* Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Việt hóa cũng là học
Phim Việt hóa không phải là một lựa chọn tồi trong sản xuất phim truyền hình. Nhưng quan trọng là sự cẩn trọng trong từng khâu Việt hóa. Nếu ai đó có tâm lý cho rằng Việt hóa phim truyền hình rất dễ là hoàn toàn sai lầm! Chúng ta không thể làm việc sao chép, minh họa. Có muốn minh họa cũng không được, vì công nghệ sản xuất phim của chúng ta còn thua xa các nền công nghiệp điện ảnh khác.
Công việc làm phim cũng như xây dựng một ngôi nhà, có nhiều thành phần cùng tham gia thực hiện. Trong đó kịch bản như bản vẽ của kiến trúc sư, chi phối các bộ phận, cùng dựa trên đó để triển khai công việc.
Do vậy, kịch bản Việt hóa nếu chưa phù hợp sẽ tạo ra một ngôi nhà không có sự phù hợp cảnh quan, cảm nhận của người xung quanh. Triển khai Việt hóa bao giờ nhóm kịch bản và êkip sáng tạo đều cần đặt câu hỏi: Nội dung cảnh quay này có cho khán giả thấy câu chuyện đang diễn ra trong đời sống xã hội của mình không?
Cá nhân tôi nghĩ cốt truyện văn học rất quan trọng với việc làm phim, bởi vậy nếu là một cốt truyện hay thì không cần e ngại nó là của nước ngoài hay VN, quan trọng là bộ phim đó được làm như thế nào. Thực tế cũng cho thấy rõ các nền công nghiệp điện ảnh phát triển trên thế giới vẫn thường xuyên săn lùng và lựa chọn các kịch bản nước khác để đem về chuyển thể, viết lại kịch bản và sản xuất. ]
Việc chuyển thể kịch bản đã và đang diễn ra rất thoải mái. Tại một số hội chợ phim quốc tế, các đồng nghiệp vẫn thường xuyên mua bán, trao đổi bản quyền phim và các chương trình. Vì vậy xu hướng này sẽ còn tiếp tục và chúng ta phải chấp nhận, vấn đề là cách lựa chọn và cách chuyển thể, cách làm phim thế nào để khán giả chấp nhận.
Bên cạnh đó, cũng cần thấy quá trình Việt hóa kịch bản là quá trình cả êkip có dịp học cách triển khai câu chuyện một bộ phim dài tập. Chúng tôi không ngần ngại để nói rằng việc học tập từ các tác phẩm của đồng nghiệp quốc tế là cần thiết.
Đây không phải là sự sao chép để phải e ngại. Đó là cách lựa chọn khôn ngoan của những người làm phim VN, khi chúng ta không có môi trường đào tạo chuyên nghiệp về việc làm phim.
* Đạo diễn Phan Đăng Di: Cần một cơ chế cạnh tranh lành mạnh
Chất lượng kịch bản truyền hình kém là một thực tế phải thừa nhận, lý do không hẳn nằm ở tiền bạc hay nhân lực mà nằm ở yêu cầu về chất lượng phim của các nhà đài với nhà sản xuất.
Theo tôi biết hiện nay nếu phim được lên sóng thì lợi nhuận mà nhà sản xuất thu được là như nhau, không phân biệt phim hấp dẫn hay không. Khi chất lượng phim không đi kèm với lợi nhuận thì không lý do gì nhà sản xuất phải đầu tư nhiều cho khâu sáng tạo (kịch bản, đạo diễn, diễn xuất). Tương tự, nếu mức nhuận bút cho các nhà biên kịch vẫn cào bằng cho mọi phim thì chẳng ai còn mặn mà đầu tư nghiêm túc để viết hay hơn.
Cứ so với Hàn Quốc hay Mỹ chẳng hạn, với phim truyền hình biên kịch là vua, phim càng ăn khách họ càng được trả cao, thậm chí cao nhất trong êkip sáng tạo và trong một số trường hợp họ còn có quyền yêu cầu nhà sản xuất thay đổi diễn viên hay đạo diễn. Họ có được vị trí đó vì họ là người quyết định sự hấp dẫn của phim bằng tài năng kể chuyện. Nhưng chuyện đó không có ở VN.
Tôi nhớ là khi Bỗng dưng muốn khóc gây sốt với khán giả, tôi chẳng nghe được thông tin nào về việc êkip sáng tạo của phim lĩnh được nhuận bút kếch sù - điều mà theo logic thông thường đúng ra họ phải được hưởng.
Để phim truyền hình chuyên nghiệp và tốt hơn ở VN, theo tôi, chỉ có một cách duy nhất thôi, đó là có một cơ chế cạnh tranh lành mạnh được đo bằng mức độ hài lòng của khán giả thông qua tỉ suất người xem. Phim nào có nhiều người xem thì thu nhập của nhà sản xuất lẫn êkip sáng tạo phải cao và ngược lại.
Thay vì cạnh tranh về thời lượng và khả năng lên sóng như hiện nay, các nhà sản xuất và nhà đài nên hướng cuộc chơi theo hướng cạnh tranh về chất lượng. Phim càng nhiều người xem thì nhà sản xuất và êkip thực hiện càng được trả cao và ngược lại, đó là quy trình đơn giản và lành mạnh mà chúng ta nên theo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận