Phóng to |
Hai mẹ con chị Hiền bên tổ ấm của mình - Ảnh: D.Tuấn |
Nhờ sự chỉ dẫn của chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ P.Phú Lợi (thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương) Bùi Thị Thanh Phương, chúng tôi mới đến được khu vực được gọi là “xóm không chồng”. Hơn 20 nóc nhà, trong số đó hầu hết ngôi nhà đã vắng bóng đàn ông. Trước kia cư dân của xóm sống trong khu quy hoạch ở P.Chánh Nghĩa. Sau khi Nhà nước thu hồi đất, họ dắt díu nhau về đây, ở lâu rồi cũng hình thành hẳn một xóm nhà.
Mong đời con bớt khổ
Thấy có khách tới, chị Điệp luống cuống chỉ tay vào tấm phản gỗ, cạnh chiếc nệm mút loang lổ đủ màu dựng ngược mời chúng tôi ngồi. Bưng mấy ly nước đặt lên phản, chị bắt đầu câu chuyện về cuộc đời. Mồ côi mẹ, 27 tuổi chị dạt vào TP.HCM và vội vã lấy chồng, một người đàn ông mới gặp, cũng trôi dạt theo dòng mưu sinh như chị. Mang thai được bảy tháng, một buổi trưa đi làm về thấy đồ đạc của chồng không còn thứ gì - chồng chị bỏ đi mà không lời từ biệt. Rồi chị sinh hạ bé gái, đã từng nghĩ đến cái chết nhưng củ khoai củ sắn, miếng cơm, bát cháo hàng xóm đỡ đần là ân tình lớn lao chị không thể phụ, đầu hàng số phận.
Năm 2001, chị về Bình Dương khi bé Xuân, con gái chị, được 9 tuổi. Hai mẹ con mua được mỏm đất ở khu Chánh Nghĩa, dựng căn nhà để mưu sinh. Chị xin vào làm ở xưởng gỗ với lương tháng gần 2 triệu đồng, cái nghèo vẫn đeo đẳng nhưng mầm sống của cuộc đời chị là bé Xuân được đi học khiến chị phấn khởi vô cùng. Cô con gái bây giờ đã thành thiếu nữ, hỏi về người cha không biết mặt, Xuân chỉ lặng lẽ nhìn ra cửa rồi bất chợt quay lại nói: “Với em bây giờ quan trọng là làm sao hoàn thành việc học rồi có nghề nghiệp để mẹ em không phải khổ nữa”.
Cách nhà chị Điệp vài căn, dưới giàn mướp đang mùa đơm bông, một người phụ nữ trẻ chỉ tay lên nói với thằng cu con kháu khỉnh: “Con thấy không, trái mướp kia vì không nghe lời mẹ nên nó mới bị héo, không lớn được nữa”. Đó là chị Hiền, một trong 12 bà mẹ đơn thân ở cái xóm đặc biệt này. Thằng cu con mới 4 tuổi mà lớn phổng, đôi mắt mở to đen láy, lấm lét nhìn người lạ. Chị Hiền mới 28 tuổi, khuôn mặt xinh xắn, phúc hậu. Chị bảo mình lấy chồng vội vã, quen nhau một tháng, bên nhà chồng chị ào sang hỏi xin cưới, đám cưới vẫn cứ diễn ra mà chẳng có hôn thú, giấy tờ gì. Về sau chị mới vỡ lẽ anh chồng đang bị cơ quan công an điều tra triệu tập, họ giữ CMND nên không đăng ký kết hôn được.
Ở với nhau được ít lâu chị sinh đứa con bụ bẫm nhưng người chồng lại bỏ bê. Nhiều lần chị dẫn cả mẹ chồng chạy theo chứng kiến cảnh chồng ngoại tình. Chị dứt tình ôm theo con nhỏ một mình trong căn phòng trọ chống chọi với bộn bề lo toan. Chị cười hiền đầy đau xót: “Người ta đã có vợ bé rồi. Lâu lắm mới thấy bà nội đi qua cho gói quà hay bịch sữa”.
Niềm tin lên mầm
Sâu tận cùng trong xóm nhỏ, tổ ấm của chị Ngọc hiện ra hết sức ấm cúng. Chị tiếp khách trên bộ bàn ghế gỗ sáng bóng, cạnh chiếc tivi màn hình phẳng to đùng. Chỉ tay về phía hồ cá và hòn non bộ có nước chảy róc rách ở góc nhà, chị khoe: “Tự tay tôi làm đấy”. Nhà chị không rộng nhưng gọn ghẽ và rất đẹp. Từ tủ bếp đến hòn non bộ và cả bộ đồ gỗ chúng tôi đang ngồi đều một tay chị sơn phết. Hỏi ra mới biết chị là thợ sơn nhiều kinh nghiệm. Công việc tưởng chừng chỉ dành cho đàn ông mà chị vẫn đảm nhận rất khéo léo. “Nhà lầu 5-7 tầng gì tôi cũng leo hết” - chị cười rắn rỏi. Tay cầm thùng, tay quét sơn, có lẽ không ai hình dung đằng sau hình ảnh ấy là một người tổ trưởng tổ dân phố rất kiệm lời, luôn đứng ra cưu mang, bảo bọc cho những bà mẹ đơn thân ở xóm này.
Khi dắt díu ba đứa con từ Bình Phước về đây, chị phải đi buôn gánh bán bưng đủ nghề, đủ nơi. Rồi chị xin đi nấu ăn thuê, ba miệng ăn nheo nhóc cứ thế theo mẹ khắp nơi. Đứa nào đi học thì đi, đứa nào ở nhà thì chị dắt rong ruổi trên khắp nẻo đường buôn bán. Cuộc sống cứ thế đẩy chị đi mãi rồi chị cũng chắt chiu được tiền để dựng mái nhà nương thân.
Còn cô bé Xuân, con gái chị Điệp, đang học lớp 12, mơ ước trở thành cô giáo mầm non. Ngày chúng tôi đến, Xuân mới nộp hồ sơ dự thi đại học. Nếu con gái vào được đại học, chị Điệp hơi lo lắng vì công việc của mình khá thất thường, sợ không đảm bảo kinh tế để lo cho con. Nhưng chị bảo: “Ngày nào còn sức thì tôi vẫn còn làm việc. Giai đoạn cùng cực nhất mình đã vượt qua được thì không có việc gì khiến mình dừng bước mưu sinh để nuôi con thành tài”.
Hai mẹ con chị Hiền bây giờ cũng đã dọn về ở với ông bà ngoại. Để thằng cu cho ông bà trông, ngày ngày chị Hiền chạy chiếc xe gắn máy mượn tạm của ba mẹ đi nấu cơm thuê cho người ta. Tiền đi làm công làm mướn cũng đủ xây đắp ước mơ cho con đi học khi sang hè. Dưới mái nhà chật chội ríu rít tiếng trẻ thơ, chị thổ lộ: “Tôi chỉ nghĩ đi làm có tiền nuôi con mau lớn cho nó ấm lòng là vui lắm rồi”. Vài tháng nữa Trọng Phúc, con trai chị, sẽ chập chững vào trường mầm non, chị chỉ đủ tiền cho con đi học nửa buổi, còn nửa buổi chị đón con về để ông bà ngoại trông nom. Thời buổi thứ gì cũng đắt đỏ, mỗi ngày chị cố dè sẻn cũng mua cho con được lốc sữa để “mong con chóng lớn, nên người. Tôi vẫn tin mình có niềm tin vào cuộc sống thì đời sẽ không phụ mình”.
Chung một niềm đơn chiếc, chung những gánh nặng nuôi con đơn thân, nhưng hạnh phúc vẫn tiếp tục lên mầm từ những ngôi nhà bé nhỏ của những bà mẹ ở nơi này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận