Trong mấy thập kỷ qua, làn sóng đầu tư từ các nền kinh tế phát triển sang các nước đang phát triển và mới công nghiệp hóa, nhằm tận dụng nhân công giá rẻ tại các nước đang phát triển, đã tạo ra nhiều “công xưởng của thế giới”.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã có nhiều thay đổi. Một xu hướng xuất hiện thời gian gần đây là sự chuyển dịch các “công xưởng thế giới” từ các nước đang phát triển trở về các nước phát triển và sang các khu vực mới phát triển khác.
Theo khảo sát trực tuyến được Boston Consulting Group (BCG) thực hiện trong nửa đầu năm 2014 với sự tham gia của 106 công ty sản xuất có trụ sở đặt tại Mỹ, các nhà sản xuất lớn dường như đang có xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc trở lại Mỹ; tỷ lệ tăng lên mức 48% trong các công ty có doanh thu hằng năm lớn hơn 10 tỷ USD. Ngược lại, 5 nền kinh tế từng được coi là những "công xưởng" của thế giới trong mấy thập niên vừa qua lại đang chịu nhiều áp lực, đó là Trung Quốc, Brazil, Nga, Ba Lan và Czech.
Tháng 8/2014, General Motors đã chuyển bộ phận quốc tế của tập đoàn này sang Singapore. Theo sau General Motors, Công ty nông nghiệp Archer Daniels Midland, Tập đoàn IBM... cũng tiến hành các bước tương tự nhằm đưa nhân sự và cơ sở hạ tầng ra khỏi Trung Quốc.
Các hãng công nghệ và sản xuất lớn như Google, General Electric, Caterpillar và Ford đang chuyển dần sản xuất trở về nước Mỹ hoặc cho xây thêm nhà máy ở Mỹ. Cuộc hồi hương của hàng loạt thương hiệu Mỹ diễn ra trong bối cảnh chi phí lao động tại các "công xưởng thế giới" như Trung Quốc, Ấn Độ gia tăng liên tục trong nhiều năm qua. Chẳng hạn, lương của người lao động ở Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng từ 10-20%, trong khi lương ở Mỹ và châu Âu bắt đầu bị các nước bắt kịp. Do vậy, quay trở lại sản xuất tại Mỹ là một bài toán thông minh về lâu dài.
Theo một cuộc khảo sát của Tổ chức Tư vấn Boston, 80% trong số 5.000 người dùng sẵn sàng chi thêm tiền để mua những sản phẩm được sản xuất tại Mỹ, trong đó có các thiết bị điện tử.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp giờ đây nhận ra việc gia công ở nước ngoài có những nhược điểm về khoảng cách địa lý, khiến chi phí vận chuyển tăng vọt, thời gian giao hàng chậm trễ.
Các công ty đa quốc gia bắt đầu chú ý đến Đông Nam Á, khu vực cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng kinh tế châu Á. Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đang tăng tốc đổ vốn vào Đông Nam Á. Song song đó, một số quốc gia Đông Nam Á đã mở rộng chính sách ưu đãi trong sử dụng đất và các tiện ích cho đầu tư nước ngoài.
Việc dịch chuyển của các “công xưởng thế giới” không phải là một xu hướng nhất thời mà là một trào lưu trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế toàn cầu sau hai thập kỷ phát triển trong mô hình "thế giới phẳng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận