Con đường nhỏ dẫn từ đường Lý Thái Tổ chạy qua rặng tre già ngược ra xóm Mồ Côi (phường Cẩm Châu, Hội An, Quảng Nam) nằm lọt thỏm giữa đồng lúa. Ngay đầu lối vào là một tấm bia ghi rõ những chiến công oanh liệt.
Vào xóm Mồ Côi dịp kỷ niệm ngày đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối đâu cũng chộn rộn khói hương. Trước xóm có 7 hộ gia đình nhưng nay chỉ còn 4 hộ ở lại.
Mỗi nhà là một thành lũy cách mạng
Ông Nguyễn Hải Sơn (77 tuổi), thương binh 2/4 và là một trong số ít cư dân "gốc" ở xóm Mồ Côi, nói ban đầu xóm không có tên là xóm Mồ Côi mà chỉ gọi chung chung là xóm cồn nổi.
Những năm chiến tranh ác liệt, xóm nhỏ trở thành căn cứ cách mạng để che giấu cán bộ Thị ủy Hội An (nay là Thành ủy Hội An).
Tài liệu của Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An ghi rõ lịch sử con xóm nhỏ với những chiến công bi hùng. Người dân dù đói nghèo nhưng một lòng một dạ dâng hiến tất cả cho cách mạng.
Là gia đình trực tiếp nuôi giấu cán bộ, nhà ông Sơn có hai người đã hy sinh cho đất nước. Cha ông là liệt sĩ Nguyễn Dưỡng hy sinh năm 1961. Người chú là liệt sĩ Nguyễn Cho từng là cán bộ bí mật tại nhà lao Hội An.
Trong một trận đánh tại Hội An năm 1967, ông Cho hy sinh, về sau được Nhà nước công nhận liệt sĩ.
"Giai đoạn đó hầu như mỗi nhà ở đây đều có hầm hào dưới nền. Mỗi hộ là một căn cứ thu nhỏ của cách mạng. Chiến tranh làm chết nhiều bà con, hầu như nhà nào ở xóm tui cũng có ít nhất một liệt sĩ", ông Sơn nói.
Nhắc nhớ ngày đau thương vì Tổ quốc
Tài liệu lịch sử Đảng bộ thị xã Hội An (nay là thành phố Hội An) giai đoạn 1930-1975 cũng nhắc đến ngày đau thương nhất ở xóm Mồ Côi.
Đó là ngày 18-10-1967, phía đối phương tập trung hỏa lực dồn lên xóm nhỏ với những mái nhà tranh xơ xác. Trong khoảnh khắc, xóm nhỏ rực cháy như bó đuốc tre, nhà cửa bị san phẳng. Nhiều chiến sĩ có mặt trong thời điểm làng bị tấn công đã kiên cường chống trả nhưng đều lần lượt hy sinh.
Sau ngày đau thương đó, toàn bộ người dân cả nhỏ lẫn lớn bị đưa vào nhà lao Hội An, một số bị đưa ra giam giữ ở Côn Đảo. Xóm Mồ Côi bị xóa trắng đúng như tên gọi của nó.
Ông Nguyễn Văn Cũ, người lớn tuổi ở xóm Mồ Côi, kể sau giải phóng bà con kéo nhau về dựng lại nhà cửa.
Cái tên xóm Mồ Côi được giữ cho tới bây giờ như để nhắc nhớ nhau về ký ức thương đau của những người dân nghèo đã hy sinh cho cách mạng, cho ngày Tổ quốc được hòa bình.
Gian thờ nhà ông Cũ đang thờ nhiều liệt sĩ, họ đều là anh em ruột cha ông. Bà nội ông, cụ Trần Thị Ân, được Nhà nước phong tặng Mẹ Việt Nam anh hùng.
Ốc đảo Mồ Côi thành làng du lịch
Từ trung tâm thành phố Hội An đi qua đám ruộng là doi đất mọc lên giữa đồng, bao quanh bởi hàng dừa cao tít. Xóm Mồ Côi từng bị xóa sổ ngày nào giờ thành đảo du lịch với villa, homestay dập dìu khách Tây.
Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, những hố bom đã được thay bằng ruộng vườn, nhà cửa, nhưng xóm Mồ Côi vẫn là một địa chỉ hành hương của lòng yêu nước.
Câu chuyện bi hùng về một xóm nhỏ chỉ mấy nóc nhà nhưng có tới 10 liệt sĩ, một mẹ Việt Nam anh hùng, 2 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều thương binh là biểu tượng cho ý chí hy sinh sắt đá, khát vọng hòa bình ngày hôm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận