19/11/2024 10:53 GMT+7

Xóm Việt kiều Campuchia mưu sinh theo mùa nước nổi - Kỳ 1: Dắt díu nhau về tìm hy vọng ở quê hương

Nhiều người gốc Việt cất tiếng khóc chào đời ở biển hồ Tonle Sap, Campuchia, về nước với danh xưng Việt kiều nhưng đa số với bàn tay trắng, không biết chữ, không giấy tờ.

Xóm Việt kiều Campuchia mưu sinh theo mùa nước nổi - Kỳ 1: Dắt díu nhau về tìm hy vọng ở quê hương - Ảnh 1.

Mỗi ngày vợ chồng ông Núi và bà Liên kiếm được khoảng 50.000 - 150.000 đồng tiền cá - Ảnh: AN VI

Với họ, việc mưu sinh trông chờ mùa nước nổi để tìm kiếm con cá con cua, hoặc làm "thợ đụng" đợi ai mướn gì mần nấy.

Đồng bào Việt kiều Campuchia về nước nhiều đến độ thường sống tập trung thành từng xóm hàng chục, hàng trăm người.

Như tại xóm Việt kiều xã Vĩnh Bình (huyện Vĩnh Hưng, Long An) và xóm Việt kiều phường An Bình B (TP Hồng Ngự, Đồng Tháp) đang tất bật mưu sinh mùa nước nổi...

Trên chiếc vỏ lãi về quê hương

Xuôi dòng kênh Thống Nhất (Đồng Tháp), thấy rõ sự nhộn nhịp của nghề cá mắm khi mùa nước lên đồng.

Tìm xóm Việt kiều Campuchia ở con kênh này cũng không khó. Họ thường tập trung sống bờ kênh, trên những nhà sàn tạm bợ và vỏ lãi composite - "cần câu cơm" của bà con đậu nối thành hàng dài.

Mùa nước, các gia đình chia nhau đi làm từ sáng sớm tới sập tối mới về. Nhiều người còn đi làm cá suốt đêm rồi về giấc rạng sáng cũng kín cửa nghỉ ngơi vì hổng khách khứa gì để tiếp.

Buổi trưa giữa xóm chài Việt kiều vắng lặng, vợ chồng bà Lê Thị Liên (52 tuổi, TP Hồng Ngự) và ông Nguyễn Văn Núi (53 tuổi) đang loay hoay vá tấm lưới rách cho kịp giăng lưới đêm.

Bà Liên than cá mắm năm nay chưa được bao nhiêu mà ngư cụ rách lên rách xuống.

Nhà bà Liên 6 người ở chung căn nhà xập xệ chẳng món đồ giá trị nào ngoài bao gạo 10kg bà mới mua thiếu tiệm đối diện.

"Ngoài vách nhà tôn, mọi thứ trong đó đều do vợ chồng con cái tui đem từ biển hồ về, từ cái nồi, đôi đũa đến mấy bộ đồ trên người mặc 4-5 năm nay đâu có dám đổi, mà nói nào ngay là có tiền đâu đổi", bà Liên kể.

Nhà bà Liên giống phần đông các hộ Việt kiều xóm này, chỉ mới về lại Việt Nam được khoảng 4 năm nay. Bà nhớ về chuyến xuôi dòng về lại quê hương ngay mùa dịch:

"Tụi tui như chết đi được sống lại. Ngày đặt chân lên được mảnh đất quê hương chúng tôi không biết diễn tả niềm vui như thế nào nữa. Đi ròng rã hơn tháng trời chứ ít đâu, nào là lạc đường, rồi đủ thứ hiểm nguy. Về tới đây ngay mùa dịch nữa chứ, trời ơi khó khăn trăm bề".

Ông Núi chỉ chiếc vỏ lãi nhỏ bé, bề ngang chưa tới 1m, mỏng tanh, và nói đã lái nó đưa cả gia đình về tới quê hương. Họ ăn uống, nghỉ ngơi gì cũng trên nó.

"Khổ nhứt là trời mưa, vỏ lãi đâu có mui che, cả gia đình phải rúc vô tấm bạt cho đỡ ướt. Nó ngột ngạt, chưa kể dông gió quật lật vỏ lãi như chơi", ông Núi nói thêm.

Từ biển hồ về Việt Nam thời điểm đó rất khó khăn, song gia đình ông Núi cũng như cả trăm Việt kiều về nước cùng họ thời điểm đó vẫn quyết tâm tìm hy vọng ở quê hương mình.

Xóm Việt kiều Campuchia mưu sinh theo mùa nước nổi - Kỳ 1: Dắt díu nhau về tìm hy vọng ở quê hương - Ảnh 2.

Những Việt kiều Campuchia được hàng xóm ỏ quê hương quý mến vì tính tình chân chất, siêng năng - Ảnh: AN VI

Không giấy tờ, không biết chữ

Về sớm hơn xóm ở kênh Thống Nhất, xóm Việt kiều Campuchia ở xã Vĩnh Bình (huyện Vĩnh Hưng, Long An) đã có nhà tường trong khu tái định cư - một trong những niềm hy vọng mà bà con hồi hương mong chờ.

Điểm chung hai xóm Việt kiều này là phần lớn người dân không biết chữ. Nhìn các thanh niên ngót nghét tuổi 20 lướt điện thoại vèo vèo nhưng chỉ để xem video. Mỗi khi ai đó nhắn tin, họ phải nhờ mấy đứa em học lớp học tình thương đánh vần mới biết đường trả lời.

Một chỉ dấu nữa để nhận biết bà con sinh sống ở biển hồ là nhiều người không biết chạy xe máy. Kể cả những người còn khỏe khoắn như anh Võ Văn Cảnh (37 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Hưng) cũng nhận mình "dở ẹc vụ này".

Xóm Việt kiều Campuchia mưu sinh theo mùa nước nổi - Kỳ 1: Dắt díu nhau về tìm hy vọng ở quê hương - Ảnh 2.

Nhiều Việt kiều Campuchia như anh Cảnh không có giấy tờ, chỉ biết gắn bó, mưu sinh cùng sông nước - Ảnh: AN VI

Anh cười nói cho anh xuống nước chạy cái gì cũng được, còn chạy xe máy trên đường thì... "thua". Mùa cá này, mỗi sáng đi chài về, anh phải gửi cá cho người biết đi xe trong xóm chạy ra chợ cách đó khoảng 2km để bán giúp.

Theo anh Cảnh, dù đã về quê hương 6-7 năm nay, anh chỉ gắn bó nghề sông nước. Anh mở chiếc tủ ra, chỉ vào hai tấm giấy khai sinh của con, đó là giấy tờ duy nhất mà gia đình Việt kiều này sở hữu.

Trẻ em Việt kiều ở đây may mắn hơn nhiều nơi khác vì có lớp học tình thương. Khoảng 5h chiều, đám trẻ ríu rít vui vẻ chạy nhảy đến lớp học cách xóm chừng 500m. Song các lớp ở đây chỉ dạy phổ cập đọc viết, em nào muốn học cao hơn, tính toán được nhiều thứ hơn thì chưa có lớp như vậy.

Nếu nhìn vào bữa cơm chỉ vỏn vẹn mấy trái chuối sống chấm nồi kho quẹt lèo tèo vài con cá nhỏ có thể hình dung cảnh túng thiếu tiền bạc của người dân nơi đây, dù mùa nước nổi đang giúp họ sinh kế thông thạo. Lận trong túi ra mớ tiền lẻ cộng lại chừng 50.000 đồng, anh Cảnh nói: "Đó, nay mần được nhiêu đây. Cho thằng cu 10.000 đồng đi học là còn mấy chục lận lưng, ngày mai bán cá rồi tính tiếp".

Kiếm cơm nhờ con nước

Bữa cơm phản ánh rõ nhất kết quả ngày mưu sinh của dân xóm chài. Đến nhà nào thấy dọn cơm có thịt thì bữa đó họ trúng cá, nhà nào ăn cơm với mấy con cá nhỏ kho quẹt mặn chát là thất thu, phải ăn cá cho đỡ tốn tiền chợ.

Bữa nào cha mẹ không chài được nhiều cá, mấy đứa trẻ xóm chài cũng lủi thủi buồn thiu tới lớp mà không có tiền ăn bánh kẹo. Con nít ở đây quen cực, sáng có đứa đi chặt lục bình, một số sau khi đi học về còn phải nhảy lên vỏ lãi đi chài cùng cha mẹ.

Chuyện túng tiền ở xóm Việt kiều dưới Đồng Tháp là điều quen thuộc. Ông Núi ngồi vá lưới, nhớ lại những ngày mùa khô, mò ốc không có, kiếm con cá ăn cơm còn khó chứ đừng nói thịt thà.

Chén muối ớt đậy kế bên nồi cơm lúc nào cũng phải có sẵn. Ông Núi nói bữa nào không cá mắm, nhà ông sẽ ăn cơm chan nước đá rồi quệt muỗng muối ớt nuốt cho no bụng.

Vừa tâm sự, ông Núi vừa chỉ tay về ngôi nhà cách nhà ông hai căn: "Qua đó mà coi, hai ngày rồi ông chồng bệnh không đi chài được".

Gọi là nhà nhưng bên trong chỉ chừng 5m2 sàn, còn lại phía sau là khoảng hở đã bị sập được vợ chồng ông Nguyễn Văn Xua, 67 tuổi, dùng làm nơi đậu chiếc xuồng cũ mèm phải vá chằng đụp bằng ván khắp chỗ.

Chúng tôi giật mình khi nghe ông Xua nói chiếc xuồng này có tuổi đời 40 năm, đã sắp hết chỗ vá và cũng là lúc vợ chồng ông cảm nhận nặng nề tuổi già không tiền khi đau ốm.

Xóm Việt kiều Campuchia mưu sinh theo mùa nước nổi - Kỳ 1: Dắt díu nhau về tìm hy vọng ở quê hương - Ảnh 3.

Vợ chồng ông Xua ngồi vá lại tấm lưới trong những ngày đau ốm không đi giăng lưới nổi - Ảnh: AN VI

Hai ngày nay, vợ chồng ông Xua không đi làm được vì bệnh thần kinh tọa của ông tái phát, đứng không vững, vợ ông lên huyết áp nên cũng cắn răng ở nhà chăm sóc nhau.

"Hông đi mần được cũng đồng nghĩa hổng có tiền bạc gì hết, mấy nay toàn là ăn mì tôm đủ 3 buổi một ngày. Bữa nào ngán quá thì nướng mấy con cá khô đợt phơi ăn kèm lấy vị để nuốt trôi", ông Xua tâm sự.

Nghĩa tình chòm xóm

Chiều buông, ấm trà mở đầu câu chuyện xóm giềng trước khi mạnh ai nấy chui vào mùng "trốn" muỗi. Ông Đặng Văn Nghiệp (59 tuổi, TP Hồng Ngự), hàng xóm đối diện, cũng là bạn trà quen mặt nhà ông Núi, cho biết bà con chòm xóm ở đây rất quý người dân Việt kiều Campuchia.

"Cái vốn quý nhất của họ là siêng năng. Cực thì có cực nhưng tôi thấy họ về đây rất hiền lành với chòm xóm. Bữa nào cá mắm gì nhiều họ đều mang qua cho hoặc bán rẻ. Đặc biệt mấy người xóm này ít nhậu nhẹt dữ lắm, mùa khô họ bắt ốc, mùa nước nổi vầy thì lênh đênh tối ngày", ông Nghiệp chia sẻ.

Không riêng gì ông Nghiệp, lâu lâu có hộp sữa hay miếng xương hầm, bà con có ruộng vườn khá giả hơn ở đối diện lại múc một tô cho mấy cháu nhỏ xóm nghèo đã ngán con cá và chén muối ớt mặn lè.

------------------------

Từ nhỏ tới lớn xóm Việt kiều Campuchia đều ngóng con nước bắt đầu lên từ tháng 7 âm lịch, thời điểm họ mần ăn ra tiền nhất.

Kỳ tới: Đỏ mắt ngóng mùa nước nổi để mần ăn

Xóm Việt kiều Campuchia mưu sinh theo mùa nước nổi - Kỳ 1: Dắt díu nhau về tìm hy vọng ở quê hương - Ảnh 3.Ba đời lênh đênh đồng nước nổi

Con nước lên đồng là thời điểm những người theo nghề "bà cậu" mong chờ. Có những đại gia đình dìu dắt nhau lên xuồng ghe kiếm sống cả mấy thế hệ từ đời ông, đời cha đến đời con cháu...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp