08/05/2024 20:15 GMT+7

Xôi nhà xác 50 năm nức tiếng Chợ Lớn, nghe rùng rợn mà tấp nập người mua

'Em ơi! Ăn 'xôi nhà xác' không em?', một vị khách của quán Xôi mặn 409 gọi điện thoại hỏi người nhà. Vì tọa lạc ở vị trí khá đặc biệt trong nhiều năm trời, nên các thực khách cũng quen miệng gọi tên quán xôi theo một cách có phần hơi... 'rùng rợn'.

Một phần 'xôi nhà xác' có giá từ 20.000 đến 30.000 đồng - Ảnh: HỒ LAM

Một phần 'xôi nhà xác' có giá từ 20.000 đến 30.000 đồng - Ảnh: HỒ LAM

Nằm trên đường Trần Phú, quận 5, những "giai thoại" về tên gọi của quán Xôi mặn 409 có lẽ đã trở nên quen thuộc với người dân sống ở khu Chợ Lớn.

Tâm sự với Tuổi Trẻ Online, anh Lưu Bảo Minh, con trai chủ quán xôi, bảo cái tên 'xôi nhà xác' là do thực khách tự đặt cho quán anh.

Quán xôi mặn nhiều tên, mà chết tên xôi nhà xác

Trước đây, ba mẹ anh Minh bán xôi ở góc đường Nguyễn Tri Phương - Trần Phú. Khi ấy, chỉ có một chiếc xe đẩy trên vỉa hè rồi bán tới khuya. Sau này, gia đình anh mới chuyển về địa chỉ hiện tại để bán. 

Nồi xôi luôn nghi ngút khói - Ảnh: HỒ LAM

Nồi xôi luôn nghi ngút khói - Ảnh: HỒ LAM

Trên đường Trần Phú có đến... hai nhà tang lễ, xung quanh có nhiều bệnh viện, trại hòm, hộ dân buôn bán vàng mã lại có một quán xôi nằm lọt thỏm, tồn tại ngót nghét gần 50 năm trời, nên cũng không khó hiểu khi quán lại có cái tên quen thuộc là "xôi nhà xác".

"Thì 'chết tên gọi' nên giờ ai cũng nói quán tôi là 'xôi nhà xác' hết. 

Nhưng mà quán xôi này còn nhiều tên gọi khác nữa, ở mỗi giai đoạn người ta lại đặt cho quán một cái tên khác nhau" - chủ quán Minh vừa thoăn thoắt gói xôi vừa kể. 

Quán xôi của anh càng về đêm càng tấp nập khách. Có đến ba người gói xôi nhưng dường như vẫn không kịp. 

Người múc phần xôi còn nghi ngút khói, người trải xôi lên lá chuối, múc nguyên liệu, người gói lại mang ra cho khách.

Khi quán đã vơi dần khách mua, anh Minh nghỉ tay một chút và kể thêm về những cái tên "độc lạ" của quán xôi nhà mình. 

"Hồi đó, quán còn có tên là 'xôi nhún'. Tại ba mẹ tôi bán xôi trên cái xe đẩy bằng gỗ. Hễ đụng vào là nó nhún nhún nên người ta gọi vui như vậy. Rồi có một dạo, xe xôi bị gọi là 'xôi gõ' bởi tiếng gõ lộc cộc của chiếc muỗng vang lên đều đặn mỗi khi múc xôi" - chủ quán Minh vừa cười vừa nói.

Chủ và nhân viên quán xôi không khi nào ngơi tay vì luôn có khách đến mua - Ảnh: HỒ LAM

Chủ và nhân viên quán xôi không khi nào ngơi tay vì luôn có khách đến mua - Ảnh: HỒ LAM

Với những khách quen quen hơn, có tâm hồn lãng mạn, mê đi xem hát thời xưa, họ còn gọi quán xôi của anh Minh là "xôi Hào Huê" bởi quán xôi của anh khi đó bán gần rạp Hào Huê, nơi đóng đô của nhiều đoàn cải lương, kịch nói nổi danh. 

Anh Minh nói: "Nhiều người đi xem hát về cũng ghé lại ăn. Rồi có một số nghệ sĩ như: Bảo Quốc, Duy Phương... diễn xong cũng ra quán, gọi một phần ăn lót dạ". 

Gánh xôi vỉa hè nuôi một gia đình đông người

Tâm sự với Tuổi Trẻ Online, anh Minh xúc động: "Gia đình tôi hồi đó cũng khó khăn. Ba mẹ nhờ gánh xôi vỉa hè mà nuôi 5 người con khôn lớn.

Lớp đậu phộng rang, giã nhuyễn trải đều trên bề mặt xôi - Ảnh: HỒ LAM

Lớp đậu phộng rang, giã nhuyễn trải đều trên bề mặt xôi - Ảnh: HỒ LAM

Tuy vất vả nhưng ba mẹ chịu khó làm lắm. Ngày nào cũng dọn ra bán vỉa hè như vậy để mưu sinh. Từ lúc còn là học sinh thì tôi đã theo phụ ba mẹ bán xôi. Tôi thương và nhớ họ rất nhiều, nên chắc có lẽ vì vậy mà theo nghề đến giờ luôn".

Anh Minh nói trước đây, ba mẹ anh nấu bếp bằng than và dùng lá chuối để gói xôi bán cho khách. Đến giờ, anh có điều kiện hơn nhưng vẫn giữ nếp cũ là gói xôi trong lá chuối. Bởi theo anh, lá chuối mộc mạc, không gây hại đến sức khỏe con người và môi trường như đồ nhựa.

Quán bán từ 3 giờ chiều nên từ 12 giờ sáng, anh đã bắt đầu hấp xôi. Mỗi đêm, anh không thể ước chừng được lượng xôi bán ra vì có lúc đông lúc vắng.  

Lạp xưởng là nguyên liệu được chủ quán lấy từ Sóc Trăng - Ảnh: HỒ LAM

Lạp xưởng là nguyên liệu được chủ quán lấy từ Sóc Trăng - Ảnh: HỒ LAM

Nếp được anh lấy từ chỗ quen. Đa số các thực khách đều thích nếp xôi ở đây bởi hạt đều, hấp vừa đủ dẻo, càng nhai kỹ càng thấy ngon và thơm. 

Món xôi mặn có thêm các nguyên liệu cơ bản như: mỡ hành, hành phi, đậu phộng rang, chà bông đều do chủ quán tự tay làm và bán trong ngày.

"Hành lá và hành phi trộn đều, tôi bán đến đâu thì pha mỡ hành đến đó, bởi nếu pha trước thì nó sẽ nguội và không còn ngon nữa. 

Còn đậu phộng thì rang lên giã cho thật nhuyễn. Tôi cán dẹp xôi để các nguyên liệu hòa lẫn đều với nhau”, anh Minh cho biết.

Riêng phần lạp xưởng thì anh Minh lấy của một mối quen lâu năm ở Sóc Trăng. Anh bảo lạp xưởng có truyền thống lâu đời nên làm hài lòng đa số thực khách. 

Đồng hồ điểm gần 9 giờ đêm, nồi xôi vẫn nghi ngút khói chờ múc ra phục vụ hàng người tấp nập trước quán. Đa số khách hàng là những người Hoa sống tại quận 5 lâu năm. Họ đến mua xôi và chủ quán giao tiếp với họ bằng tiếng Hoa.

Chủ quán cũng tự tay làm chà bông - Ảnh: HỒ LAM

Chủ quán cũng tự tay làm chà bông - Ảnh: HỒ LAM

Anh Minh chia sẻ: "Có khách người Hoa khoảng 60, 70 tuổi là mối quen mấy chục năm của gia đình tôi. Họ ăn chắc từ thời ba má tôi. Nhiều người đi xa, đi nước ngoài gần 30, 40 năm thì khi họ quay về Sài Gòn cũng ghé lại đây để ăn".

Gần 50 năm tồn tại, từ những chiếc xe đẩy xôi ban đầu rồi dần trở thành một quán xôi khang trang hơn, có lẽ 'xôi nhà xác' đã kịp ghi một dấu ấn nhất định trong văn hóa, ẩm thực vùng Chợ Lớn - Sài Gòn.

Tìm vị xôi làng nghề Phú Thượng giữa Sài GònTìm vị xôi làng nghề Phú Thượng giữa Sài Gòn

Quán Xôi làng nghề chuẩn vị Bắc của anh Nguyễn Thành Long bán xôi xéo, trắng, ngô nếp... có nguồn gốc từ làng nghề Phú Thượng cho những người mê ẩm thực Hà Nội và muốn thưởng thức xôi Bắc chuẩn vị giữa Sài Gòn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp