Cả phường Hòa Xuân gần như được giải tỏa trắng, chỉ còn lại khu vực tổ 89 chờ được di dời suốt bao năm qua - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Hiện gần như toàn bộ phường Hòa Xuân đã là khu đô thị mới, chỉ sót lại khu ven sông mà ông và 80 hộ dân đang ở chưa được giải tỏa.
Họ là những hộ dân bị "kẹt" lại trong dự án khu dự trữ phát triển đô thị và chống ngập úng ven sông phía nam cầu Cẩm Lệ được triển khai cách đây 12 năm.
Hai thái cực trên một con đường
Con đường Đinh Gia Trinh nối hai đầu cầu Nguyễn Tri Phương và Cẩm Lệ là ranh giới phân biệt khu vực đô thị mới và khu dân cư cũ ở phường Hòa Xuân. Từ đường đổ dốc xuống tổ 89, những mái nhà cấp 4 xập xệ chỉ ngang với mặt đường là nơi cuối cùng ở phường Hòa Xuân chưa được giải tỏa.
Khung cảnh đối lập này khiến ai nấy đều hình dung một Đà Nẵng trước kia và hiện nay. Cách một mặt đường là khu phố xá mới, nhà ống san sát được quy hoạch sạch đẹp. Một bên là "chất quê" thế kỷ trước khi vẫn còn nguyên xi với những bụi tre, hàng chuối và những ngôi nhà cũ kỹ.
Dẫn chúng tôi đi qua con đường lồi lõm lởm chởm, ông Phu cho biết trước khi có khu đô thị Hòa Xuân, đây là tuyến đường chính mà cả khu vực đi lại khi muốn qua vùng này.
Người dân trước đây sống trên trục đường này được coi như ở mặt tiền, thuận tiện buôn bán bao nhiêu thì sau 15 năm khung cảnh lại trái ngược bấy nhiêu bởi đây là nơi cuối cùng chờ giải tỏa.
Khi dự án khu dự trữ phát triển đô thị và chống ngập úng ven sông phía nam cầu Cẩm Lệ được triển khai, ai cũng tin chắc mình sắp đổi đời. Những đám ruộng lúa của ông Phu và người dân quanh xóm được thu hồi để làm khu đô thị.
Gia đình ông Phu có hơn 140m2 được đoàn kiểm định đến đo đạc và thống nhất đền bù nên chỉ cần ngồi "rung đùi" chờ ngày được bố trí đất tái định cư. Nhưng từ đó đến nay dự án vẫn... giậm chân tại chỗ.
Ông Trần Văn Em luôn phải thủ ghe đi lại mùa mưa
"Ngày ấy dự án triển khai, ai cũng khấp khởi vì sắp được chuyển lên nơi cao ráo, khang trang sinh sống. Nhiều nhà con cái tới tuổi dựng vợ gả chồng dự định chia cho mỗi đứa một lô đất để an cư lạc nghiệp. Thế mà nay con cái họ gần học xong cấp I vẫn sống trong cảnh chung chạ với cha mẹ nơi đây. Bao nhiêu cuộc đối thoại, tiếp dân vẫn chưa biết khi nào đi", ông Phu nói.
Bên khu đất trống, ông Phu và vợ cuốc đất trồng rau, nguồn thu nhập chính của gia đình nhiều năm qua vì ruộng lúa đã được thu hồi. Nhưng ông Phu vẫn còn khá hơn nhiều người vì vẫn còn khoảnh đất cuốc cỏ trồng rau. Nhiều hộ dân sống sát mép sông Cẩm Lệ ở khu này vẫn chưa dứt được cảnh ngập lụt khi mưa lớn.
Đi sâu vào những bụi tre cuối xóm là nhà ông Trần Văn Em. Điểm dễ nhận diện chính là chiếc thuyền nhôm treo trước nhà phòng thủ mỗi khi thượng nguồn xả lũ. Cứ vào tháng mười âm lịch, chiếc thuyền nhôm lại được tu sửa một lần để đi lại khi nước ngập vào sân vườn.
Nhiều hộ dân ở đây chịu không thấu cảnh nước vào năm bảy lần trong mùa mưa nên đã dời đi. Nhưng rồi hai năm dịch COVID-19 ập đến, nhiều hộ mất việc nên chấp nhận quay lại đây sống chung với cảnh lội nước để bớt chút đỉnh tiền thuê nhà.
Ông Em ví von chỗ mình nhìn qua sông Cẩm Lệ, nhìn lui về khu đô thị mới Hòa Xuân chẳng khác gì người dân Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) trước đây nhìn qua quận 1 (TP.HCM).
Nhiều người cũng muốn ở lại đất ông bà tổ tiên, nhưng nhìn ra xa thấy thênh thang đường lớn, còn mình thì bên bụi tre già ai mà không buồn. Khung cảnh ở đây chục năm rồi cứ đứng yên giữa phố xá tấp nập.
Ông TRẦN VĂN EM
"Ốc đảo" lo mưa bão
Ngồi nhìn con nước trôi trước nhà, ông Em nói hơn 10 năm qua đời sống người dân TP đã được nâng lên rõ rệt. Kể cả với những hộ dân bị kẹt lại ở đây đều cảm nhận được sự thay da đổi thịt của bức tranh kinh tế chung. Nên điều khiến những hộ dân lo nhất không phải cảnh thiếu đói mà cảnh mất ăn mất ngủ mỗi mùa mưa bão tới.
Từ khi cả vùng rơi vào quy hoạch, nhà cửa ở đây hư hỏng mà không thể sửa chữa.
Nhà cửa xuống cấp theo thời gian là chuyện đã đành. Ông Em kể nguy hiểm hơn cả là việc có nhiều nhà bất thình lình bị sập vì trước đây xây dựng theo kiểu chắp vá. Việc này do trước kia khu này dính quy hoạch ruộng lúa, nên người dân có tiền đền bù.
Mọi người đều nghĩ thu hồi lúa xong sẽ đến giải tỏa nhà, ai cũng chắc suất đền bù nên trong một thời gian đã rộ lên tình trạng "linh động" xây thêm hòn non bộ, tường rào và công trình phụ. Thành ra cả khu dân cư này đi đâu cũng thấy nhà cửa chắp vá "thừa mà không đủ".
"Ở đây có nhà có tới 2 - 3 nhà vệ sinh. Hòn non bộ thì quanh nhà. Như hàng xóm tôi nhà mái tầng hai, ở trên thì bỏ không nhưng bên dưới lại thiếu phòng ngủ cho con cái cũng vì mộng được đền bù giải tỏa", ông Em nói.
Dân tổ 89 mắc kẹt vì không dám sửa chữa lớn khi chưa biết bao giờ được giải tỏa - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Mòn mỏi chờ giải tỏa "trắng" nhưng nhà cửa xuống cấp không trụ lại được với thời gian, nhiều hộ dân phải đi tìm nơi ở mới để trú tránh mỗi khi mưa bão tới.
Như trường hợp của ông Phạm Đức Hùng, đã dời đi từ ba năm trước do nhẩm tính tiền sửa chữa nhà sẽ tốn kém hơn cả việc thuê mướn. Dù hiện nay phường vẫn cấp phép sửa chữa nhỏ nhưng do thấp thỏm đi - ở, nên ít người dám bỏ số tiền ra sửa sang.
"Không được đầu tư làm mới, nên không chỉ nhà cửa mà đường sá, rồi điện đóm ở đây vẫn cứ như trước. Thậm chí còn ô nhiễm hơn trước vì bên kia trên cao, bao nhiêu rác rưởi đều trôi xuống khu này", ông Hùng nói khi quay về nhà cũ thắp hương cho tổ tiên.
Trong đợt bão vừa qua, hơn 200 người dân còn trụ lại ở đây phải di dời khẩn cấp đến một trường học phía trên để trú tránh.
Theo bà Hồ Thị Cẩm Nhung - chủ tịch UBND phường Hòa Xuân, hiện nay tổ 89 là khu vực duy nhất ở phường chưa được giải tỏa nên có nguy cơ mỗi mùa mưa bão tới. Do quy hoạch nên việc xây sửa đều bị hạn chế do lo ngại phát sinh tình trạng xây dựng trái phép.
Hiện nay ngoài việc nhà cửa rệu rã thì việc các dự án xung quanh đổ đất san nền cao nên đã biến nơi này trở thành vùng trũng, thường xuyên bị ngập nước.
Chưa thống nhất nơi di dời
Bà Hồ Thị Cẩm Nhung cho biết dự án khu dự trữ phát triển đô thị và chống ngập úng ven sông phía nam cầu Cẩm Lệ, liên quan đến 81 hộ dân (tổ 40 cũ trước đây) với gần 300 hồ sơ liên quan.
Dự án hoàn thành việc kiểm định và áp giá hơn 10 năm trước, tuy nhiên vì kinh phí khá lớn nên chưa thực hiện đền bù vào thời điểm đó. Vừa qua khi tiếp xúc, đa số người dân muốn được di dời do nhà cửa xập xệ.
"Quan điểm của chúng tôi là kiến nghị sớm giải tỏa khu vực này để người dân an tâm sinh sống. Khi đối thoại, TP có chủ trương sẽ bố trí tái định cư cho 81 hộ dân ở khu dân cư E2 mở rộng, tuy nhiên qua tiếp xúc các hộ dân mong muốn được tái định cư gần khu vực đang sinh sống, vì vậy TP vẫn đang rà soát quỹ đất", bà Nhung nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận