Theo bác sĩ của bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, nếu được xử lý ban đầu đúng cách, triệu chứng giảm tức thì sẽ giúp tổn thương nhanh hồi phục. Ngược lại, việc điều trị sai cách có thể khiến vết thương trầm trọng hơn, gây nhiễm trùng, ảnh hưởng đến chức năng của khớp, khó khăn trong điều trị và vận động, sinh hoạt.
Nhằm giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về cách xử trí chấn thương phần mềm, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) phối hợp với Công ty TNHH Sanofi-Aventis Việt Nam thực hiện chương trình tư vấn Hỏi để khoẻ hơn với chủ đề "Xử lý phù nề, vết bầm do chấn thương phần mềm và nhu cầu điều trị" trên trang Fanpage và Youtube của Bệnh viện, theo dõi tại link: https://youtube.com/uS5RC0TAmfM .
Buổi tư vấn trực tuyến sẽ mang đến nhiều thông tin, kiến thức bổ ích cho người dân - Ảnh: BV
Chương trình cung cấp kiến thức về vai trò của phản ứng viêm, nguyên nhân gây đau và phương pháp điều trị sau chấn thương. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng hướng dẫn chườm lạnh, chườm nóng đúng cách cùng những lưu ý trong điều trị chấn thương phần mềm bằng các loại thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm.
Chuỗi chương trình tư vấn trực tuyến Hỏi để khoẻ hơn được thực hiện nhằm cung cấp thông tin sức khỏe chính thống từ các chuyên gia, hỗ trợ giải đáp thắc mắc, nâng cao hiểu biết của cộng đồng về các bệnh lý không lây nhiễm phổ biến tại Việt Nam.
Chương trình mang đến những thông tin bổ ích, có tính cập nhật cao với sự tham gia tư vấn của các bác sĩ, chuyên gia hàng đầu tại BV ĐHYD TPHCM về các lĩnh vực tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư trực tràng, ung thư vú… Chương trình được phát sóng trên kênh truyền thông chính thức của Bệnh viện như: Facebook, Youtube, Website, Zalo…
Số liệu ghi nhận tại BV ĐHYD TPHCM cho thấy, mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận 20 - 30 ca nhập viện điều trị do chấn thương. Trong trường hợp nhẹ, người bệnh được điều trị nội khoa và hướng dẫn chăm sóc vết thương tại nhà. Tuy nhiên ở trường hợp nặng, người bệnh cần phải nhập viện theo dõi, có trường hợp được chỉ định phẫu thuật.
Điển hình, BV ĐHYD TPHCM tiếp nhận điều trị cho anh N.M.K. (42 tuổi, ngụ tại TPHCM). Anh K. được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng nhiễm trùng phần mềm, hoại tử một phần da chân phải. Trước đó, anh K. bị tai nạn giao thông, chân phải bị rách một đường dài, chảy máu nhiều, được đưa vào sơ cứu tại trạm y tế địa phương. Do không được khử trùng triệt để trước khi khâu vết thương, cùng việc tự ý sử dụng dầu nóng để giảm đau, chân của anh K. bị sưng to, nhiễm trùng dẫn đến hoại tử, phải tiến hành phẫu thuật cắt lọc và ghép da để điều trị vết thương.
Sau phẫu thuật, anh K. phục hồi tốt, được hướng dẫn cách thay băng, chăm sóc vết thương tại nhà và tái khám đúng lịch.Theo PGS TS BS. Bùi Hồng Thiên Khanh – Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình BV ĐHYD TPHCM, khi bị chấn thương, các tổ chức tế bào vỡ ra, sự liên kết giữa các mô bị phá vỡ. Lúc này, phản ứng viêm diễn ra giúp cô lập, xử lý và tái tạo sự sống tại khu vực tổn thương. Tuy nhiên, khi phản ứng viêm xảy ra quá mức sẽ gây nhiều biến loạn cho cơ thể, tình trạng sưng, phù nề nhiều hơn, đáp ứng viêm bất thường, phải can thiệp giảm viêm để tránh ảnh hưởng vận động phục hồi sau này. Phản ứng viêm diễn ra quá mức cũng sẽ gây ra hiện tượng đau nhức dữ dội.
Do đó, việc sơ cứu ban đầu cũng như xử lý phản ứng viêm rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến quá trình phục hồi sau chấn thương. Ngay sau khi bị chấn thương, cần cố định vết thương, nghỉ ngơi, ngưng vận động để giảm tổn thương mô. Có thể sử dụng túi chườm lạnh để giảm sưng đau, giúp vết thương không lan rộng. Nên băng ép đúng cách và gối cao bộ phận cơ thể bị thương để giảm phù nề. Trong khoảng 1 - 3 ngày, nếu tình trạng không được cải thiện, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bác sĩ bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM điều trị cho một người dân bị chấn thương ở chân - Ảnh: BV
PGS TS BS. Bùi Hồng Thiên Khanh khuyến cáo, người dân thường có thói quen tự ý sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm để điều trị các chấn thương phần mềm. Bên cạnh công dụng giảm đau, một số thuốc có thể gây ra tác dụng phụ. Vì vậy, việc sử dụng thuốc cần có chỉ định của bác sĩ, tránh việc sử dụng không đúng cách gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng, nhất là với những người có nhiều bệnh nền.
Với việc sử dụng túi chườm, người bệnh thường xuyên mắc sai lầm khi chọn phương pháp chườm nóng hay chườm lạnh. Trong 3 - 5 ngày đầu, khi vết thương đang ở giai đoạn cầm máu, nên chườm lạnh để mạch máu co lại, cô lập vùng chấn thương và giảm sưng. Sau khi chuyển sang giai đoạn sửa chữa, tái tạo mô thì mới tiến hành chườm nóng để làm giãn mạch, tăng cường dòng máu tới phục hồi vết thương. Bên cạnh đó, một số phương pháp dân gian như dùng mật gấu, dầu nóng không có tác dụng giảm sưng mà còn có thể gây phỏng da, khiến vết thương sưng, phù nề nhiều hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận