Một phụ nữ mỉm cười khi chụp ảnh thờ trong buổi hội thảo về dịch vụ tự lo hậu sự ở Tokyo - Ảnh: Reuters |
Đó là những việc mà dịch vụ tự lo hậu sự ở Nhật giúp khách hàng của họ trải nghiệm để chuẩn bị cho ngày về với tổ tiên.
Theo Reuters, với dân số sẽ giảm đi khoảng 30 triệu người trong khoảng 50 năm tới, thị trường dịch vụ “yên giấc ngàn thu” đang ngày một sôi động hơn ở Nhật.
Từ năm 2000-2013, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tăng gấp bốn lần, từ 550 lên gần 2.000 hiện nay. Tương ứng, lợi nhuận từ ngành kinh doanh này cũng nhảy vọt từ 263 tỉ yen (2,3 tỉ USD) lên mức 598 triệu yen (5,2 tỉ USD).
Ngoài việc tăng nguồn tiền đầu tư, các dịch vụ mai táng cũng không ngừng triển khai ứng dụng công nghệ tân tiến và sáng tạo để... hấp dẫn khách hàng hơn.
Nghĩa trang Ryogoku Ryoen - một nghĩa trang cao nhiều tầng ngay tại thủ đô Tokyo - đã trang bị hệ thống tra cứu dữ liệu tự động bằng loại thẻ giống như thẻ căn cước.
Theo đó, khi quét thẻ qua máy tra cứu, hệ thống sẽ hiển thị chính xác bia mộ và bình tro tương ứng với thông tin trên thẻ của người quá cố.
Một nghĩa trang khác cũng tại thủ đô của Nhật là Ruriden. Nghĩa trang này đã tiết kiệm nhiều không gian bằng cách đặt 2.046 bia mộ nhỏ ở dạng tượng Phật khắc bằng thủy tinh dưới cùng một mái nhà. Với một thẻ điện tử, hệ thống đèn LED đổi màu sẽ khiến bia mộ tương ứng với danh tính người quá cố trên thẻ bừng sáng.
Ông Junkoh Nagakura, người đang có kế hoạch chọn nơi yên nghỉ ở nghĩa trang Ruriden, chia sẻ với phóng viên Reuters: “Thật an lòng khi biết mình sẽ được tưởng nhớ bên cạnh những người khác”.
Tập đoàn Aeon cũng chuyển sang lĩnh vực kinh doanh dịch vụ hậu sự với một loạt dịch vụ khác nhau, từ tư vấn cách viết di chúc hợp pháp tới việc cho khách hàng thử trước cỡ quan tài.
Ngoài ra, các tour tham quan “hành trình cuối đời” (tiếng Nhật là shukatsu) cũng đang rất phổ biến ở Nhật. Du khách được chụp ảnh thờ, tham gia các đám tang và thử nghi thức rắc tro hỏa táng của chính mình (dùng muối thay tro).
Với mức phí tham gia một tour như vậy khoảng 10.000 yen (85 USD), các nhà tổ chức tour cho biết họ chưa bao giờ thiếu khách.
Bà Hatsue Toyo-izumi năm nay 71 tuổi là du khách vừa trải nghiệm lễ rắc tro hỏa táng của mình cho biết “rất ấn tượng”. Bà nói: “Con gái cả của tôi đang sống ở Mỹ, nhưng vì đại dương kết nối toàn cầu nên tôi vẫn có cảm giác luôn ở bên nó”.
Không ít người cao tuổi ở Nhật mong muốn tự mình lo hậu sự lúc còn khỏe để giảm bớt gánh nặng sau này cho con cái. Và theo lời ông Mitsuharu Nojima, giám đốc quản lý tour của một hãng du lịch tại Nhật, “nhu cầu này sẽ còn tiếp tục tăng cao do xu hướng muốn gắn bó giữa những người thân trong gia đình và tỉ lệ sinh giảm mạnh tại Nhật”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận