28/05/2018 12:03 GMT+7

Xử Huyền Như: Lại đề nghị VietinBank phải bồi thường 1.085 tỉ

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Được tòa sơ thẩm tuyên Huỳnh Thị Huyền Như phải trả tiền đã chiếm đoạt, các nguyên đơn dân sự không đồng ý mà cương quyết yêu cầu VietinBank phải bồi thường.

Xử Huyền Như: Lại đề nghị VietinBank phải bồi thường 1.085 tỉ - Ảnh 1.

Hai bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn tại tòa- Ảnh: T.L.

Phiên xét xử phúc thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại VietinBank và một số công ty đang diễn ra tại TAND cấp cao tại TP.HCM.

Bác yêu cầu triệu tập đại diện Ngân hàng Nhà nước

Có 5 công ty được xác định là nguyên đơn dân sự trong vụ án, trong đó có 4 công ty kháng cáo gồm công ty CP chứng khoán Saigonbank - Berjaya (SBBS), Công ty CP bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty Chứng khoán Phương Đông, Công ty Đầu tư và thương mại An Lộc.

Trước đó, tòa sơ thẩm đã tuyên buộc Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, VietinBank chi nhánh TP.HCM và Võ Anh Tuấn (nguyên phó giám đốc VietinBank chi nhánh Nhà Bè) phải bồi thường 1.085 tỉ đồng đã chiếm đoạt của 5 công ty.

 Theo tòa, các công ty đều thực hiện thỏa thuận trái pháp luật ở ngoài trụ sở VietinBank; vì lợi ích riêng đã để mặc Huyền Như sử dụng tài sản của mình, tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt tài sản…

Tuy nhiên trình bày trước tòa phúc thẩm, đại diện 4 công ty có kháng cáo đều đề nghị tòa tuyên buộc VietinBank phải bồi thường cho họ.

Theo đại diện các công ty, họ gửi tiền hợp pháp vào VietinBank và tiền đã được hạch toán vào hệ thống của ngân hàng. VietinBank đã có lỗi khi quản lý tiền của khách hàng, để Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt nên ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường.

Mặc dù đã được tòa triệu tập hợp lệ 3 người nhưng chỉ có ông Trương Minh Hoàng (phó giám đốc VietinBank chi nhánh TP. HCM) có mặt tại tòa. Riêng ông Nguyễn Văn Sẽ (nguyên giám đốc VietinBank chi nhánh TP.HCM) và bà Nguyễn Thị Minh Hương (nguyên phó giám đốc) có đơn xin vắng mặt.

Trong phần thủ tục phiên tòa, luật sư Hồ Quốc Tuấn – bảo về quyền và lợi ích hợp pháp cho hai nguyên đơn dân sự là Công ty Đầu tư & thương mại An Lộc và Công ty Chứng khoán Phương Đông đã đề nghị tòa triệu tập một số lãnh đạo, cựu lãnh đạo của VietinBank để làm rõ các vấn đề liên quan.

Luật sư Trần Minh Hải (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty cổ phần Chứng khoán Phương Đông) còn kiến nghị tòa triệu tập đại diện Ngân hàng Nhà nước để làm rõ một số vấn đề pháp lý trong vụ án.

Nếu không triệu tập được đại diện Ngân hàng Nhà nước, luật sư Hải đề nghị hoãn phiên tòa để đảm bảo tính khách quan.

Bên cạnh đó, luật sư Hải còn đề nghị tòa xem xét VietinBank tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn dân sự.

Tuy nhiên, sau khi nghỉ hội ý, HĐXX cho biết quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm đã có lời khai của lãnh đạo VietinBank chi nhánh TP. HCM cũng như văn bản giải thích của Ngân hàng Nhà nước. Do đó tòa xét thấy không cần thiết phải triệu tập thêm một số người như đề nghị của các luật sư.

Với đề nghị xác định tư cách nguyên đơn dân sự của VietinBank, HĐXX cho rằng trong quá trình xét xử, nếu thấy có sự thay đổi tư cách tố tụng của các bên thì tòa sẽ xem xét quyết định

Chi hoa hồng, lãi suất cao để huy động vốn rồi chiếm đoạt

Kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Võ Anh Tuấn cho rằng cùng một hành vi nhưng bị cáo bị đưa ra xét xử nhiều lần. Ở giai đoạn 1 của vụ án, bị cáo Tuấn bị tuyên phạt 20 năm tù.

Ở giai đoạn 2, Võ Anh Tuấn bị xác định là đồng phạm giúp sức cho Như chiếm đoạt tiền và đã bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 7 năm tù.

Bản án sơ thẩm xác định bị cáo Võ Anh Tuấn đã cùng với Huỳnh Thị Huyền Như ra Hà Nội gặp các công ty có nhu cầu gửi tiền để đàm phán. 

Sau đó, Như đã chủ động liên hệ với đại diện các công này để thuyết phục khách hàng gửi tiền vào VietinBank chi nhánh Nhà Bè với lãi suất cao. Tiền gửi vào ngân hàng đều bị Huỳnh Thị Huyền Như giả chữ ký để chiếm đoạt.

Bản án xác định Tuấn biết Huyền Như lấy tên giả, lấy danh nghĩa cán bộ VietinBank chi nhánh Nhà Bè để huy động vốn của khách hàng. Tuấn biết hành vi gian dối của Như nhưng vẫn để cho Như làm giả hợp đồng.

 Tại tòa, HĐXX đã đặt nhiều câu hỏi với bị cáo Tuấn về việc huy động vốn của các công ty. Theo lời Võ Anh Tuấn, khi huy động vốn của khách hàng thì với danh nghĩa huy động cho VietinBank chi nhánh Nhà Bè. 

Tuy nhiên sau đó tiền được chuyển vào VietinBank chi nhánh TP.HCM. Việc này bị cáo không thể kiểm soát được.

"Nếu biết Huỳnh Thị Huyền Như lấy danh nghĩa là cán bộ VietinBank chi nhánh Nhà Bè để huy động vốn thì bị cáo không bao giờ đồng ý" - Võ Anh Tuấn khai trước tòa.

Trả lời về lý do làm giả chữ ký của bị cáo Tuấn, Huỳnh Thị Huyền Như cho rằng khi giả chữ ký của Tuấn, Như không trao đổi trước với Tuấn. Bị cáo Tuấn không biết những việc làm gian dối của Như.  

Theo lời Huỳnh Thị Huyền Như, khi đi huy động vốn bị cáo đã thỏa thuận lãi suất cao, chi "hoa hồng" cho một số cá nhân để các cá nhân này đồng ý gửi tiền của công ty vào VietinBank.

Phiên tòa đang tiếp tục với phần thẩm vấn.

Triệu tập nhiều lãnh đạo VietinBank đến phiên xử Huyền Như

TTO - Đang thụ án tù chung thân vì lừa đảo, Huỳnh Thị Huyền Như tiếp tục hầu tòa vì cáo buộc lừa hơn 1.085 tỉ đồng của 5 công ty.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp