhỏ, để tránh xảy ra những tranh cãi không cần thiết.
Bà Việt cũng lưu ý, chứng cứ ban đầu rất quan trọng, do đó cần phải xác định chính xác tên tuổi để có hoạt động tố tụng theo đúng quy định của pháp luật.
Bà Việt kể một vụ án khác: Nhà có đứa bé gái 9 tuổi, cha mẹ cho chơi máy tính bảng. Vậy nên, một lần người cậu nhìn thấy cháu đang xem phim sex mới hốt hoảng báo cho mẹ biết. Người mẹ mới tá hỏa hỏi sao con xem phim này thì đứa bé đưa ra một tờ giấy nói do ông Tư xe ôm (ngoài đầu hẻm) viết tên trang web chỉ cho xem. Người mẹ tức giận cầm tờ giấy sang chửi ông Tư. Thấy vậy, ông Tư cướp tờ giấy xé đi, thế là không còn bằng chứng nào nữa.
Kể lại câu chuyện này, bà Việt nói rằng việc lưu giữ bằng chứng là quan trọng, đôi khi nó là bằng chứng duy nhất liên quan đến vụ án nhưng do người dân không hiểu biết nên đã hủy mất.
Cần thay đổi nhận thức và hành vi ứng xử
Trao đổi tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Chung - viện trưởng Viện KSND quận 8, TP.HCM - cho rằng do yếu tố văn hóa của Việt Nam còn quá đậm. Ví dụ như các hành vi ôm hôn em bé phần lớn là thể hiện tình cảm yêu thương, nên cũng cần phải lưu ý những thói quen này trước khi đánh giá đây là hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
Tuy nhiên, ngay sau ý kiến của ông Chung, đại diện Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) đã nêu ngay lập tức ra 2 ví dụ liên quan đến pháp luật của quốc gia châu Á khác là Trung Quốc và Hàn Quốc đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Câu chuyện thứ nhất: Một đoàn cán bộ Việt Nam đi công tác ở Trung Quốc. Tại sân bay, thấy một em bé dễ thương nên một vị trong đoàn đã chạy đến ôm hôn, khiến bé khóc ré lên. Ngay lập tức, an ninh tại sân bay có mặt và bắt giữ vị khách này về hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
Câu chuyện thứ hai: Một đoàn cán bộ đi công tác đến Hàn Quốc. Tại đây, một người trong đoàn có hành vi sờ mông, sờ đùi một phụ nữ Hàn Quốc. Ngay sau đó, người này đã bị giữ lại và cơ quan công tố Hàn Quốc đã quyết truy tố hành vi quấy rối tình dục. Sau đó, đoàn Việt Nam đã vận dụng các quan hệ để người đó không phải ra tòa.
Kể lại hai câu chuyện trên, đại diện của UNODC cho rằng về văn hóa Á Đông thì Trung Quốc và Hàn Quốc là hai quốc gia có "nền văn hóa sâu đậm", nhưng họ đã thay đổi để bảo vệ tốt nhất cho phụ nữ và trẻ em.
"Văn hóa không phải là yếu tố bất biến mà nó thay đổi nếu điều đó xâm hại đến nhân phẩm hay nhân quyền của con người. Việc thay đổi là cần thiết bởi trẻ em không thể tự bảo vệ mình, do đó luật pháp cần quy định rõ ràng để bảo vệ trẻ" - vị này phát biểu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận