Phóng to |
Bị cáo Nguyễn Trọng Hiếu tại tòa - Ảnh: Duy Thanh |
Phóng to |
Nhân chứng Vũ Văn Duy, cảnh sát giao thông Công an huyện Diên Khánh, người đã lái môtô chở bị cáo Hiếu rượt đuổi anh Nam - Ảnh: Duy Thanh |
Theo cáo trạng, khoảng 19g30 ngày 24-4-2010, thượng sĩ Vũ Văn Duy công tác tại Đội cảnh sát giao thông Công an huyện Diên Khánh chở Nguyễn Trọng Hiếu trên môtô đặc chủng phối hợp tuần tra trên quốc lộ 1 đoạn qua xã Diên Phú.
Hai công an thấy anh Huỳnh Tấn Nam (lúc đó 21 tuổi, là nhân viên bảo vệ tổng kho của Công ty TNHH một thành viên DFC Nha Trang tại xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang) điều khiển môtô nhưng không đội mũ bảo hiểm nên đã truy đuổi.
Khi bị đuổi khoảng 2km thì anh Nam chạy xe vào một cây xăng ven quốc lộ trốn. Sau đó thấy không còn xe cảnh sát nữa, anh Nam tiếp tục điều khiển xe chạy về phía tổng kho DFC thì bị xe của Duy và Hiếu đuổi theo, ép vào lề đường. Hiếu ngồi sau đã dùng gậy giao thông đánh vào vùng cổ anh Nam làm anh này ngã xuống lề phải quốc lộ 1, bị thương tật 77% vĩnh viễn.
Tại tòa, bị cáo Hiếu khai chỉ ngồi sau môtô của Duy, liên tục thổi còi và có lúc dùng gậy giao thông huơ huơ trong khi truy đuổi, không hề sử dụng gậy này để đánh anh Duy như cáo trạng truy tố. Hiếu nói anh Nam chạy xe nhanh, lạng lách, đầu ngoái lại nhìn môtô do Duy điều khiển nên lạc tay lái, sụp xuống lề tự té và bị chấn thương. Đưa ra lý do nơi xảy ra vụ việc rất tối, Hiếu nói không nhớ rõ hiện trường vụ việc vì khoảnh khắc xảy ra rất nhanh.
Vũ Văn Duy, được tòa triệu tập với tư cách là nhân chứng, cũng đồng ý với lời khai của Hiếu, cho rằng do bị truy đuổi với tốc độ 80-90km/giờ và có thể xe anh Nam tông phải vật dưới mặt đường nên đổ ngã; xe của Duy chưa bao giờ vượt lên ngang bằng hoặc qua mặt xe anh Nam.
Nhưng khác với Hiếu, Duy nói hiện trường vụ việc không quá tối vì có ánh sáng hắt của đèn đường phía xa. Duy cũng trình bày sau khi tai nạn xảy ra, môtô của công an theo quán tính vẫn chạy về phía trước khoảng 5-7m rồi quay lại hiện trường.
Duy là người đã nâng đầu anh Nam lên, định đưa đi cấp cứu thì nhiều người dân địa phương hô hoán rằng công an đánh chết người.
“Thấy người dân bức xúc quá, tôi sợ nguy hiểm đến tính mạng của mình và của Hiếu, sợ họ đập phá môtô đặc chủng là tài sản của nhà nước, nên vài phút sau tôi chở Hiếu chạy về Công an Diên Khánh để báo cáo cấp trên” - Duy trình bày.
Trong khi đó, nạn nhân Huỳnh Tấn Nam khai rằng khi giảm ga chuẩn bị rẽ qua bên trái đường để vào tổng kho thì có cảm giác bị cây đánh mạnh vào vai trái, khi anh thắng gần như dừng xe thì bị môtô của Duy và Hiếu cắt phía trước đầu, người ngồi sau (là Hiếu) dùng một vật như khúc cây quật thẳng vào cổ khiến anh bất tỉnh.
Còn hai nhân chứng được cho là trực tiếp chứng kiến vụ việc là ông Huỳnh Tiến Hùng và bà Nguyễn Thị Hạnh đều cho rằng thấy môtô cảnh sát giao thông cắt đầu xe anh Nam khi hai xe đang ở tốc độ chậm, Hiếu dùng gậy giao thông đánh một cái vào vai gáy anh Nam khiến anh này ngã xuống lề đường.
“Tôi thấy hai công an còn dùng gậy giao thông và chân đánh, đá mấy cái vào người của anh Nam, lúc này đã nằm bất động dưới lề đường. Tôi la lên sao người ta bị thế này mà công an không cứu còn đánh họ thì hai người công an lên môtô chạy đi về hướng Diên Khánh” - ông Hùng trình bày.
Còn bà Hạnh nói hiện trường xảy ra vụ việc có đèn đường rất sáng chứ không phải tối om hay sáng lờ mờ như bị cáo Hiếu và ông Duy nói.
Ngày 12-9, tòa tiếp tục xét hỏi đối với sáu nhân chứng khác của vụ án.
Như Tuổi Trẻ đã nhiều lần thông tin, đây là vụ án có thời gian điều tra kéo dài: 10 tháng sau khi vụ việc xảy ra mới khởi tố với bốn lần tổ chức thực nghiệm hiện trường.
Vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm một lần vào tháng 12-2012, nhưng tòa trả hồ sơ yêu cầu Viện KSND TP Nha Trang xác định bị đơn dân sự và làm rõ trách nhiệm của thượng sĩ Vũ Văn Duy.
Tuy vậy, sau khi nghiên cứu, Viện KSND TP Nha Trang vẫn giữ nguyên quan điểm và phiên tòa sơ thẩm lần hai này vẫn xử theo cáo trạng trước đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận