Hóa ra nhiều tác phẩm nghệ thuật và cũng là tư liệu lịch sử quý giá của tổ tiên ta lại đang trôi nổi ở các phiên chợ xứ người. Nào ấn vàng, bát vàng, kiếm vàng, chén ngọc, tượng ngọc, tượng đồng, tranh lụa, gốm sứ, sách cổ, trang phục quý hiếm...
Vô giá như vậy, nhưng kho báu cổ vật Việt Nam ở hải ngoại không chỉ ngần ấy ngọc, vàng.
Còn phải kể đến không ít các trung tâm lưu trữ, thư viện và bảo tàng ở nhiều nước xa gần đang lưu giữ một khối lượng đồ sộ các văn bản, sách báo, họa đồ, tranh ảnh, phim ảnh và nhiều tư liệu, hiện vật quý hiếm khác ghi dấu các giai đoạn lịch sử, xã hội Việt Nam.
Dịp đầu xuân, mời các bạn yêu sử Việt cùng tôi "xông đất" các kho báu có một không hai này nhé...
Ba ngọn Fansipan ở Paris
Kinh đô ánh sáng của nước Pháp tràn đầy những cảnh sắc hấp dẫn, tuy nhiên đã yêu sử Việt thì bạn không thể bỏ qua những tàng thư Việt Nam và Đông Dương đang được lưu giữ tại đây.
Trước nhất là Thư viện Quốc gia Pháp (BNF), đặt tại hai tòa nhà khổng lồ thiết kế như hai quyển sách lớn mở ra bên bờ sông Seine. Tại BNF năm 2017, lần đầu tiên tôi được thấy tận mắt, sờ tận tay vào các họa đồ thiết kế đô thị Sài Gòn hiện đại - cách đây gần hai thế kỷ.
Đó là bức vẽ tay phác họa đường phố trung tâm năm 1865, còn giữ y nguyên nét bút chì ram rám trên giấy croquis.
Kế đến là bản in khổ lớn cỡ A0 bằng giấy đương thời, thể hiện tranh khắc gỗ trắng đen vẽ phối cảnh 3D quy hoạch Sài Gòn thực hiện năm 1880.
Ô la la! Được xem và được săm soi chụp hình từng chi tiết của họa đồ bản gốc quả là thú vị, cảm xúc triệu lần hơn so với họa đồ ảo trên máy tính.
Tại BNF có một loạt bản đồ Sài Gòn, Chợ Lớn, ba miền Trung Nam Bắc và toàn Đông Dương vẽ tay hoặc in máy của nhiều thời kỳ, từ cuối thế kỷ 19 đến khoảng 1954.
Theo dữ liệu thư mục, tại BNF và các thư viện liên kết đang lưu giữ 120 bản đồ và 523 ảnh chụp chuyên về Đông Dương.
Vào đầu những năm 1970, tiến sĩ Huỳnh Phan Tòng khi làm luận án về lịch sử báo chí Việt Nam phát hiện tại BNF có đến khoảng 25.000 đầu sách và hơn 1.000 tựa báo liên quan của xứ Đông Dương.
Mới đây, nghiên cứu sinh Cao Vy làm luận án tiến sĩ về sách xuất bản ở Nam Kỳ, đã tìm thấy ở BNF hơn 5.000 đầu sách giai đoạn 1922 - 1944. Tiến sĩ Nguyễn Giáng Hương, chuyên gia giám định của BNF, cho biết ước chừng có hàng chục ngàn loại tài liệu "tất tần tật" về Việt Nam và Đông Dương.
Cô nói với tôi: đó là con số thống kê chưa đầy đủ, vì BNF vẫn còn nhiều tài liệu chưa được phân tích và xử lý hết. Quả thật, một núi Fansipan tài liệu ngay giữa Paris hoa lệ đã và đang chờ những người yêu sử Việt chinh phục và khám phá.
Paris còn các tàng thư lớn lao khác là địa chỉ lui tới thường xuyên của các nhà Việt Nam học trong nước và quốc tế. Năm 2018, tiến sĩ Olivier Tessier, giám đốc văn phòng Trường Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) tại TP.HCM, giới thiệu tôi đến thư viện của trường ở gần trạm Metro Trocadero.
Khi là sinh viên, tôi đã nghe các thầy của mình nói về EFEO như một lâu đài huyền thoại - nơi tập hợp nhiều học giả Pháp và Việt có các công trình khảo cứu đặc sắc về Đông Dương, từ đầu thế kỷ 20 đến nay.
Giờ đây, bước vào tòa "lâu đài", tôi chứng kiến hàng ngàn sách báo, tài liệu về Đông Dương và châu Á trước và sau 1975, được bảo quản rất tốt.
Trong số này, tôi tìm thấy một số sách vỡ lòng chữ quốc ngữ do Petrus Trương Vĩnh Ký biên soạn vào những năm 1880, các tài liệu về lịch sử Dinh Thượng Thơ từ năm 1864 - vào đúng thời điểm đang có cuộc tranh luận nên hay không nên đập bỏ tòa nhà lịch sử này (số 59-61 Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM).
Sang mùa thu năm 2022, ghé Paris, tôi lại được các bạn Việt Nam học chỉ cho ngọn núi mới là Thư viện Hội Truyền giáo Paris (MEP). Đã nghe tiếng từ lâu, bước vào và tôi được chiêm ngưỡng một ngọn Fansipan khác với hơn 15.000 quyển sách, 200 tạp chí, 800 tranh vẽ liên quan đến nhiều nước Á Đông.
Trong đấy, chỉ riêng Việt Nam đã có hơn 1.000 tác phẩm bằng chữ Hán Nôm và chữ quốc ngữ. Thật bất ngờ, tôi được xem bản gốc chép tay từ điển Anamitico Latinum của giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine), hoàn thành khoảng năm 1773, được giữ tinh tươm.
Tài liệu này là một quyển sổ khổ lớn hơn A4, với những hàng chữ viết nắn nót bằng mực Tàu, gồm bốn loại chữ là Latin, Nôm, Hán và chữ Việt sử dụng hình thái Latin - sau này gọi là chữ quốc ngữ.
Tôi còn được cầm trên tay một quyển sổ tay Sử ký An Nam chép tay tương tự. Nhìn tuồng chữ từ bốn thế kỷ trước, tôi không khỏi rưng rưng nghĩ đến những "hồn muôn năm cũ" vô danh đã giúp các nhà truyền giáo ghi chép văn hóa Việt và sáng tạo ra chữ viết hiện đại cho con cháu các đời sau.
Đi qua đại dương, gặp "biển tài liệu"
Nhiều lần trở đi trở lại Paris, những năm gần đây tôi có dịp ghé thăm các bảo tàng Quân đội, Guimet, Cernuschi và Jacques Chirac là các địa chỉ lưu giữ nhiều hiện vật lịch sử và tác phẩm nghệ thuật Việt Nam.
Các đại học Pháp cũng là nơi có nhiều tài liệu về Việt Nam và Đông Nam Á. Tại thư viện của Đại học Kiến trúc Paris, tôi được giới thiệu có đến hơn 120 luận văn cao học nghiên cứu về quy hoạch và kiến trúc của Sài Gòn và Hà Nội, với nhiều dữ liệu cổ - kim. Xem lướt qua, tôi vừa mừng vừa ghen tị, thầm mong một lúc nào đó các luận văn này sẽ được chia sẻ trên Internet.
Vào thăm Trung tâm Lưu trữ phim ảnh của quân đội Pháp (ECPAD) tọa lạc trong một pháo đài cổ theo kiểu Vauban, tôi được các bạn Pháp hướng dẫn xem một kho ảnh bề thế. Có đến hàng ngàn tấm ảnh xưa còn dán trong các tập giấy xưa cũ, tuyệt vời thay đã được số hóa lên máy tính.
Qua ống kính của các sĩ quan làm nhiếp ảnh, nhà cửa và sinh hoạt Sài Gòn và Đông Dương từ năm 1945 - 1955 hiển hiện đa dạng và sống động.
Tôi tìm được qua máy tính nội bộ một số ảnh về tòa nhà lộng lẫy số 110 Võ Văn Tần, quận 3, TP.HCM, từng là tư dinh của một tướng không quân Pháp.
Kiến trúc sư Nicolas Viste - người chỉ huy trùng tu tòa nhà, nay được gọi là "Biệt thự Phương Nam" - cho biết sau nhiều lần lùng sục, đến ECPAD, ông đã tìm ra bản vẽ thiết kế nguyên mẫu trăm năm trước của nó.
Người Pháp từng có một chuỗi thuộc địa bao gồm nhiều nước châu Phi, châu Á và Mỹ Latin. Toàn bộ các tài liệu về lịch sử xâm chiếm và điều hành các thuộc địa được chuyển từ hải quân sang Bộ Thuộc địa ở Paris.
Kho báu này mang tên Lưu trữ hải ngoại (ANOM). Từ năm 1986, phần lớn tài liệu ANOM được chuyển về Aix-en Provence, một tỉnh nhỏ gần đại cảng thị Marseilles ở miền Nam nước Pháp.
Tháng 9 vừa rồi, lần đầu đi thăm ANOM, tôi sửng sốt chứng kiến không phải một "núi tài liệu" vĩ đại, mà là một "biển tài liệu" mênh mông.
Theo số liệu chính thức, ANOM có đến 38km tổng chiều dài các kệ tài liệu, 60.000 bản đồ, 150.000 tấm ảnh và khoảng 120.000 ấn phẩm.
Tra cứu trên tủ phích và máy tính, tôi tìm thấy ngay thông tin hàng trăm bản đồ quy hoạch Sài Gòn và các đô thị khác của Đông Dương trước 1945. Tiến sĩ Nguyễn Phương Ngọc, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á của Đại học Aix Marseilles, chỉ tôi xem ANOM đang lưu giữ hằng hà sa số hồ sơ cá nhân của rất nhiều người Việt trong thế kỷ 19 và 20.
Chúng không chỉ hữu ích cho việc truy tìm bổ sung lịch sử đất nước mà còn cho từng dòng họ và gia đình.
Ngay cả Úc, chỉ có quan hệ với Việt Nam từ thời hiện đại nhưng ở nhiều thư viện quốc gia và đại học vẫn có rất nhiều chứng tích Việt Nam qua nhiều thời kỳ.
Chẳng hạn kho ảnh tại Thư viện bang Victoria ở Melbourne đang lưu trữ hàng trăm bức ảnh Sài Gòn từ năm 1912 - 1975, trong đó có hình chiến hạm hải quân Úc cập bến Sài Gòn năm 1913.
Tại đây, tôi còn tìm thấy sách quảng bá du lịch Huế bằng tiếng Anh vào những năm 1920 - 1930 của chính quyền Đông Dương gửi tặng.
Còn tại Thư viện bang Nam Úc, ngoài nhiều sách báo về nước ta, tôi bắt gặp một bản đồ hàng hải in năm 1944 - thời điểm Thế chiến thứ hai chưa kết thúc, ghi tên duy nhất Cảng Sài Gòn trong chuỗi các cảng từ Ấn Độ sang Đông Bắc Á, nay gọi là khu vực Indo-Pacific.
Trong khi ấy, Mỹ cũng có một loạt "tàng thư" tài liệu Việt Nam kỳ vĩ không kém gì Pháp. Tại thủ đô Washington, ở Thư viện Quốc hội - Library of Congress, tôi thật ngưỡng mộ bộ sưu tập bản đồ Việt Nam có đến hơn 900 tấm.
Thư viện còn giữ y nguyên những bản đồ Sài Gòn của tình báo quân sự Mỹ và Anh lập vào đầu năm 1945, trên bản đồ có ghi rõ các vị trí quân đội Nhật đóng và các trại tù binh đồng minh. Các bản đồ này là một phần tư liệu về kế hoạch của quân đội Anh và Mỹ đổ bộ vào Đông Dương sau khi giành lại Singapore và Philippines.
Tôi còn nhận ra những "bạn cũ" hơn 50 năm trước là bộ sách giáo khoa tiểu học thời Việt Nam cộng hòa được bảo quản mới toanh. Thư viện đang có khoảng 200.000 tựa sách báo, ấn phẩm các loại về Việt Nam và rất nhiều phim ảnh.
Ở Mỹ, trong những năm qua, tôi còn có cơ hội vào đọc tại Thư viện Đại học Yale, Thư viện thành phố New York, thành phố Philadelphia, song tôi mong còn phải đến được Thư viện Harvard, Thư viện Yen-Ching, Trung tâm Việt Nam ở Đại học Texas để được diện kiến các "tàng thư" quý hiếm và lớn lao khác về Việt Nam và châu Á.
Dẫu sao trong lúc chưa đến được, các bạn yêu sử Việt và tôi vẫn có thể đến ba kho báu gần gũi khác, đó là Thư viện Quốc gia, Bảo tàng Văn minh châu Á, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á và Triển lãm nghệ thuật quốc gia của Singapore. Không ngờ, người Singapore cũng đã thu thập rất nhiều tài liệu và hiện vật giá trị về Việt Nam.
Vừng ơi, mở cửa...
Một chuyến "xuất hành" thoáng qua như trên hẳn bạn cũng như tôi đều chưa hài lòng.
Hiện tại, các "kho báu" Việt Nam xưa kể trên đã bắt đầu mở cửa trên lưới Internet, nhưng không phải đã đưa hết được tài liệu và hiện vật lên mạng. Thêm nữa, việc tìm xem trực tiếp sẽ có tác dụng chính xác và đầy đủ hơn gấp bội.
Tuy nhiên, để đi ra nước ngoài khám phá chúng, sẽ cần rất nhiều thời gian và tài lực.
Không có học bổng, không có tài trợ của Nhà nước, đại học hay các tổ chức và cá nhân thì giới sinh viên và các nhà nghiên cứu chỉ có thể góp nhặt phần nào.
Kinh nghiệm các nước cho thấy việc săn tìm tài liệu và hiện vật phản ánh quá khứ của dân tộc - đất nước - khu vực, xứng đáng là một việc hệ trọng.
Cần xem đây là một chương trình khoa học toàn diện, lâu dài ở cấp quốc gia, đặc biệt phục vụ cho ngoại giao, kinh tế, văn hóa, quân sự; càng tối quan trọng trong việc chứng minh chủ quyền lãnh thổ và biển đảo, giải quyết các vấn đề biên giới, sắc tộc, tôn giáo.
Và thiêng liêng hơn nữa là lấp đi những khoảng trống, soi rõ hơn những khoảng mờ trong lịch sử, củng cố niềm tự hào dân tộc, hình thành những chủ trương huy động nội lực Việt Nam trong và ngoài nước.
Phải đi tìm những kho báu ẩn tàng
"Núi tài liệu" và "Biển tài liệu" về Việt Nam còn ở đâu nữa? Tôi được biết chúng đang có mặt ở các lưu trữ, thư viện và trường đại học của Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha - những nước có bang giao với toàn vùng Đông Nam Á từ rất sớm.
Đặc biệt là kho lưu trữ thâm nghiêm của Tòa thánh Vatican cũng có nhiều tài liệu và hiện vật quý hiếm liên quan Việt Nam từ thế kỷ 15.
Bên cạnh việc khai thác các tàng thư ở nước ngoài, chúng ta càng không thể quên, hay để lãng phí các tàng thư trong nước.
Hiện nay, nhiều tài liệu và hiện vật lịch sử Việt Nam thuộc nhiều thời kỳ còn đang ẩn tàng trong các cơ quan lưu trữ, thư viện, bảo tàng, trường đại học và đặc biệt là trong dân.
Chúng đều là những kho báu vô giá rất cần được nâng niu, bổ sung và quảng bá rộng rãi cho công chúng và giới nghiên cứu bằng nhiều cách thức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận