Phó chủ tịch Hội đồng Olympic châu Á (OCA) nhận cờ từ Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện tại lễ bế mạc ABG5 tối 3-10 . Ảnh: NAM KHÁNH |
Đó chính là ABG (Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần 5, vừa bế mạc đêm qua tại Đà Nẵng).
Một sự kiện quá vui như vậy, thậm chí thật sự là mang tính “lịch sử” vì có bao giờ thể thao Việt Nam đứng đầu một đại hội thể thao đâu, vậy mà sao nó vẫn cứ nhạt? Cứ lật các báo mà xem, gần như chẳng mấy bài viết hấp dẫn về sự kiện này!
Không lẽ báo chí thể thao độ rày “tệ” đến mức cứ dành đất cho mấy giải bóng đá, quần vợt bên Tây, còn sự kiện lịch sử của nhà mình thì đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ?
Tôi gọi điện cho vài cán bộ có tầm cỡ ở Tổng cục TDTT, hỏi họ có vui không với sự kiện dẫn đầu ABG 5? Và đã nhận được câu trả lời na ná nhau thế này: Chỉ tiêu đặt ra chỉ có 20 HCV, vậy mà bây giờ có được 52 HCV. Nhưng gần như chẳng ai vui cả. Thậm chí còn có cảm giác xấu hổ!
Tại sao lại xấu hổ? Câu trả lời tiếp theo là thế này: Đầu tiên là mình phát hiện thấy thiên hạ chẳng mấy quan tâm đến ABG. Các đoàn khách toàn đưa VĐV nghiệp dư hoặc trẻ sang chơi thôi, chứ họ chẳng quan tâm đến huy chương.
Thứ hai, nói như ông Nguyễn Hồng Minh (nguyên vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao) là đúng, đó là thể thao bãi biển phải có đua thuyền buồm, dù lượn...; nhưng ta không có điều kiện tổ chức nên dùng uy thế chủ nhà đưa mấy môn thể thao truyền thống ra bãi biển mà kiếm... huy chương.
Thứ ba, thể thao bãi biển là sân chơi phong trào, là chuyện dùng thể thao để làm phong phú thêm cho du lịch nên các nước chẳng quan tâm đến thành tích. Trong khi đó, với ta, thành tích là cái đích số 1 để nhắm tới, nên mới lôi các VĐV chuyên nghiệp ra mà thi đấu!
Giờ đây, nỗi khổ của Tổng cục TDTT là không biết tính làm sao với chuyện thưởng cho 52 HCV cùng một lô một lốc HCB, HCĐ? Vâng, thưởng theo quy định thì phải tốn một “núi” tiền vì đây là huy chương châu Á mà. Nhưng thưởng thấp hơn thì VĐV sẽ kêu “Bọn cháu đoạt huy chương châu Á mà”!
Nhưng ê ẩm hơn cả là chuyện ABG 5 kết thúc nhưng cờ đăng cai ABG 6 chẳng biết trao cho ai vì đến giờ này chưa có nước nào chịu nhận. Câu chuyện này lại khiến người ta nhớ đến AIG 3 (Đại hội thể thao trong nhà châu Á lần 3-2009) cũng do Việt Nam đăng cai.
Sau lần ấy, mới phát hiện là đại hội này cũng trở thành “hàng ế”, chẳng ai quan tâm và đã chính thức cáo chung. Từ đây, một câu hỏi đặt ra: Tại sao chúng ta cứ đi nhận tổ chức những đại hội thể thao “hàng ế”, vừa tốn tiền thuế của dân, vừa không đạt được những mục tiêu đặt ra khi xin phép Chính phủ để đăng cai?
Với ABG 5, ban đầu ngành thể thao xin hơn 500 tỉ đồng, nhưng Bộ Tài chính kiên quyết chỉ chi 364 tỉ đồng. Hay hồi AIG 3 - đại hội cuối cùng - ngân sách cũng phải chi hơn 2.000 tỉ đồng. Có lẽ chẳng người dân nào chịu cho thể thao xài tiền thuế của mình để đi đổi lại những chiếc huy chương như thế...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận