Đó là những xóm đường tàu nằm dọc hai bên đường ray chạy qua địa phận TP.HCM, giao với các đường như Trần Khắc Chân, Nguyễn Trọng Tuyển, Nguyễn Kiệm…
Bước vào xóm tàu như lạc vào một thế giới yên bình giữa lòng thành thị náo nhiệt.
Quán nhỏ, nhà nhỏ nhưng không thấy chật chội
Buổi sớm mai ngày đầu tuần ở xóm đường tàu thuộc khu vực phường 8 (quận Phú Nhuận) bình yên hơn những nơi khác.
Ở đây không có dòng xe chen chúc nhau như nêm, cũng chẳng có tiếng còi xe inh ỏi liên hồi mà chỉ nghe bà con í ới nhau: "Để tui qua trước cho nghen", "Qua lẹ đi anh ơi", "Cà phê cà pháo gì chưa mà đi làm sớm vậy?"…
Nhìn các ông các chú trong quán cà phê cóc lật qua lật lại tờ báo sáng chậm rãi cứ ngỡ sự nhộn nhịp thị thành đã bỏ quên xóm này.
Họ là những người sinh ra tại TP.HCM, thậm chí có người đã sống tận ba thế hệ ở xóm tàu này.
Ông Phạm Hồng Thái (61 tuổi, ngụ phường 8, quận Phú Nhuận), chủ một quán cà phê không biển hiệu ở xóm tàu cho biết khách uống cà phê của ông thường đi từ giấc 5h để nhâm nhi ly cà phê rồi nhìn tàu chạy.
"Ở đây đa phần bán cho dân trong xóm này thôi chứ người ở ngoài đâu biết đường đâu mà vô. Cái hẻm có chút xíu người ta cũng ngại dừng. Một ngày tui bán được đâu đó trăm mấy hai trăm ngàn, đủ tiền ăn hà", khuấy ly cà phê thơm phức, ông Thái kể về cái quán nhỏ của mình.
Quán của ông Thái cũng giống nhiều quán cóc khác trong xóm tàu, kê được khoảng ba bộ bàn ghế là hết chỗ.
Có lúc khách đông, ông kê bàn ra sát bờ rào đường ray, hễ xe lớn qua là mạnh ai nấy tự biết cầm ly, cầm bàn né qua một bên nhường đường.
Ngoài cà phê, trong xóm tàu có đủ dịch vụ từ làm tóc, sửa xe đến những nhà may trưng bày đủ loại quần áo. Chỉ có điều quán xá ở đây thường nhận ít khách vì không đủ chỗ đậu xe.
Không chỉ quán xá, những ngôi nhà trong xóm tàu đều có diện tích nhỏ, hiếm căn nào được quá 25m2.
Theo lý giải của ông Thái, lúc trước người dân ở đây xây nhà cũng rộng rãi, nhưng khi cải tạo hàng rào và hành lang đường sắt phải cắt bớt diện tích để đảm bảo an toàn.
Thế nhưng, chị Nguyễn Thị Thanh Lan (40 tuổi, ngụ phường 8, quận Phú Nhuận) - người sống từ nhỏ đến lớn ở xóm này - khẳng định nhà nhỏ chứ không hề cảm thấy chật chội.
Căn nhà khoảng 20m2 của chị Lan mọi thứ đều được sắp xếp ngăn nắp để tận dụng tối đa diện tích. Vật dụng lớn nhất là chiếc bàn chị vừa dùng để làm việc và ăn cơm.
Mẹ con chị cũng không sắm giường cho chật chội mà mỗi khi ngủ sẽ trải nệm thẳng ra nền nhà, thức dậy lại xếp vào gọn gàng.
Mấy nhà có xe máy như chị Lan thường đậu xe trước cửa hoặc sát bờ hàng rào đường tàu để tiết kiệm không gian.
Hỏi có sợ mất không, chị Lan cười lớn: "Mất đâu mà mất, thậm chí để qua đêm ở đó không thèm khóa cổ sáng cũng còn nguyên. Ở đây đa phần là dân địa phương, quen mặt nhau hết rồi nên không có vụ đó đâu.
Chỉ ngại xe bự đi ngang quẹt thôi, bởi vậy xe nào cùi cùi tui để sát hàng rào, chiếc nào mới thì dắt vô cho chắc".
Xóm tàu dễ thương
Người ta nói "kẹt xe" là đặc sản của thành phố nhưng trong xóm tàu này kiếm cái đặc sản ấy chẳng ra. Đường đi trong đây chỉ vừa lọt hai xe, song người dân khẳng định rất hiếm khi kẹt xe hay ùn ứ.
Sở dĩ đường sá trong này thông thoáng là bởi xóm tàu chỉ có dân địa phương ở. Họ đã gắn bó với những con đường nhỏ xíu suốt mấy thế hệ, đang chạy xe mà gặp chiếc đối diện họ sẽ nhường nhau qua.
Bà Phan Thị Kim Lan (75 tuổi, ngụ phường 9, quận Phú Nhuận), người có thâm niên sống ở xóm tàu bằng số tuổi của mình cho biết ở xóm tàu người ta quý mến nhau vì họ đã sống qua vài thế hệ, tình làng nghĩa xóm rất sâu đậm.
Bà Lan chia sẻ: "Tui ước chừng ở đây 10 nhà, cùng lắm chỉ có hai nhà là người ở xứ khác tới thuê, còn lại là dân địa phương hết. Có cái gì cũng đem qua cho nhau. Trưa nắng thì bắc ghế ra mấy hàng cây xanh dọc hàng rào ngồi nói dóc cho vui".
Hàng cây xanh hay mấy chậu hoa mười giờ, hoa lan… dọc hàng rào của xóm tàu là sản phẩm của người dân tự trồng. Có nhiều cây giờ đã lớn, tỏa bóng mát cho những buổi chuyện trò giữa trưa.
Những ai mới chuyển tới xóm này không tránh được cảnh giật mình giấc nửa đêm vì còi tàu hay tiếng xe lửa chạy xình xịch cả ngày.
Còn với bà Lan, ông Thái hay những cư dân sống mấy thế hệ ở đây, ngày nào không nghe tiếng xe lửa, còi tàu là ngày đó họ cảm giác thiếu thiếu.
Họ chia sẻ rằng sống ở đây cảm thấy "ngon lành" lắm rồi, dù có khá hơn cũng hổng chuyển đi đâu hết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận