Một nhà khoa học sống lâu năm ở Đà Lạt và đã "đi nát" cái tỉnh Lâm Đồng bảo nếu như các tỉnh Tây Nguyên khác chịu họa lũ lụt bởi nạn phá rừng thì xứ hoa Đà Lạt và các huyện lân cận trên cao nguyên Lâm Viên phải gánh thêm cái nạn nhà kính. Mất rừng và tràn lan nhà kính là họa kép đổ lên xứ hoa.
Thành phố trong nhà kính, nhà kính trong thành phố
Nhà kính nhiều hơn nhà dân. Có bao nhiêu đất nông nghiệp làm nhà kính hết. Đất rừng cũng lấn làm nhà kính. Có du khách yêu Đà Lạt quá đỗi, nghe phương châm phát triển, xây dựng thành phố Đà Lạt "thành phố trong rừng - rừng trong thành phố" mà bật cười. Ông bảo:
"Thành phố trong nhà kính, nhà kính trong thành phố".
Nhà kính mọc lên ở trong những khu dân cư trung tâm thành phố. Từ Đà Lạt, nhà kính lan về những vùng lân cận như Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng. Nhà kính mọc đến đâu, mảng xanh lùi dần đến đấy. Ở Đà Lạt, những mép rừng nội ô vốn đã bị suy giảm cũng bị người dân lấn chiếm để dựng nhà kính trồng rau hoa.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Cười về những ảnh hưởng khôn lường do phát triển nông nghiệp quá dựa vào nhà kính của Đà Lạt, tiến sĩ Vũ Ngọc Long, nguyên viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, nhấn mạnh: "Đà Lạt đang mắc nạn nhà kính rất nghiêm trọng". Tiến sĩ Long là người đang thực hiện nghiên cứu về hệ sinh thái Đà Lạt và các vùng liên quan. Ông và cộng sự nhiều năm liền đặt trạm nghiên cứu tại vùng cao nguyên Lâm Viên.
Nhiều người làm nhà kính bạt ngàn ở vùng ven Đà Lạt bị lũ quét xác xơ. Cơn lũ đi qua "nhốt" luôn khu nhà kính và 41 người, phải nhờ lực lượng cứu hộ căng dây đu ra mới thoát được. Khi báo chí hỏi ảnh hưởng của việc san đồi làm nhà kính, một người quản lý vườn ở đó liền nạt nộ: "Rảnh hơi, nhà kính che mưa. Giống ông mặc áo mưa, làm gì mà lũ lụt ở đây".
Có lẽ họ không biết cái nhà kính trắng xóa dựng lên là cái "áo mưa" cho đất. Mưa xuống, nhà kính che hết nên không thấm vô đất. Bao nhiêu nước từ vùng nông nghiệp rộng hơn 20.000ha dồn lại ở chỗ trũng tuôn ầm ầm về hạ lưu. Nước tràn suối, tràn qua khe thành lũ. Mưa nhỏ cũng có lũ, mưa lớn lũ càng lớn hơn. Cơn mưa gây lũ vừa qua là một cơn mưa rất nhỏ, số liệu được cơ quan chức năng đo trong 24 giờ khẳng định điều đó. Đà Lạt và cao nguyên Lâm Viên chưa bao giờ lũ vì mưa nhỏ - cho đến bây giờ.
Ông Long và nhiều nhà khoa học đã cảnh báo với cơ quan chức năng rằng nhà kính đã và đang phá hủy nghiêm trọng cảnh quan mộng mơ và "sức khỏe" hệ sinh thái của Đà Lạt. Nó "mệt" lắm rồi!
Biếm họa của LAP
"Ăn hết tương lai"
Cái danh xứ hoa nông dân Đà Lạt làm nên đã hơn 100 năm. Còn tiếng xấu "xứ họa" được tom góp hậu quả của khoảng 15 năm trở lại đây, lúc Đà Lạt khởi sự làm công nghệ cao. Nói công nghệ cao, thực ra là sản xuất nông sản kiểu độc canh trong nhà kính. Ngày lũ xảy ra, chúng tôi xuống vườn nơi những khu nhà kính to vài hecta bị lũ quét ngã rạp. Có mấy người than trời. Có ông kỹ sư bên sở nông nghiệp đi cùng nói nhỏ: "Trời gì mà trời, do mình làm hết. Họa từ mình mà ra". Ông bảo nguyên cái đồi thế này, mấy người mang máy móc đào hết rồi lợp nhà kính lên. Đất đang cứng cáp bị làm yếu đi. Khu bên cạnh cũng làm y chang, cả vùng làm y chang. Mưa nhỏ nước tụ lại cũng thành dòng nước lớn gây lũ dữ huống hồ mưa to. Ông an ủi: "Giữ được mạng là tốt rồi".
Tôi hỏi ông Phạm S., phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, về chuyện nhà kính như cái "vòng kim cô" siết chặt Đà Lạt, ông cũng buồn bã. Ông nói: "Đà Lạt là thành phố xanh và nhà kính đã lấy đi mảng xanh ấy, làm mất mỹ quan thành phố. Đã có khuyến cáo từ sớm về việc cải tạo cây xanh và đất dốc thì không nên làm nhà kính nhưng nông dân không ai nhường ai. Thấy chỗ nào trống, làm nhà kính được cứ làm, bất chấp! Về lâu dài, Đà Lạt phải có một khung pháp lý quản lý hoạt động nông nghiệp!".
Ông Thierry Huau (người Pháp), kiến trúc sư trưởng quy hoạch Đà Lạt cho tương lai, cũng sợ cái nhà kính không theo lề lối của Đà Lạt. Ông đã cảnh báo chuyện này cách nay bảy năm khi mới bắt đầu ý tưởng thiết kế không gian cho Đà Lạt. Ông tiếc tầm nhìn đẹp hướng về Lang Bian đang bị chắn bởi các khu nông nghiệp với hàng loạt nhà lưới nhà kính. Ông nói chúng ta cần nhìn lại về việc phát triển nông nghiệp trong lòng đô thị. Quá sợ hãi những mảng trắng không theo một nhịp điệu nào được dựng lên khắp nơi, ông cảnh báo: "Một số vùng của nước Pháp khi phát triển nông nghiệp đã mắc phải sai lầm nay, sau gần 40 năm mới khắc phục xong để có vùng du lịch canh nông thân thiện với môi trường".
Ngày đó, vị kiến trúc sư người Pháp này gọi nhà kính nông nghiệp là "vấn nạn thập kỷ" của cảnh quan. Ông còn bảo say sưa dựa dẫm nhà kính để làm kinh tế là "ăn hết tương lai trong hiện tại".
Hai Xứ Quảng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận