Mua bán ma túy tại khu vực bến xe An Sương, TP.HCM - Ảnh: Khoa Long |
Từ ngày 17-9-2014, Tòa án nhân dân tối cao ban hành công văn số 234 yêu cầu các tòa án “phải trưng cầu giám định hàm lượng” ma túy trong các chất thu giữ nghi là ma túy để lấy đó làm căn cứ kết tội các bị cáo theo quy định của luật.
Theo các cơ quan tố tụng tại địa phương, việc thực hiện công văn này đang gây khó khăn rất lớn cho các cơ quan tố tụng.
Thậm chí, có đơn vị còn lo lắng xảy ra xáo trộn lớn trong những vụ án được xét xử. Chúng tôi ghi nhận ý kiến xung quanh vấn đề này.
Bà Dương Thị Ngọc Thủy (trưởng phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án an ninh và ma túy Viện KSND TP.HCM):
TP.HCM tồn 678 vụ án ma túy
Ai cũng hiểu muốn hạn chế người nghiện ma túy thì phải cắt nguồn bán ma túy cho người nghiện. Tuy nhiên, tình hình buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn TP hết sức tinh vi và liều lĩnh.
Công an TP cũng đang rốt ráo ngăn chặn việc mua bán này. Tuy nhiên, hiện nay trong xét xử các vụ án ma túy, chúng tôi đang có những vướng mắc về mặt pháp lý đối với chỉ đạo mới trong công văn số 234 ngày 17-9 của TAND tối cao do phó chánh án Nguyễn Sơn ký. \
Công văn này quy định: “Khi thu giữ các chất nghi là ma túy hoặc tiền chất dùng vào sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất”.
Yêu cầu giám định hàm lượng (tinh chất) ma túy trong công văn 234 thật sự đã gây khó khăn rất lớn cho cơ quan điều tra, cơ quan công tố. Bởi hiện chúng tôi chưa có đầy đủ máy móc để giám định hàm lượng chất ma túy cũng như không có mẫu để tổ chức giám định.
Từ trước đến nay, việc lập hồ sơ, điều tra và truy tố vẫn căn cứ vào trọng lượng ma túy mà các đối tượng đã buôn bán, vận chuyển và tàng trữ.
Hiện TAND tối cao yêu cầu phải giám định hàm lượng nên ở TP.HCM tổng số vụ án ma túy tồn từ ba cơ quan: điều tra (đang điều tra), viện kiểm sát (đã truy tố), tòa án (đã chuyển hồ sơ sang để xét xử) là 678 vụ.
Và nếu không tìm cách tháo gỡ ngay thì nhiều vụ án sẽ ở trong tình trạng treo, và sẽ vi phạm tố tụng.
Ngoài cái khó không có máy móc, có nhiều vụ do đấu tranh từ cán bộ điều tra mà nghi phạm, can phạm khai ra nên không có vật chứng thì không thể giám định. Và theo tôi, nếu thực hiện theo nội dung công văn này, nhiều vụ án đã tuyên rất có thể mức án đã khác.
Như vậy, có thể hồi tố hàng ngàn vụ án đã xử không? Với nhiều khó khăn đặt ra như vậy, Viện KSND TP đã có báo cáo gửi lên viện trưởng Viện KSND tối cao đề nghị tìm cách tháo gỡ. Và theo tôi biết, viện trưởng cũng đã ký công văn gửi TAND tối cao rồi.
* Ông Nguyễn Thái Bình (nguyên trưởng phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án an ninh và ma túy, Viện KSND TP Hải Phòng - nghỉ hưu từ ngày 1-11):
Phải mang ma túy lên Hà Nội giám định
Hiện ở Hải Phòng đang tồn ở cả hai cấp và ba cơ quan tố tụng khoảng 300 vụ án ma túy. Dù Hải Phòng đã có máy giám định nhưng chúng tôi chưa có nhân lực sử dụng máy đó.
Chúng tôi đang tự gỡ bằng cách mang ma túy của những vụ mới bắt lên Hà Nội giám định để tiếp tục các thủ tục điều tra. Vận chuyển ma túy đi là việc hết sức phức tạp và khó khăn, tương lai không thể thực hiện theo cách này được. Và chúng tôi cũng đã có kiến nghị để tháo gỡ.
* Thẩm phán Phạm Văn Nam (TAND tỉnh Điện Biên):
Chỉ xử những vụ bắt quả tang, trọng lượng lớn
Việc khó khăn ở công văn này mang đến cho cơ quan điều tra chính là những vụ án truy xét không có vật chứng thì không có gì để giám định.
Tỉnh Điện Biên có đặc thù các vụ án đều là bắt quả tang và cơ quan điều tra thu giữ tang vật tại chỗ với khối lượng lớn từ hai bánh heroin trở lên, và mỗi bánh bắt được có trọng lượng 600 gam, nếu giám định thì trọng lượng được giám định vẫn rơi vào khung hình phạt nên không có chuyện oan sai.
Tuy nhiên, những vụ có trọng lượng nhỏ thì các tòa vẫn chưa dám xử mà đang chờ hướng dẫn.
Ông Nguyễn Sơn (phó chánh án TAND tối cao):
Không thể để oan sai Mọi khó khăn được nêu thì TAND tối cao sẽ tổ chức họp liên ngành để tìm cách tháo gỡ. Tuy nhiên, đó là việc tháo gỡ khó khăn theo hướng phải thực hiện pháp luật, bởi nếu không có thể dẫn đến oan sai, mà mọi lỗi lầm thì đều đổ lên đầu tòa án hết. Triệt phá các băng nhóm tội phạm là việc của cơ quan điều tra, nhưng trách nhiệm của chúng ta là không được làm oan, làm sai, làm xấu hơn tình trạng của những bị can, bị cáo. Công văn này chỉ đạo làm theo hướng đó. Và các cơ quan cứ thế mà làm. |
Thượng tá Võ Văn Trai (phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP.HCM):
Quá nhiều “điểm nóng” ma túy Đường đi của ma túy luôn thay đổi, lực lượng công an đánh mạnh điểm này, các băng nhóm tội phạm chuyển qua điểm khác, chặn đứng đường hàng không thì chúng tổ chức chuyển qua đường bộ và đường thủy, giải quyết được đường dây này thì đường dây khác lại mọc lên. Trước đây vài năm, nguồn ma túy từ Campuchia tuồn vào TP rất lớn, bị đánh chặn, bắt giữ nhiều thì gần đây xuất hiện tình trạng heroin từ Lào chuyển vào miền Bắc, sau đó quay ngược lại TP.HCM bằng đường bộ. Đặc biệt, nguồn ma túy tổng hợp hiện có biểu hiện nguồn cung rất phong phú, vì giá thành chỉ bằng một nửa so với một năm trước. Giá ma túy tại phía Bắc hiện nay cũng giảm tới ba lần so với vài năm trước, tức nguồn cung về đây cũng có thể rất phong phú và sẵn sàng cung cấp vào TP.HCM để hưởng lợi nhuận khổng lồ. Công an nói chung và lực lượng phòng chống ma túy nói riêng của TP đang bị căng kéo quá sức, có quá nhiều “điểm nóng” mà điểm nào cũng phải tung lực lượng vào để đeo bám, triệt phá. G.MINH ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận