Một tiết học kỹ năng để chuẩn bị vào lớp 1 ở Trường ngoại khóa Tomato - Ảnh: Xuân Bình |
Thay vì cho con đi học chữ trước, nhiều phụ huynh ở TP.HCM đã chuyển hướng cho con học những khóa kỹ năng chuẩn bị vào lớp 1.
Sáng thứ bảy một ngày đầu tháng 4, Trường ngoại khóa Tomato đông kín người. Các giáo viên ở đây cho biết đa số các bé theo học vào những ngày cuối tuần là học lớp “Thông minh cảm xúc”, “Bé vào lớp 1 tự tin, vững vàng”...
Cảm xúc ganh tị
Lớp học “Bé vào lớp 1 tự tin, vững vàng” do cô Thiên Lý (Trường ngoại khóa Tomato) phụ trách có tám học sinh từ 5-6 tuổi. Sau trò chơi khởi động “Mèo bắt chuột”, cô giáo thông báo đã đến giờ học chính. Nhưng nhiều bé vẫn nhao nhao: “Chơi nữa đi cô!”. Cô giáo bèn lên giọng: “Tới giờ học rồi thì sao ta?”, ngay lập tức cả lớp đua nhau trả lời: “Dạ, thưa cô là phải im lặng, ngồi nghe cô nói”, “Dạ, là phải ngồi im và tập trung nghe cô giảng bài”, “Giờ học muốn nói gì phải giơ tay đó cô”...
Cô giáo cho học sinh ôn lại bài cũ rồi giới thiệu: “Hôm nay chúng ta sẽ học thêm một cảm xúc khác nữa nha. Mời các con hướng lên màn hình, chúng ta cùng xem phim”. Bộ phim kể về một con chim cánh cụt tên là Bingu. Nó rất buồn, chui vào thùng đồ chơi, khóc như mưa khi thấy mẹ mình chỉ quan tâm tới em bé mà không thèm chơi với mình.
Kết thúc bộ phim, cô giáo hỏi: “Trong lớp mình, những bạn nào có em?”, gần cả lớp giơ tay. “Bingu trong phim có cảm xúc gì vậy các con?” - cô hỏi, các bé đồng thanh nói: “Dạ, Bingu rất buồn”. Cô lại hỏi: “Bingu có cảm xúc ganh tị đó cả lớp. Bingu ganh tị với em bé vì thấy mẹ quan tâm đến em bé nhiều hơn mình. Trong phim, mẹ có thương Bingu không?”, cả lớp: “Chắc là có”. Cô giáo giải thích: “Mẹ thương Bingu nhưng vì em bé còn rất nhỏ, mẹ phải quan tâm, chăm sóc cho em. Còn Bingu lớn rồi, tự chơi có được không?”, cả lớp đồng thanh: “Dạ được”. Cô gợi vấn đề: “Bingu lớn rồi phải biết giúp đỡ mẹ nữa, mà giúp đỡ bằng cách nào?”, các bé reo lên: “Dạ, chơi với em cho mẹ làm việc”...
Rồi cô giáo đưa ra hàng loạt tình huống để học sinh phát biểu ý kiến, đồng thời định hướng cho các bé cách giải quyết vấn đề: “Ở trong lớp có một bạn được cô giáo khen hoài, tặng quà hoài mà mình thì không được như vậy. Mình rất ganh tị với bạn ấy. Vậy mình phải làm sao để được như bạn ấy?”, “Trong lớp, mình rất thích chơi với bạn A, nhưng bạn A lại dành sự quan tâm nhiều hơn cho bạn B, mình phải làm sao?”...
Một tiết học để chuẩn bị vào lớp 1 dành cho bé 5-6 tuổi ở Trường ngoại khóa Tomato - Ảnh: Xuân Bình |
Không để trẻ bị “chín ép”
Theo cô Thiên Lý: “Khóa học “Bé vào lớp 1 tự tin, vững vàng” diễn ra trong sáu tháng với ba học phần chính: kỹ năng học tập, thông minh cảm xúc và giải quyết vấn đề. Hiện các bé lớp tôi đã học được hơn một tháng rồi. Trong suốt khóa học, giáo viên chúng tôi không hề dạy bất cứ nội dung nào có liên quan đến chữ viết hoặc cách làm toán cho học sinh”.
Rất ngạc nhiên với thông tin trên, chúng tôi thắc mắc với các phụ huynh: “Sao không cho bé học chữ trước khi vào lớp 1 mà lại cho bé học kỹ năng, học cảm xúc?”. Chị Thu Huyền, phụ huynh ở phường 1, quận Phú Nhuận, cho biết: “Mình cho bé nhà mình đi học để bé biết ứng xử phù hợp với mọi người xung quanh và trở nên mạnh dạn hơn, tự tin hơn. Theo mình, những kỹ năng này mới thật sự quan trọng, nếu có kỹ năng thì bé sẽ tiếp thu tốt bài học khi vào lớp 1”.
Trong khi đó, anh P., nhà ở phường 3, quận Tân Bình, lại cho rằng: “Bé nhà tôi tháng 9 này mới vào lớp 1 thì học chữ trước làm gì. Vợ chồng tôi không muốn con mình bị chín ép”.
Hầu hết phụ huynh mà chúng tôi đã gặp đều thông tin: những kỹ năng chuẩn bị vào lớp 1 mà nhiều trung tâm, trường ngoại khóa ở TP.HCM đang giảng dạy cho học sinh 5-6 tuổi đều rất gần gũi. Phụ huynh có thể tự dạy con ở nhà thông qua các câu chuyện, trò chơi... Tuy nhiên, nếu cha mẹ quá bận rộn thì đành đưa con đến trường ngoại khóa.
Thế nhưng, nếu trẻ không được học chữ trước, khi vào lớp 1 không theo kịp bạn bè thì sao? Chị Đinh Thu Mai, nhà ở phường 15, quận Tân Bình, tâm sự: “Năm học trước, con lớn của mình vào lớp 1. Cháu không được học chữ trước nên mới đầu hơi sốc khi thấy các bạn xung quanh biết đọc, biết viết hết rồi. Mình nói chuyện với cô chủ nhiệm, cô bảo: hơn 2/3 học sinh trong lớp đã biết đọc, biết viết trước khi vào lớp 1. Nhưng cô động viên mình: buổi tối, ba mẹ chịu khó học cùng với bé mỗi ngày 30 phút theo sổ báo bài của cô, chỉ giữa học kỳ 1 là ổn”.
Chị Mai khẳng định: “Đúng như cô giáo nói, cuối học kỳ 1 bé nhà mình kiểm tra toán được 9 điểm, tiếng Việt 9 điểm, đọc và viết khá tốt. Thế nên, đứa thứ hai mình cũng quyết định không cho học chữ trước”.
Tâm lý quan trọng hơn chữ viết
“Phụ huynh lên gặp tôi, phản ảnh rằng con của chị bị táo bón nặng vì đã hơn một tuần không đi vệ sinh. Bé bảo những lúc ở nhà con lại không “mắc”, lúc ở trường con “mắc” nhưng không dám đi vì... không biết cách rửa. Chị đề nghị giáo viên chủ nhiệm phải yêu cầu cô bảo mẫu túc trực ở nhà vệ sinh để... rửa cho các bé” - một giáo viên tiểu học ở TP.HCM kể với chúng tôi. Cô nói: “Đó là kỹ năng sơ đẳng nhất mà một đứa trẻ 6 tuổi phải biết làm trước khi vào lớp 1 nhưng nhiều phụ huynh quá chiều con, không quan tâm đến điều này”.
Tương tự, cô Đỗ Ngọc Chi - phó hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Thế Vinh, quận 1, TP.HCM - nhận xét: “Trong quá trình thích nghi với môi trường mới ở trường tiểu học, học sinh lớp 1 thường gặp phải những khó khăn sau: không có khả năng tập trung trong giờ học, chưa quen với việc ngồi lâu một chỗ viết bài. Một số trẻ thiếu tự tin sẽ rất khó trong việc tìm bạn ở giai đoạn đầu, nên trẻ dễ có cảm giác lạc lõng, bị bỏ rơi. Một số trẻ kỹ năng tự phục vụ chưa cao do cha mẹ thường làm thay trẻ tất cả mọi việc, nên rơi vào tâm lý thụ động...”.
Cô Nguyễn Thị Thanh Nhu - giáo viên lớp lá (trẻ từ 5-6 tuổi) Trường mầm non Sơn Ca 11, quận Phú Nhuận - cũng cho rằng: “Trong trường mầm non, giáo viên lớp lá cố gắng tập cho trẻ phải tự lập như tự đi vệ sinh, tự ăn, tự mặc quần áo...
Nhưng ở nhà, phụ huynh chiều con, làm hết cho con, đến khi vào lớp 1 bé sẽ rất khó thích nghi với môi trường học bán trú. Ở mầm non, hoạt động chủ đạo của trẻ là vui chơi, khi lên tiểu học hoạt động chủ đạo là học, việc này gây nhiều khó khăn đối với trẻ, nhất là tâm lý. Do đó, tôi nhận thấy việc chuẩn bị tâm lý cho trẻ vững vàng, sẵn sàng bước vào lớp 1 là quan trọng nhất”.
Theo các giáo viên lớp 1 ở TP.HCM, hiện nay chương trình lớp lá - bậc mầm non cũng đã dạy cho trẻ nhận diện, làm quen với 29 chữ cái và các số tự nhiên từ 0-10 (chỉ chưa học ráp vần đọc hoặc viết). Các bé tiếp thu đúng, đủ các kỹ năng trên là dễ dàng theo học chương trình lớp 1, không cần phải học trước. Thậm chí, việc học trước còn gây ra tình trạng “lợi bất cập hại”, như lời cô Đỗ Ngọc Chi: “Trẻ đã học trước, biết trước trong khi cô giáo dạy từ đầu chương trình nên một số trẻ không tập trung, ít hăng hái học tập.
Đặc biệt, điều mà phụ huynh lâu nay thường không để ý là nếu trẻ cầm bút quá sớm mà không được hướng dẫn đúng cách thì cơ tay, xương tay của trẻ bị ảnh hưởng vì phải gồng nhiều để giữ bút đi nét trong khi viết. Từ đó làm con chữ của trẻ viết không đúng, không được mềm mại”.
Những kỹ năng phụ huynh cần chuẩn bị cho trẻ trước khi vào lớp 1 * Xây dựng các thói quen học tập tốt: hình thành khả năng tập trung chú ý, tự chuẩn bị đồ dùng để đi học, tự ngồi vào bàn học mỗi ngày, tự lập thời gian biểu và thực hiện trang trí góc học tập (vẽ, tô màu...), tự rèn các kỹ năng học tập: tư thế ngồi, cách cầm bút, để vở, cách tô, viết các nét cơ bản... * Kích thích sự tò mò, ham hiểu biết của trẻ: cố gắng giải thích tất cả câu hỏi của trẻ (tìm hiểu thế giới xung quanh) một cách nhẹ nhàng, thân thiện, rõ ràng, dễ hiểu. Không bực tức, cáu gắt trẻ. * Rèn một số kỹ năng giao tiếp cho trẻ: biết chờ đến lượt mình, biết quan tâm đến người khác, biết xếp hàng, muốn phát biểu phải giơ tay, không ngắt lời bạn... Mạnh dạn phát biểu trước tập thể: tự tin nói lên ý kiến của mình; lắng nghe và nắm được yêu cầu khi người lớn giao việc. Khả năng nhập vai: biết tự đặt mình vào vị trí người khác để có ứng xử phù hợp. Biết chia sẻ, phân công hợp tác: cùng học, cùng chơi với bạn. Biết tự làm vệ sinh cá nhân... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận